Mái ấm Tâm Đức (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) chính thức đóng cửa không tiếp khách từ ngày dịch Covid-19 xảy ra. Những người làm việc tại mái ấm này không muốn bất cứ chuyện gì xảy ra với những “thiên thần nhỏ” mà họ đang chăm sóc, nuôi dưỡng và yêu thương như con ruột của mình.
Mái ấm Tâm Đức hiện nuôi dưỡng 65 trẻ, trong đó có 7 trẻ tự kỷ, có độ tuổi từ 0-10
Mái ấm là nhà
Sư cô Tâm Huệ (Trụ trì chùa Linh Sơn, TP.HCM) - người thành lập và quản lý mái ấm Tâm Đức, ngồi trò chuyện với chúng tôi trên bộ bàn đá gần sân chơi. Toàn bộ khuôn viên mái ấm là không gian mở, sạch sẽ, gọn gàng. Đứng ở bất kỳ vị trí nào, mọi người cũng đều có thể nhìn thấy nhau. Các em có thể thấy các vú (bảo mẫu) ở đâu, Thầy (sư cô Tâm Huệ theo cách gọi của các bé) cũng có thể nhìn rõ từng “đứa con” của mình. Mọi người luôn quây quần, gần gũi bên nhau như một gia đình. Mọi tư trang của các bé đều giống nhau. Tất cả tạo nên cảm giác đây thực sự là một mái ấm gia đình.
Trong hơn 30 phút ngồi cùng sư cô, câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi những đứa trẻ hồn nhiên đến sà vào lòng thầy, xin một cái xoa đầu, vuốt má trước khi rời đi. “Thầy là người em thương nhất!” - bất cứ bé nào được hỏi đều hồn nhiên trả lời như vậy. Không thương sao được khi Thầy luôn là người yêu thương, chiều chuộng các em. Bao lần nghịch phá, không nghe lời bị các vú quở trách, phạt vạ, các em đều được Thầy đứng ra xin cho miễn phạt. Đến lớp, thấy bạn được ăn gà rán, uống sirô ở cổng trường, về nói với Thầy là hôm sau các em được đãi một bữa gà rán, nước ngọt mua từ siêu thị về. Bởi, Thầy muốn các em được chăm lo tốt nhất trong khả năng có thể. Đó là tâm nguyện lớn nhất của sư cô từ khi thành lập mái ấm Tâm Đức. Sư cô cho rằng, mỗi em đến với mái ấm đều mang một hoàn cảnh đáng thương, bất hạnh nên về với sư cô, với mái ấm, các em phải được bù đắp, chở che.
Mỗi ngày, các em ở mái ấm Tâm Đức được nhắc nhở về cách sống, cư xử văn minh, lịch sự, cách tự lập, tự chăm sóc mình
Sư cô luôn xem các em như con của mình, yêu thương và chăm lo như một người mẹ, nghiêm khắc răn dạy như một người cha. Bằng hành động và tình thương của mình, sư cô hướng các em từ bỏ suy nghĩ mình là trẻ mồ côi, đang sống trong mái ấm, thay vào đó là sự yêu thương, gắn bó của anh chị em trong gia đình. Các em có Thầy, các vú chăm sóc và cả người phụ trách công việc hành chính của mái ấm quan tâm, dạy dỗ. Đây thật sự là một gia đình như bao nhiêu gia đình khác.
Nơi tình yêu ở lại
Chính tình cảm gia đình gắn bó đã níu giữ nhiều trái tim ở lại. Bảo mẫu Huỳnh Thị Nguyệt đến với mái ấm từ những ngày đầu thành lập, tình thương dành cho các bé, tấm lòng nể trọng sư cô đã giữ cô Nguyệt ở lại từng ấy năm. Buồn, vui cùng mái nhà chung Tâm Đức, cô Nguyệt không thiếu trải nghiệm “thót tim” khi các em bệnh bất ngờ. Sư cô Tâm Huệ giải thích, có thể các bé không được chăm sóc tốt từ giai đoạn mang thai nên đa số sức khỏe chỉ ở mức trung bình, bé nào cũng từng nằm viện. Mỗi lần các con đau ốm, sư cô và các vú lại nóng lòng lo lắng.
Sư cô đã xem các em là con ruột của mình nên không có nỗi đau nào bằng nỗi đau bất lực nhìn con trên giường bệnh. Sư cô kể, nhớ mãi ngày bế bé sơ sinh trên tay đến bệnh viện. Bé đến với Tâm Đức trong chiếc giỏ nhỏ, quần áo phủ lên trên nên mọi người cứ nghĩ là giỏ đồ của mạnh thường quân tặng. Nhìn thấy bé, cả nhà tức tốc đưa ngay vào bệnh viện, bé viêm phổi nặng và dự báo xấu. Sư cô khóc hết nước mắt khi nghe thông tin từ bác sĩ, chỉ mong điều kỳ diệu xảy ra. Và điều kỳ diệu thật sự đến! Bé được cứu sống, giờ em 6 tuổi, là đứa trẻ lanh lợi.
Tại mái ấm Tâm Đức (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa), các bé luôn được quan tâm, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ
Ở mái ấm Tâm Đức, chúng tôi cảm nhận sự bình yên, niềm vui và hạnh phúc của các em. Trong mái nhà chung ấm áp ấy, các em được lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Ngoài bữa chính, các em còn được uống sữa, nước trái cây và đưa đón đến trường mỗi ngày. Ngoài giờ học, các em còn được học phụ đạo, nâng cao và tiếng Anh ngay tại mái ấm.
