Tiếng Việt | English

06/03/2017 - 23:30

Công nghiệp hỗ trợ đã đến lúc được tạo đà để cất cánh

Chương trình kích cầu thông qua đầu tư dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vay vốn đổi mới máy móc, công nghệ, trang thiết bị mở rộng sản xuất.

Sự phát triển của ngành công nghiệp TP HCM chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố và bộc lộ nhiều dấu hiệu thiếu bền vững là do những hạn chế yếu kém trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đó là khẳng định của các chuyên gia và nhà quản lý khi nói về ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố lâu nay.

Không thể để ngành công nghiệp hỗ trợ ì ạch mãi, năm 2017, TP HCM đã có những bước đột phá nhằm tạo đà cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

TP HCM sẽ có chương trình kích cầu thông qua đầu tư dành cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ. (Ảnh minh họa: KT)

Thành lập đã 12 năm, chuyên sản xuất tủ bảng điện, thang máng cáp, ống gió và phụ kiện ngành điện có uy tín, nhưng lâu nay, Công ty TNHH sản xuất thương mại Điện Bích Hạnh ở quận Thủ Đức, TP HCM phải tự mày mò tìm đầu ra cho sản phẩm của đơn vị mình.

Mới đây, cơ hội đã mở ra với doanh nghiệp này khi sản phẩm của đơn vị được giới thiệu tại phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Sở Công Thương thành phố, nhiều doanh nghiệp nước ngoài và đối tác trong nước đã tìm đến đơn vị tìm hiểu đặt vấn đề hợp tác, làm ăn. Không những thế, công ty đang được hỗ trợ làm các thủ tục để được vay vốn từ chương trình kích cầu đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Trần Được, Giám đốc Marketing của Công ty Điện Bích Hạnh cho biết, trung tâm có giới thiệu các đối tác nước ngoài như Singapore, Nhật Bản, Thái Lan đến tham quan phòng trưng bày, mời đại diện doanh nghiệp đến giới thiệu sản phẩm. Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ đang làm cho sợi giây kết nối giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư gần gũi hơn.

Không chỉ kết nối doanh nghiệp với các đối tác thông qua sản phẩm, Công ty Điện Bích Hạnh cùng với 1.200 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác của thành phố đã được Sở Công Thương đưa vào Trung tâm cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ nhằm giới thiệu, kết nối hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Hoàng Thọ Vượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM cho biết, lâu nay do chưa có cơ sở dữ liệu nên việc kết nối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hết sức khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư tại TP HCM, nhưng khi tìm hiểu về chuỗi sản phẩm cung ứng, nguyên phụ liệu phục vụ cho họ khi đầu tư tại đây lại không biết thông tin từ đâu. Chính vì vậy mà nhiều cơ hội đầu tư cũng đã bị vuột mất.

“Khi doanh nghiệp FDI vào, trung tâm sẽ có những công cụ để kết nối, giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận được và tham gia vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI. Những doanh nghiệp nào đủ năng lực sẽ kết nối ngay”, ông Vượng khẳng định.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM cho rằng, những khởi động này của ngành công thương để phát công nghiệp hỗ trợ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên cần xác định rõ những giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này đứng vững.

“Chủ trương về phát triển công nghiệp hỗ trợ cần phải có những giải pháp cụ thể, phải có chính sách như hỗ trợ vốn, miễn giảm thuế trong một thời gian để doanh nghiệp phát triển. Sau khi doanh nghiệp phát triển và đứng vững việc thu thuế sẽ dễ dàng hơn”, ông Hồng đề xuất.

Trước những băn khoăn từ các doanh nghiệp, Sở Công Thương TP HCM cho biết, đầu quý 2 năm nay, thành phố sẽ ban hành quyết định 50 về chương trình kích cầu thông qua đầu tư. Đây là chương trình dành riêng cho doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của thành phố trong việc vay vốn đổi mới máy móc, công nghệ, trang thiết bị để mở rộng sản xuất.

Doanh nghiệp vay vốn kích cầu đối với các sản phẩm nằm trong danh mục thành phố khuyến khích đầu tư thì với 1 dự án được vay tối đa 100 tỷ đồng trong thời gian 7 năm và được hỗ trợ lãi suất vay 100%.

Song song đó, Sở công thương sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm các mặt bằng, hỗ trợ về hoạt động xúc tiến để giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối, tìm kiếm thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất ngành công nghiệp này.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, Sở sẽ thay đổi phong cách phục vụ doanh nghiệp: “Từ trước tới nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp vẫn theo phong cách giải quyết thủ tục hành chính, khi doanh nghiệp cảm thấy khó khăn tìm đến mới tìm cách hỗ trợ. Do vậy trong năm 2017, Sở Công Thương TP HCM xác định thay đổi phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp, từ việc thay đổi mục đích và tìm đến doanh nghiệp để hỗ trợ”.

Để ngành công nghiệp hỗ trợ TP HCM đi lên, cần có thời gian để khẳng định hiệu quả. Tuy nhiên, những khởi động bước đầu của ngành công nghiệp này trong năm 2017 đã tạo kỳ vọng cho doanh nghiệp, giúp họ có thêm niềm tin để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, góp phần đưa ngành công nghiệp TP HCM ngày càng phát triển xứng tầm với đô thị lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

Cao Thoa/VOV.VN

Chia sẻ bài viết