Anh Nguyễn Thái Hòa (bìa phải) tham gia phiên dịch trong một sự kiện ngoại giao của tỉnh. (Ảnh tư liệu)
Cống hiến thầm lặng
Hiện nay, tỉnh Long An ký kết và thiết lập quan hệ hợp tác chính thức với 8 địa phương quốc tế: Tỉnh Chungcheongnam (Hàn Quốc); tỉnh Svay Rieng, tỉnh Prey Veng (Campuchia); tỉnh Khăm Muộn (Lào); tỉnh Trat (Thái Lan); tỉnh Hyogo (Nhật Bản); TP.Sacramento (Hoa Kỳ); TP.Leipzig (Đức) với 17 bản ghi nhớ, hiệp đồng hợp tác, thỏa thuận hợp tác đã được ký kết với các địa phương này.
Ngôn ngữ là công cụ quan trọng để mở rộng quan hệ hợp tác với các nước. Do đó, đóng góp không nhỏ trong kết nối giữa tỉnh nhà và các địa phương nước bạn chính là đội ngũ BPD của Sở Ngoại vụ. Đây có thể xem là những “cầu nối”, “mắt xích” quan trọng để truyền tải thông tin chính xác, đủ ý nghĩa. Họ thầm lặng cống hiến, gắn kết tỉnh nhà với các đối tác, quốc gia.
Tại Sở Ngoại vụ, lực lượng BPD hiện có 4 nhân sự, gồm 3 thông dịch viên tiếng Anh và 1 người tiếng Campuchia (Khmer). Ngoài ra, một số nhân sự khác cũng có thể được điều động nếu cần. Đối ngoại là lĩnh vực quan trọng, do đó, những thông dịch viên tại đây đều có kinh nghiệm, không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn vững vàng nghiệp vụ trong lĩnh vực đối ngoại tại địa phương.
Anh Nguyễn Thái Hòa - Chuyên viên Phòng Hợp tác quốc tế - Lãnh sự, chia sẻ: “Tôi làm nhiệm vụ liên quan đến công tác lãnh sự, hợp tác quốc tế, quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, giải quyết sự vụ, sự việc trên lãnh thổ liên quan yếu tố nước ngoài,… Gắn bó hơn 15 năm, công việc này cho tôi những cơ hội, trải nghiệm đáng giá, mỗi lần phiên dịch thành công ở lĩnh vực mới, tôi cảm thấy tinh thần phấn chấn như được chinh phục một thử thách mới, có thêm động lực để gắn bó với công việc”.
Với anh Kim Res Mây, người phiên dịch phải khéo léo trong lựa chọn từ ngữ và bảo đảm chuyển tải được hết ý nghĩa của cuộc trò chuyện đến người nghe. (Ảnh tư liệu)
Đặc biệt, trong những quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta thì Campuchia là một trong những nước láng giềng thân thiết, gần gũi nhất. Do đó, người làm BPD trong đối ngoại với quốc gia này lại càng tất bật.
Anh Kim Res Mây - Chuyên viên Phòng Quản lý biên giới, có nhiệm vụ chính là kết nối với các cơ quan của Campuchia liên quan đối ngoại, hợp tác. Việt Nam và Campuchia nói chung, Long An và tỉnh Svay Rieng, Prey Veng nói riêng đã thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống đặc biệt. Thời điểm trước dịch bệnh, anh Mây liên tục hỗ trợ BPD các sự kiện ngoại giao, chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác giữa lực lượng vũ trang....; khi dịch Covid-19 xảy ra thì BPD về phòng, chống dịch, trao tặng vật tư y tế cho các tỉnh bạn,...
Được biết, các thông dịch viên của Sở Ngoại vụ đều là thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm đối với người của tỉnh, tham gia BPD hoặc thực hiện công tác lãnh sự với các vấn đề có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Không ngừng học tập, rèn luyện và nỗ lực
Nghề nào cũng vậy, việc rèn luyện, học tập là nhiệm vụ suốt đời, đặc biệt với BPD. Cũng như các đồng nghiệp, trước mỗi buổi phiên dịch, Phó Chánh Văn phòng Sở Ngoại vụ - Nguyễn Thanh Tiến đều chuẩn bị chu đáo, tìm hiểu kỹ các nội dung trong cuộc gặp gỡ để có vốn từ, kiến thức cần thiết, đặc biệt với những cuộc trò chuyện có nhiều từ ngữ chuyên ngành để tránh trường hợp bị động, ảnh hưởng đến việc chuyển ngữ. Người phiên dịch phải là “cầu nối”, chuyển tải được trọn vẹn ý nghĩa thông điệp của người nói (lãnh đạo). Hơn nữa, người dịch phải có kỹ năng trí nhớ tốt, phản xạ nhanh và rèn luyện, trau dồi thường xuyên. Anh Tiến cũng nhận giảng dạy thêm tiếng Anh nên có cơ hội ôn luyện kiến thức, thực hành thường xuyên, bổ trợ cho công việc chuyên môn. Sau mỗi lần tham gia phiên dịch giúp anh ghi nhớ, rút ra kinh nghiệm cần thiết để những lần dịch tiếp theo hoàn thiện, chu đáo hơn.
Theo anh Thái Hòa, phương pháp là thường xuyên nghiên cứu đọc báo, viết báo mạng tiếng Anh, xem tin tức tiếng Anh, thấy từ nào hay là ghi chép lại ngay, tìm hiểu và ứng dụng trong công việc. Người BPD cũng cần khiêm tốn, bản thân phải học tập thường xuyên. Đặc biệt, phải tìm hiểu kỹ về chính trị, kinh tế, văn hóa của nước bạn; trau dồi từ vựng, nhất là cẩn trọng trong dịch số liệu, chức danh, hạn chế thấp nhất sai sót có thể xảy ra.
Với anh Mây, dù sinh ra và lớn lên tại Sóc Trăng, Khmer là tiếng mẹ đẻ nhưng để dịch thuật trong ngoại giao, bản thân anh phải dùng từ ngữ trang trọng, chính xác. Anh vẫn nhớ những ngày đầu khi tham dự những sự kiện ngoại giao quan trọng, anh vô cùng hồi hộp. Trải qua thời gian, anh dần bản lĩnh, diễn đạt thoải mái hơn trong các cuộc gặp gỡ. “Lãnh đạo Campuchia biết tiếng Việt rất nhiều nên mình càng phải chuẩn bị chu đáo, phải ghi nhớ thật nhanh và cẩn thận trong sử dụng từ ngữ, câu cú, đặc biệt là lĩnh vực tôn giáo, hạn chế thấp nhất hiểu lầm do sai sót trong cách dùng từ. Người dịch phải khéo léo trong lựa chọn từ ngữ và bảo đảm chuyển tải được hết ý nghĩa của cuộc trò chuyện đến người nghe”.
Anh Nguyễn Thanh Tiến (bìa phải) phiên dịch tại sự kiện tỉnh Long An tiếp nhận ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 từ Công ty TNHH MTV AJ TOTAL Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
Giám đốc Sở Ngoại vụ - Đỗ Thành Sơn nhận định, thời gian qua, đội ngũ BPD đáp ứng hiệu quả các yêu cầu trong công tác đối ngoại của tỉnh và hợp tác quốc tế. Hiện lực lượng BPD còn thiếu một số ngôn ngữ: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Đây cũng là những quốc gia có sự liên kết, gắn bó chặt chẽ với Long An trong phát triển KT-XH. Thời gian tới, Sở tiếp tục cử BPD tham gia các khóa bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác ngoại giao, phục vụ sự nghiệp hội nhập sâu, rộng của đất nước trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, đề nghị lãnh đạo tỉnh cho tuyển thêm biên chế về ngoại ngữ như tiếng Hàn, Nhật, Thái để mở rộng hợp tác quốc tế.
Phía sau những sự kiện ngoại giao, những quyết sách quan trọng trong công tác đối ngoại của tỉnh luôn có sự cống hiến thầm lặng của đội ngũ BPD. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thật ra phải có sự đầu tư, rèn luyện trong một thời gian dài với rất nhiều quyết tâm và năng khiếu để vững vàng trên con đường chinh phục ngoại ngữ. Vượt qua nhiều khó khăn, mỗi ngày, họ đều cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tỉnh trong tiến trình hội nhập quốc tế./.
Phạm Ngân