Tiếng Việt | English

20/02/2017 - 10:02

Công nghiệp hỗ trợ - Động lực phát triển công nghiệp

Long An là tỉnh dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) về thu hút vốn đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, vì vậy, những năm gần đây, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của tỉnh có những bước tiến nhất định. Tỉnh đang tập trung phát triển ngành CNHT ở 6 ngành: Dệt may, da giày, cơ khí, bao bì, điện tử và nhựa.


Dây chuyền sản xuất khăn ở Công ty CP Songwol Vina (Khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa)

Những kết quả khả quan

Long An phát triển công nghiệp (CN) khá sớm so với các tỉnh vùng ĐBSCL, tốc độ tăng trưởng CN ở mức cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều văn bản của Trung ương, tỉnh được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển các ngành CNHT gồm: Dệt may, da giày, cơ khí, bao bì, điện tử và nhựa.

Nhiều ngành CNHT ra đời đáp ứng yêu cầu của sự phát triển CN chế biến, chế tạo. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Thu - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Long An nhờ có những ngành nghề CNHT ra đời hỗ trợ nhiều ngành nghề khác phát triển, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra các nước trong khu vực.

Công ty (Cty) CP Dệt Đông Quang là một trong những DN thuộc ngành dệt hình thành sớm tại Long An. Sau thời gian đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực kéo sợi, đến nay, Cty có 3 nhà máy với công suất 80.000 tấn sợi/năm. Tổng Giám đốc Cty CP Dệt Đông Quang - Tăng Điện Quang chia sẻ, hiện tại, Đông Quang được công nhận là nhà sản xuất sợi chất lượng cao hàng đầu Việt Nam, đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Thị trường của Cty là các nhà máy dệt trong nước và các nước châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Âu với hàng trăm đại lý và khách hàng trên toàn thế giới.

Cùng với tiến trình hội nhập, Long An thu hút nhiều dự án FDI lớn sản xuất sản phẩm CNHT như Tập đoàn Dệt may Huafu (đến từ Hồng Kông) với tổng mức đầu tư của nhà máy tại Khu CN Thuận Đạo (Bến Lức) khoảng 6.000 tỉ đồng, công suất dự kiến mỗi năm kéo 30.000 tấn sợi. Sản phẩm của Huafu được cung cấp cho các nhà máy dệt trong và ngoài nước.


Công nhân sản xuất trong nhà máy Công ty CP Songwol Vina

Ngoài ra, Tập đoàn Trillions (Mỹ) cũng quyết định đầu tư vào Khu CN Tân Đức giai đoạn 2 (Đức Hòa) với vốn đầu tư dự kiến 120 triệu USD. Tập đoàn này cũng dự kiến thu hút các đối tác đến triển khai dự án trong lĩnh vực dệt nhuộm và CNHT cho ngành dệt may.

Nằm trong ngành CN dệt may, năm 2009, Cty CP Songwol Vina bắt đầu đi vào hoạt động tại Khu CN Tân Đức (Đức Hòa) với tổng vốn đầu tư gần 735 tỉ đồng. Sản phẩm của Cty là các loại khăn mặt, khăn tay, khăn tắm,... xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Trong nước, Cty cung cấp sản phẩm cho các nhà phân phối lớn như Metro, Big C, Lotte,...

Đại diện Cty - ông Pak Byung Dae phấn khởi: “Những năm gần đây, năng lực sản xuất của Cty mỗi năm đều tăng. Điển hình như năm 2014, Cty sản xuất 3,4 triệu kg thì đến năm 2015 tăng lên 3,7 triệu kg, năm 2016 tăng lên 4,4 triệu kg. Nhờ vậy, doanh thu và lợi nhuận của Cty cũng tăng theo từng năm. Năm 2016, doanh thu của Cty đạt gần 750 tỉ đồng. Nếu như năm 2014, Cty nộp ngân sách tỉnh 7,7 tỉ đồng thì trong năm 2016, con số góp vào ngân sách lên 14 tỉ đồng. Theo dự tính, năm 2017, Cty tiếp tục tăng lượng sản xuất và doanh thu thêm 15% so với năm 2016”.

