Tiếng Việt | English

05/09/2019 - 10:40

Công nhân với nỗi lo năm học mới

Cũng như nhiều phụ huynh khác, tâm trạng những công nhân, lao động (CNLĐ) có con đi học đang “rối bời” trước các khoản phí đầu năm học.


Mua sắm sách, vở, dụng cụ học tập cho con vào năm học mới là nỗi lo của công nhân, lao động nghèo

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương - CN Công ty (Cty) TNHH SX-TM Sáng Việt (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), cho biết: “Con tôi năm nay vào lớp 1. Ngoài chuyện lo sách vở, quần áo, học phí,... cho con đến trường như bao gia đình khác, CNLĐ nhập cư như chúng tôi còn tất tả tìm trường học cho con. Vì là dân nhập cư, cơ hội gửi con vào trường công không nhiều nên với chúng tôi cũng thêm nhiều nỗi lo hơn người khác”.

Còn chị Trần Thị Phương Nga - CN Cty TNHH Giày FuLuh Việt Nam (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng tôi quê miền Bắc, vào đây làm CN và ở nhà trọ, không có hộ khẩu thường trú nên rất khó xin cho con vào học tại các trường công lập. Khi con còn nhỏ, tôi gửi chúng học mẫu giáo ở trường tư thục với chi phí khá cao. Nay, đứa lớn vào lớp 5, đứa nhỏ vào lớp 1, nỗi lo càng tăng lên trong những ngày đầu năm học mới”.

Đối với nhiều CNLĐ nhập cư có con nhỏ, mỗi khi vào năm học mới, họ phải chọn phương án hoặc gửi trường dân lập với giá cao hoặc đưa con về quê nhờ gia đình nội, ngoại chăm lo. Chị Trương Thị Nhung - CN Cty TNHH MTV Công nghiệp Huafu (Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức), nói: “Tổng thu nhập của vợ chồng tôi chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, riêng chi phí cho đứa con vào đầu năm học đã gần 3 triệu đồng, rồi còn bao thứ phải lo cho cuộc sống nhà trọ. Vì vậy, thu nhập tháng nào hết tháng nấy nên 4 năm rồi vợ chồng tôi không về quê thăm gia đình. Bởi vậy, dù chỉ mới có 1 đứa con nhưng vợ chồng tôi chưa dám sinh thêm”.

Chị Lê Thị Tuyết - CN Cty TNHH SX TM DV Lê Nam (ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa), cho hay: “Vợ chồng tôi quê ở Trà Vinh, do mới đi làm nên không đủ điều kiện gửi con vào lớp 1 ở địa phương nơi làm việc, do đó, đành đưa con về gửi bên ngoại để đi học. Những ngày này, vợ chồng tôi phải vượt hàng trăm cây số đi về Trà Vinh để lo thủ tục cho con đi học”. Đối với CNLĐ xa nhà, sống cảnh nhà trọ, có con ở độ tuổi đến trường, năm học mới bao giờ cũng là nỗi lo rất lớn. CNLĐ ở xa gặp nhiều khó khăn, nhất là chuyện học tập của con họ. Ở hệ mẫu giáo, họ không được gửi con vào cơ sở công lập mà phải gửi ở các cơ sở dân lập với giá cao. Còn hệ tiểu học, do không có cơ sở dân lập nên ngoài chuyện lo chi phí, rất nhiều CNLĐ còn phải đưa con về quê gửi đi học.

Cty Đông Quang (Khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa), nơi có hàng ngàn CNLĐ ở xa, sống cảnh nhập cư. Nhiều năm qua, Công đoàn cơ sở Cty đề xuất chủ doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở cho CNLĐ ở trọ với giá gần như cho không. Công đoàn cơ sở Cty còn đứng ra tổ chức trường mẫu giáo, nhà trẻ và trường tiểu học cho con của CNLĐ xa nhà, học miễn phí hoàn toàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Cty chỉ còn duy trì được nhà trẻ, mẫu giáo, còn hệ tiểu học thì không được phép tiếp tục, vì vậy không ít CNLĐ phải gửi con về quê học tiểu học.

Bên cạnh áp lực công việc hàng ngày, CNLĐ nhập cư còn phải “gồng mình” để lo cho con không bị thất học. Dịp khai giảng năm học mới cũng là lúc nhiều CNLĐ trẻ lại bộn bề trước những khó khăn và nỗi lo để đưa con đến trường như tìm trường cho con, các khoản phí đóng đầu năm học mới,... ./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết