"Toán con không được điểm 9..."
Hôm nay, con gái tôi gọi nhỏ: 'Ba, con nói nghe nè!'. Nhìn nụ cười hồn nhiên của con, nhưng trong đôi mắt thơ ngây ấy, tôi thoáng thấy điều gì đó khiến con bận lòng. Tôi liền kéo con lại gần, nhẹ nhàng hỏi: "Nói gì, con cứ nói đi, ba nghe đây".
"Đừng nói mẹ nha ba!".
Con gái ngập ngừng, ánh mắt lấp lửng: "Không biết có nên chia sẻ với ba không ta?". Bé vừa cười vừa rơi nước mắt. Những giọt nước mắt lặng lẽ lăn xuống khi con bắt đầu tâm sự: "Toán con không đạt điểm 9, dưới điểm 9 luôn ba ơi. Đừng nói với mẹ nha...". Nói xong, con nức nở.
Tôi nhớ mãi lời tôi từng nói với con: "Ba không cần điểm 10, con được 9 điểm cũng được. Ba thích điểm 9 hơn". Vậy mà khi nghe con nói như vậy, lòng tôi bỗng dưng chùng xuống những cơn giận vô cớ, như thể muốn nuốt trọn cả thế giới. Nhưng suy cho cùng, một chút nữa có lẽ con sẽ bị mẹ la. Giờ ba lại la nữa thì tội cho con quá.
Tôi nhớ lại một lần hai cha con ngồi trò chuyện. Tôi đã hỏi con một câu nói của triết gia nổi tiếng người Mỹ, Benjamin Franklin: "Có những người chết ở tuổi 25 và chỉ đến 75 tuổi mới được chôn".
Con gái tôi đã giải thích được 70% ý nghĩa của nó. Lúc đó, tôi chợt nhận ra rằng điểm 10 chưa phải là tất cả. Điểm số không quyết định được thành công, mà quan trọng hơn là con đã biết giao tiếp, ứng xử với cuộc sống một cách trưởng thành.
Sẽ bớt đặt nặng điểm số
Gần đây tôi lại nhận ra một điều khác. Khi trò chuyện với con, tôi cảm thấy con cũng như những trẻ khác ngày càng trở nên ít tương tác với gia đình và xã hội. Qua những gì tôi quan sát được, tôi nhận thấy có hai nguyên nhân chính gây ra điều này.
Một là có thể do cha mẹ thường hay la mắng khi con làm sai, hoặc nuông chiều, chăm lo quá mức. Việc này khiến trẻ không có cơ hội để tự lập, thiếu kỹ năng giao tiếp và làm chủ cảm xúc. Nhiều đứa trẻ trở nên rụt rè, ngại ngùng trong các mối quan hệ, chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ từ người lớn mà không biết cách xử lý tình huống một mình.
Hai là sự ảnh hưởng của mạng xã hội. Việc cho con quản lý một thiết bị thông minh và tham gia vào mạng xã hội đã mang đến một lượng thông tin khổng lồ, đúng có, sai có. Nhưng tư duy, hành động của một đứa trẻ không đủ khả năng để phân biệt điều đúng và sai. Những cám dỗ, những trò chơi, nội dung không lành mạnh trên mạng xã hội làm trẻ không kiềm chế được hành vi của mình.
Dần dần, con sống theo những gì mình tiếp xúc trên mạng xã hội. Con tôi, cũng như nhiều trẻ khác, đang ít dần tương tác thật sự với người thân, bạn bè và xã hội; bị cuốn vào thế giới ảo, mải mê với các cuộc trò chuyện trên mạng mà không biết đến việc chia sẻ cảm xúc, quan tâm nhau một cách thật lòng.
Tôi sẽ bớt đặt nặng vấn đề điểm số và cần kiểm soát, hỗ trợ con sử dụng thiết bị thông minh một cách hiệu quả hơn. Nếu được giáo dục đúng đắn, con sẽ biết cân bằng giữa công nghệ và cuộc sống thật, để lớn lên với tâm hồn biết yêu thương, chia sẻ, và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình và xã hội./.
Lời khuyên của cô giáo
Hồi đó, khi con học lớp 3, có lần tôi nhận được điện thoại từ trường thông báo con bị điểm kém môn tiếng Việt. Lúc đó tôi cũng có cảm giác thất vọng. Nhưng khi vào trường gặp cô giáo, cô nói với tôi rằng con rất tích cực tham gia các hoạt động nhóm, luôn hỗ trợ bạn bè và có khả năng sáng tạo trong những bài làm. Cô giáo khuyên tôi đừng quá chú trọng vào điểm số mà hãy khuyến khích con phát triển toàn diện.
|
Dạy con “nên người” trước khi “hơn người”
Đó là chia sẻ của tác giả Bùi Gia Hiếu tại buổi ra mắt cuốn sách Dạy con trong hạnh phúc sáng 18-1.
Ông Hiếu cho biết: “Một số phụ huynh có quan niệm rất sai lầm khi tạo áp lực cho con, yêu cầu con luôn luôn phải giỏi, phải hơn người. Có em đã làm bài kiểm tra đạt được 9 điểm nhưng bố mẹ em vẫn hỏi con: Thế học sinh cao điểm nhất lớp là mấy điểm? Họ thường xuyên so sánh, dạy con sự hơn thua, đố kỵ.
Vì thế quan điểm của tôi là cha mẹ cần dạy con nên người trước khi dạy con hơn người. Các bậc phụ huynh cần hướng đến việc dạy con nên người trước với nhân cách, giá trị đạo đức và cảm xúc lành mạnh”.
Ông Hiếu thông tin thêm: “Cuối mỗi năm học, trường chúng tôi đều tổ chức khảo sát ý kiến của phụ huynh (ông Hiếu là thạc sĩ toán học, hơn 10 năm là hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, hiện là chủ tịch hội đồng Trường tiểu học - THCS - THPT Tre Việt - PV). Qua từng năm, tôi thấy tỉ lệ phụ huynh mong muốn con em mình không phải học nặng nề về kiến thức, mà được rèn luyện kỹ năng mềm ngày càng tăng lên.
Tuy vậy, việc phụ huynh mong muốn con em học giỏi, đậu vào trường chuyên không phải là xấu. Cái quan trọng là phải tùy thuộc vào năng lực từng đứa trẻ. Nhưng dù có là học sinh giỏi về kiến thức hay học sinh thành thạo các kỹ năng mềm thì các bậc cha mẹ vẫn cần dạy con sống có đạo đức và nghị lực. Bởi một đứa trẻ không có đạo đức và không có nghị lực thì rất khó tạo lập được cuộc sống hạnh phúc sau này”.
Được biết, cuốn sách Dạy con trong hạnh phúc của tác giả Bùi Gia Hiếu giới thiệu 15 phương pháp dạy con chi tiết, đi kèm với công cụ thực hành, ví dụ minh họa và hướng dẫn cụ thể, giúp các bậc cha mẹ có thể áp dụng ngay vào cuộc sống.
|
Theo Báo Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/con-duoc-diem-9-hay-10-day-con-nen-nguoi-truoc-khi-hon-nguoi-20250118221707344.htm