Ngoài ra, ngành cơ khí cũng là một trong những ngành CNHT phát triển mạnh. Từ đó, nhiều DN của tỉnh sản xuất được máy móc, trang thiết bị phục vụ nông nghiệp: Máy xay xát lúa gạo, máy gặt, máy gieo hạt. Hiện các DN cơ khí trong tỉnh: Lamico, Cty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ,... không những phục vụ nền nông nghiệp của tỉnh mà còn cung cấp cho các vùng trong nước, kể cả xuất khẩu sang các nước khác.


Nguyên liệu sản xuất của ngành nhựa hiện nay có đến 70% là nhập khẩu (ảnh chụp tại nhà máy Công ty TNHH MTV Nhựa Vô Song)

Vẫn còn hạn chế

Mặc dù Long An có lợi thế so sánh về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, quỹ đất dành cho phát triển CN, về nỗ lực thu hút đầu tư, môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi,... nhưng CNHT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát triển mạnh. Đó là đánh giá của lãnh đạo Sở Công Thương tại hội thảo khoa học được tổ chức trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2016.

“CNHT của Long An chưa đủ mạnh nên nguyên liệu, phụ tùng máy móc phục vụ sản xuất CN vẫn phải nhập khẩu với giá trị lớn và có chiều hướng gia tăng” - nhận xét của Tiến sĩ Võ Thanh Thu. Điển hình trong năm 2016, các DN trên toàn tỉnh nhập khẩu hàng hóa với giá trị khoảng 3,2 tỉ USD, chủ yếu là máy móc và nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Đại diện Cty TNHH MTV Nhựa Vô Song (Khu CN Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa) cho rằng, hiện nay, hầu hết DN sản xuất ở ngành nhựa đều nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu. Riêng Cty, hàng tháng nhập khẩu lượng nguyên liệu từ nước ngoài bình quân từ 15-20 tỉ đồng.

Hiện nay, trừ một số ít DN đến từ nước ngoài, các DN trong nước đều gặp khó khăn trong thiết lập chuỗi kinh doanh trong và ngoài nước để ổn định tiêu thụ sản phẩm. Một điểm hạn chế nữa là hiện nay, các cơ sở CNHT trên địa bàn tỉnh còn phân tán trong các khu, cụm CN và bên ngoài khu, cụm CN. Từ đó phát sinh bất cập trong chuỗi hệ thống cung ứng linh kiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khu, cụm CN hình thành khu đặc trưng cho ngành CNHT.


Nhà máy sản xuất của Công ty CP Songwol Vina

Gải pháp phát triển bền vững

Theo Tiến sĩ Võ Thanh Thu, mọi người cần nhận thức rõ quan điểm: CNHT không phải là ngành CN phụ, phục vụ ngành CN chính. CNHT là ngành CN cung cấp nguyên liệu, linh kiện chi tiết,... để chế tạo sản phẩm cuối cùng. Phát triển CNHT chính là phát triển ngành CN hậu cần giúp các DN nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung cấp bên ngoài.

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho rằng, Long An đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh ở các ngành CNHT. Trong quá trình sản xuất CN luôn có sự đan xen, tác động lẫn nhau, sản phẩm đầu ra của ngành này lại là sản phẩm hỗ trợ hay sản phẩm đầu vào của ngành khác, thậm chí để sản xuất ra sản phẩm hỗ trợ cũng cần đến CNHT cho bản thân ngành đó. Vì vậy, Long An đang tập trung vào việc kết nối, hỗ trợ DN CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho nhau, cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến mời gọi DN trong nước lẫn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực CNHT.

Ngoài ra, các giải pháp khác: Giải pháp về vốn và khoa học - công nghệ; phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; tạo vùng nguyên liệu; tài chính,... cũng được Long An tiến hành thực hiện.

Theo Quy hoạch phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Long An đặt mục tiêu phát triển CNHT nhằm thúc đẩy ngành CN chính phát triển bền vững, sử dụng các sản phẩm CNHT đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có khả năng xuất khẩu; hướng đến hình thành trung tâm nguyên, phụ liệu ngành dệt may cho cả vùng.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, các ngành CNHT chiếm trên 21% giá trị sản xuất CN toàn ngành; giá trị tăng thêm chiếm tỷ trọng gần 30%; đến năm 2030, giá trị sản xuất của các ngành, lĩnh vực CNHT chiếm tỷ trọng 30-35%, giá trị tăng thêm chiếm 35-40%./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết