Tiếng Việt | English

29/01/2017 - 09:14

Cơ hội thị trường đang mở ra cho doanh nghiệp Việt

Cơ hội thị trường ngày càng rộng mở với doanh nghiệp Việt, việc còn lại là doanh nghiệp phải chủ động đổi mới, sáng tạo để gặt hái thành quả.

Việt Nam có số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục năm 2016, đạt trên 110.000 doanh nghiệp. Con số này được đánh giá là một chỉ báo quan trọng thể hiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang cải thiện. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, cơ hội thị trường đang ngày càng rộng mở hơn với doanh nghiệp Việt, tạo động lực cho kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Động lực mới cho doanh nghiệp

Bình luận về con số doanh nghiệp Việt thành lập mới tăng kỷ lục năm 2016, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, con số kỷ lục này trước hết là một phản hồi của doanh nghiệp với chính sách của Chính phủ mới. “Có thể nói doanh nghiệp Việt Nam khá ấn tượng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ khi ông bắt đầu lên cầm quyền. Một trong những việc đầu tiên ông làm chỉ 3 tuần sau khi nhậm chức là có cuộc tiếp xúc lớn với doanh nghiệp và ngay sau đó đã ghi nhận hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp để biến thành những chương trình hành động của Chính phủ”.


Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển (ảnh minh họa: KT)

Dẫn ví dụ, bà Lan cho hay, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với cam kết 10 nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa Chính phủ với doanh nghiệp. Có thể gọi Nghị quyết 35/2016 này là cam kết tái cơ cấu quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp, trong đó Chính phủ khẳng định sẽ từ bỏ cơ chế xin – cho; thực hiện nguyên tắc bình đẳng quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp với tinh thần nhà nước phục vụ doanh nghiệp...

Từ cam kết đó, trên thực tế Chính phủ đang ráo riết thúc đẩy các bộ ngành, địa phương thực hiện các cam kết. Thực tế cho thấy bước đầu đã có những chuyển biến cụ thể, như: gỡ bỏ quy định vô lý, gây khó cho doanh nghiệp; dần tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tất nhiên, theo bà Lan, “để doanh nghiệp hài lòng hoàn toàn thì chưa có ngay được, bản thân Nghị quyết 35 cũng là để cho thực hiện 5 năm chứ không phải chỉ cho năm 2017. Tuy nhiên, những động thái đầu tiên của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ cũng đã tạo thêm động lực, hy vọng cho các doanh nghiệp và họ thể hiện sự hy vọng đó bằng cách tăng thêm đăng ký kinh doanh”.

Ngoài ra, doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 tăng mạnh cũng thể hiện sự hồ hởi của doanh nghiệp đón nhận trào lưu mới của quốc tế mà Việt Nam tham gia. Năm 2016 đánh dấu việc Hiệp định TPP được hình thành và nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam ký kết và hiệu lực. Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 220 thị trường tại tất cả châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới.

Điều này được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới với những dòng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, cơ hội thị trường mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam, kể cả xuất khẩu hàng hóa và đầu tư của doanh nghiệp Việt ra nước ngoài.

Nếu thua, “tiên trách kỷ…”

Trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều chính sách của Chính phủ cam kết ngày càng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn nhìn thấy tương lai của thị trường Việt Nam tốt đẹp hơn trong những năm tới.

Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn thường có “độ trễ”. Để những hy vọng, khí thế đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Việt sớm được hiện thực hóa và gặt hái thành công, thời gian tới, Chính phủ phải làm rất nhiều việc để cải thiện môi trường kinh doanh.

Bởi theo khảo sát môi trường kinh doanh năm 2017 của WB xếp Việt Nam đứng thứ 82 trên 190 nền kinh tế trên thế giới (năm trước, Việt Nam đứng thứ 91 trong khảo sát này), nhờ vào môt số cải cách tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam về: Nộp thuế, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, thương mại xuyên biên giới và tiếp cận điện. Tuy vậy, WB đánh giá: thứ hạng được cải thiện ở mức khiêm tốn khiến cho Việt Nam vẫn đứng sau nhiều quốc gia trong khu vực như: Singapore, Malaysia, và Thái Lan.

Nhiều nhà kinh tế học cũng chứng minh, không quốc gia nào phát triển bền vững mà không có nội lực khỏe và chủ động phát triển. Trong khi kinh tế toàn cầu ảm đạm, Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu hút đầu tư… Chứng tỏ nội lực của nền kinh tế Việt Nam còn có rất nhiều chỗ để phát triển.

Hơn nữa thị trường nội địa Việt Nam với khoảng 93 triệu dân. Theo nghiên cứu của Deloitte, 70% dân số Việt Nam nằm trong độ tuổi 15 đến 64, và đây chính là nhân tố chính tạo nên một thị trường bán lẻ hấp dẫn. Với mức thu nhập khả dụng ngày càng tăng, cùng với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, Việt Nam được đánh giá là thị trường có tiềm năng phát triển lớn mạnh trong cả một thập kỷ tới.

Do đó, thị trường nội địa Việt Nam đang và sẽ là một miếng bánh to. Việc của doanh nghiệp Việt là nắm lấy cơ hội thị trường, chủ động “đá trên sân nhà” giành chiến thắng.

Ngân hàng Thế giới đánh giá triển vọng tăng trưởng của Việt Nam tích cực trong trung hạn. Các biện pháp cải cách quản lý thuế đang được thực hiện với mục tiêu bảo tồn cơ sở tính thuế và cải thiện môi trường đầu tư. Việt Nam đã tiến hành một loạt những cải cách dựa trên chỉ số nhằm giảm chi phí tuân thủ thuế thông qua ba Nghị quyết 19 của Chính phủ, qua đó giúp nâng Việt Nam lên 11 bậc trong chỉ số về nộp thuế trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2017.

Thực tế này khiến môi trường kinh doanh Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, đồng thời gia tăng áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Nhưng đó cũng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt chủ động làm mới mình, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội lớn do nhà nước khuyến khích khởi nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Song, cơ hội này là bình đẳng cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Nói như ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, hội nhập mang lại sự cạnh tranh là tất yếu. Điểm hạn chế của Việt Nam hiện rõ là nhìn thấy thách thức, biết trước thách thức từ hội nhập nhưng chưa làm tốt để giảm rủi ro, biến thách thức thành cơ hội. Cho nên, nếu ta thua trên sân nhà thì lỗi chính là do ta, không phải do hội nhập./.

Xuân Thân/VOV.VN

Chia sẻ bài viết