Hàng tuần, sư cô dành 1 ngày cuối tuần nói chuyện với các em về đạo đức. Mỗi ngày, các em được nhắc nhở về cách sống, cư xử văn minh, lịch sự, tự lập, tự chăm sóc mình! Bởi, điều mong mỏi lớn nhất của sư cô là các em lớn lên thành người có ích cho xã hội. Dù có đi đâu, làm bất cứ việc gì các em vẫn sẽ luôn có thầy, các vú và mái ấm vững chắc ở sau lưng! Đó sẽ mãi là mái ấm, nơi trở về cho các em.
Chốn nương tựa
Nếu các bé ở mái ấm Tâm Đức luôn có một nơi để trở về thì Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là nơi nương tựa suốt đời với những “thiên thần” bất hạnh khi cuộc sống ngoài kia quá gian nan. Ngoài sự đơn độc và bị từ chối, các em còn phải mang thêm những khiếm khuyết không thay đổi được trên cơ thể. 8 tuổi, bé Trâm vẫn không thể nói, không tự chăm sóc bản thân được. Suốt ngày, em ngồi hoặc nằm một góc trên giường, “ư, a” trong họng, chìm vào thế giới của riêng mình. Trâm đến trung tâm khi em 6 tuổi, chưa biết ăn cơm, uống sữa hoàn toàn. Chị Nguyễn Thị Hồng Yến - Tổ trưởng Tổ Chăm sóc người già neo đơn và trẻ em tại trung tâm, không biết rõ hoàn cảnh của Trâm. Chị không muốn tò mò thêm về nỗi bất hạnh của em. Điều chị quan tâm là đứa trẻ chỉ toàn uống sữa. Các anh chị phải nấu nước cháo dỗ bé uống từng chút một, rồi cháo loãng và bây giờ là cơm, mặc dù vẫn chưa được nhiều. Sau bữa trưa, thấy Trâm vẫn buồn, chị Yến cho em hộp sữa, Trâm ra khỏi mền, ngồi dậy và ngừng khóc, em thu mình trong một góc giường với hộp sữa và con gấu bông của mình...
Giàu được xem là niềm vui của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh
Chị Yến quay sang thăm mẹ con bé Giàu, chuẩn bị dọn phòng cho 2 mẹ con. Chị hướng dẫn mẹ của bé Giàu thay tã cho con rồi bảo chị ấy đưa bé ra sân chơi. Giàu 2 tuổi, chậm nói nhưng lanh lợi, em biết nghe lời và là niềm vui của trung tâm. Hầu như ai ở trung tâm cũng đều biết em. Các chị làm công tác hành chính cũng nhớ rõ ngày sinh của Giàu. Thỉnh thoảng, các chị đến cho em chút bánh, kẹo và ra sân chơi với em.
Những lúc mẹ em không kiểm soát được mình, Giàu chỉ biết nép vào các cô, chờ mẹ bình tĩnh lại. Chị Yến kể, ngày 2 mẹ con vào trung tâm, Giàu khoảng 6 tháng tuổi, mẹ em không cho ai tiếp xúc con mình, nhìn thấy bất cứ ai chạm vào con, mẹ Giàu sẽ đánh em. Sau thời gian gần gũi, thuyết phục, mẹ con Giàu thân thiện với mọi người hơn. Giàu được mọi người yêu quý, cưng nựng.
“Bé Giàu vẫn còn bú nên 2 mẹ con ở chung với nhau. Chúng tôi phải thay phiên trông chừng mẹ Giàu, nếu không, bé sẽ bị mẹ đánh. Nhiều đêm đang ngủ, chị ấy bỏ đi lang thang, chúng tôi phải thuyết phục chị về với cháu. Khi bé lớn một chút, chúng tôi sẽ dần dần tách Giàu ra, cho mẹ cháu được chăm sóc tâm thần đặc biệt mới có hy vọng khỏe lại và Giàu cũng có cơ hội đến trường khi đủ tuổi” - chị Yến chia sẻ. Mọi người ở trung tâm cố gắng để cho Giàu một chút hy vọng về tương lai tươi sáng hơn. Còn với Trâm, trung tâm sẽ là nơi cho em nương tựa, bởi bên ngoài cánh cổng kia, em không còn gia đình, không còn ai chăm sóc. Ở lại nơi này, Trâm được các cô chăm nom, trò chuyện. Dẫu thế giới của em hoàn toàn tách biệt nhưng vẫn có những phút giây Trâm lắng nghe, hiểu và cảm nhận được những gì các cô, chú tại đây đang làm cho mình.
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - Huỳnh Ngọc Dũng cho biết, hiện trung tâm có 5 bé, trong đó 3 bé được chăm sóc tại đơn vị, 2 bé gửi chăm sóc đặc biệt tại TP.HCM sắp đến thời hạn đón về. Các bé đều là trẻ em khiếm khuyết, khả năng sẽ nương tựa tại trung tâm suốt đời.
Ai cũng biết, mỗi đứa trẻ sinh ra đều có quyền được chăm sóc, yêu thương, được học hành,... nhưng cũng có những em sinh ra đã phải vương mang điều bất hạnh. Nhờ có những vòng tay nhân ái, những trái tim rộng mở, niềm đau trong cuộc sống các em phần nào được xoa dịu!
Toàn tỉnh Long An hiện có 6 cơ sở trợ giúp xã hội đang nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, trong đó có 1 cơ sở công lập và 5 cơ sở ngoài công lập tại các huyện: Cần Giuộc, Đức Hòa, Thủ Thừa và TP.Tân An. |
Phương Phương