Tiếng Việt | English

10/02/2024 - 15:52

Công tác cán bộ - Khâu 'then chốt' trong công tác xây dựng Đảng

Quán triệt nhiệm vụ trọng tâm “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và giải pháp đột phá “Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới, sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ” được Đại hội XIII của Đảng xác định; tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ, coi đây là khâu đột phá, “then chốt” để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, góp phần lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - Nguyễn Thanh Hải (thứ 2, phải qua) và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Lê Thanh Nghiêm trao quyết định công tác cán bộ

Thời gian qua, tỉnh Long An xây dựng và triển khai, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về công tác cán bộ bám sát theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương. Trong đó, tỉnh tập trung đổi mới về phương pháp, quy trình, đột phá trong một số khâu công tác cán bộ theo hướng chặt chẽ, đồng bộ, thực chất, bảo đảm tính kế thừa và chiến lược lâu dài.

Qua triển khai, thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI) về thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp, tỉnh đã từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo đó, công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế. Nội dung và hình thức thi tuyển thường xuyên được đổi mới, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ được thực hiện toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong, lề lối làm việc. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ ngày càng thực chất hơn, sát với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập thể, cá nhân, góp phần quan trọng cho các khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn và bố trí, sử dụng cán bộ.

Đối với công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ chủ chốt, tỉnh luôn chú trọng về tiêu chuẩn chức danh, số lượng, cơ cấu, tỷ lệ trẻ, nữ và độ tuổi, bảo đảm thực hiện phương châm “mở” và “động”; định kỳ rà soát, giới thiệu bổ sung nhân tố mới đủ điều kiện vào quy hoạch; đồng thời, đưa ra khỏi quy hoạch những người không bảo đảm tiêu chuẩn.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026, quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 (trong đó, quy hoạch cấp ủy cấp tỉnh nhiệm kỳ 2025- 2030, cán bộ nữ chiếm 27,1%; cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chiếm 12,8%; trình độ chuyên môn đại học trở lên và trình độ cao cấp lý luận chính trị đạt 100%.

Quy hoạch cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2025- 2030, cán bộ nữ chiếm 31,08%; cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chiếm 44,44%; trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 100%; trình độ cao cấp lý luận chính trị và tương đương chiếm 41,51%).

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ kết hợp bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không là người địa phương tạo điều kiện cho cán bộ được rèn luyện trong thực tiễn, làm cơ sở cho việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ trước mắt và lâu dài; khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, khép kín trong công tác cán bộ. Tỉnh đã bố trí 15/15 bí thư cấp ủy cấp huyện, 5/15 chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố không là người địa phương.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được xác định là khâu quan trọng, được quan tâm đầu tư, đẩy mạnh theo hướng chuẩn hóa chức danh về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước; đào tạo gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ. Quan tâm lựa chọn, cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy, tỉnh cử 352 đồng chí đào tạo cao cấp lý luận chính trị và 2.740 đồng chí đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Tổ chức 1 lớp bồi dưỡng nguồn cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 với 40 đồng chí; 5 lớp bồi dưỡng nguồn cấp ủy huyện nhiệm kỳ 2025-2030 với 400 đồng chí; tổ chức 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 235 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; tổ chức 17 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp huyện quản lý với 1.615 lượt cán bộ tham gia.

Song song với công tác tổ chức cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng lãnh đạo, thực hiện chặt chẽ công tác chính trị, tư tưởng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Chú trọng quán triệt quan điểm đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, sáng tạo và khát vọng vươn lên.

Nhìn chung, chất lượng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh.

Với mục tiêu “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng và cơ cấu phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH trong thời kỳ mới; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ tỉnh, đủ sức lãnh đạo đưa tỉnh đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán quan điểm: Công tác cán bộ là nhân tố quyết định, khâu “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng.

Phải tiếp tục đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ trong sự phát triển của địa phương; từ đó, tập trung lãnh đạo, có quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt, liên tục và lâu dài.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, tận tụy, gắn bó mật thiết với nhân dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18,19-NQ/TW, góp phần tinh gọn, giảm đầu mối, giảm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Một mùa xuân mới - Xuân Giáp Thìn năm 2024 đang về trên khắp mọi nẻo đường của quê hương, đất nước, mang theo biết bao ước vọng về một năm mới hạnh phúc, an lành, với nhiều thành tựu mới. Phát huy kết quả đã đạt, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần chủ động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của từng cán bộ, đảng viên sẽ là cơ sở, nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, đưa tỉnh nhà phát triển ngày càng năng động và bền vững hơn./.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - Nguyễn Thanh Hải 

Chia sẻ bài viết