Mang lại hiệu quả thiết thực
Tại TP.Tân An, những năm qua, mô hình trồng gấc đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài bán tươi, quả gấc còn có thể chế biến thành tinh dầu, bột khô,... Số gấc không bán kịp, nông dân có thể sơ chế, lấy phần thịt gấc đem cấp đông để bảo quản. Trung bình 3kg trái tươi sẽ cho ra 1kg thịt gấc cấp đông. Tuy nhiên, các vấn đề biến đổi khí hậu như thời tiết thất thường đang ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây gấc.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, từ tháng 8-2023, ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Bình Tâm, TP.Tân An) thực hiện mô hình trình diễn Ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến trên cây gấc với diện tích 0,3ha, kinh phí hơn 14,6 triệu đồng. Sau hơn 1 năm sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, thời gian mỗi lần tưới là 10 phút, còn như ngày trước là 3 giờ.
Bộ điều khiển hệ thống tưới của ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Bình Tâm, TP.Tân An) có hẹn giờ để tưới tự động
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, hệ thống tưới dễ vận hành, nông dân chủ động trong tưới nước, giảm công lao động ở khâu tưới nước, tiết kiệm hơn 78% tổng chi phí tưới nước.
Đồng thời, hệ thống tưới tiên tiến cung cấp đều lượng nước tưới cần thiết và tiết kiệm lượng nước tưới (tiết kiệm được khoảng 40% lượng nước tưới) so với tưới theo phương pháp truyền thống.
Ngoài ra, nông dân còn có thể pha loãng dinh dưỡng ở dạng hòa tan để bón phân cho cây thông qua hệ thống tưới, nhờ đó dinh dưỡng được thấm từ từ vào đất, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Do tưới bằng hệ thống tiên tiến nên nước sẽ thấm từ từ, bảo đảm độ ẩm phân bố đều trong tầng đất canh tác, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng tốt và phát triển tương đối đồng đều. Ngoài ra, so với phương pháp tưới tay thì sử dụng hệ thống tưới tiên tiến không gây xói mòn đất, hạn chế làm đất bị suy thoái.
"Hệ thống tưới không gây ô nhiễm môi trường, các ống dẫn được thiết kế bằng chất liệu cao cấp, không làm rò rỉ và thất thoát nước. Vật tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm chủ yếu là các ống nhựa và khá đơn giản, thuận tiện cho việc lắp đặt, sử dụng” - ông Tùng chia sẻ.
Hệ thống tưới thông minh giúp cây gấc hấp thụ đều nước, chất dinh dưỡng và tiết kiệm phân bón
Ứng dụng công nghệ tưới thông minh là một giải pháp kỹ thuật giúp nông dân tiết kiệm đáng kể chi phí trong sản xuất, phù hợp tình trạng thiếu nhân công lao động và điều kiện biến đổi khí hậu, thiếu nước tưới (do hạn, xâm nhập mặn) đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ tưới thông minh vào sản xuất còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng nguồn nước hợp lý, từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì sản xuất ổn định theo hướng bền vững.
Hướng đi bền vững
Nhờ sự khuyến khích và hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, một số nông dân mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng trên quy mô sản xuất lớn.
Điển hình là hệ thống tưới phun tự động trên vườn bưởi của ông ông Đào Văn Thành (SN 1960, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ). Sinh ra trong gia đình có 4 chị em, cha mất sớm, mẹ già yếu, ông Thành sớm phải gánh vác kinh tế gia đình, trồng và nuôi nhiều loại cây, con khác nhau.
Năm 2018, ông Thành bắt đầu nghĩ đến trồng bưởi da xanh, một loại cây mà chưa có ai ở địa phương dám thử. Năm 2020, bỏ ngoài tai những “lời ra tiếng vào”, ông Thành mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng để mua giống, lên liếp, làm hệ thống tưới,... cho 100 cây bưởi trên diện tích 200m2, đến nay đã nhân rộng ra 550 cây.
Ông Thành chia sẻ: “Lần đầu tôi trồng bưởi nên gặp không ít khó khăn. Đây là loại cây trồng mới nên địa phương cũng chưa tổ chức tập huấn kỹ thuật. Tôi tự học kỹ thuật trồng từ các phương tiện truyền thông, Internet và kinh nghiệm của những nông dân khác”.
Ông Đào Văn Thành (xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ) điều khiển tưới nước từ xa bằng remote
Năm 2022, Hội Làm vườn tỉnh phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh và Hội Nông dân huyện Tân Trụ triển khai, thực hiện mô hình Ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến trên cây bưởi với diện tích 0,5ha tại vườn của ông Thành.
Trước đây, gia đình ông áp dụng biện pháp tưới truyền thống, sử dụng máy xăng, ống tưới và cần 2 công lao động trong thời gian 2 giờ để tưới toàn bộ diện tích vườn bưởi. Khi đó, chi phí sản xuất (công lao động, tiền nhiên liệu, khấu hao máy móc,...) tốn khoảng 19 triệu đồng/năm.
Ông Thành cho biết, chi phí vật tư lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến cho 0,5ha vườn bưởi gần 20 triệu đồng. So với tưới theo phương pháp truyền thống thì chi phí đầu tư này khá cao nên ông còn lo ngại khi áp dụng.
Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, ông nhận thấy, tưới toàn bộ diện tích vườn bưởi chỉ mất 30 phút và không tốn công lao động. Sau 1 năm ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, ông Thành tiết kiệm được gần 15 triệu đồng và sau hơn 1 năm thì số tiền tiết kiệm này có thể hoàn vốn đầu tư ban đầu của hệ thống tưới tiên tiến.
Còn anh Nguyễn Văn Hải (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) cho biết, gia đình anh trồng khoảng 1,1ha mít, trước đây, mỗi lần kéo ống tưới nước vườn mít khoảng từ 4-5 giờ, tiêu tốn lượng lớn điện, nước.
Không những thế, tưới thủ công còn khiến nước tưới không được phân bổ đều, gây lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ ngập úng, ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất của cây mít.
Hiểu rõ tầm quan trọng trong việc cung cấp nước hợp lý cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, anh Hải mạnh dạn đầu tư khoảng 33 triệu đồng (trong đó được ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ 50%) lắp đặt hệ thống phun tưới tự động cho 8.000m2 đất trồng mít.
“Ban đầu tôi bỡ ngỡ lắm, không biết điều khiển hệ thống tưới như thế nào. Sau thời gian được tập huấn, hướng dẫn, tôi dần quen với hệ thống phun tưới hiện đại này. Giờ đây, tôi chỉ cần ngồi một chỗ, bật cầu dao điện, hệ thống sẽ tự động tưới cho vườn mít trong vòng từ 30 phút đến 1 giờ, giúp tiết kiệm điện, nước và công chăm sóc so với trước đây” - anh Hải chia sẻ.
Nhận thấy hiệu quả trước mắt, sắp tới, anh Hải tiếp tục đầu tư lắp đặt hệ thống này trên 3.000m2 đất trồng mít còn lại của gia đình.
Công nghệ tưới thông minh không chỉ là giải pháp thiết thực giúp sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn mở ra hướng đi bền vững cho sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Với sự hỗ trợ từ công nghệ, nông dân có thể tối ưu hóa nguồn nước, tăng năng suất cây trồng, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đầu tư vào các giải pháp thông minh chính là "chìa khóa" để phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh khí hậu ngày càng biến động./.
Khánh Duy - Thu Thảo