Tiếng Việt | English

02/01/2023 - 08:53

Cơ hội “tái cấu trúc” lực lượng lao động

Tình trạng doanh nghiệp giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc làm, giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập là thực tế đang diễn ra. Theo nhận định của các chuyên gia, những khó khăn này có thể kéo dài sang cả năm sau, ít nhất cho đến hết quý I/2023.

Công nhân Tổng công ty May 10 làm việc trong xưởng may. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)

Cùng với đó, nhiều lao động có thể rời bỏ thị trường, việc tái cấu trúc thị trường lao động sẽ là thách thức lớn khi khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động hiện nay còn yếu, thông tin thị trường lao động hạn chế, trình độ kỹ năng của người lao động chưa đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm. Những yếu tố này có thể tiếp tục dẫn đến tình trạng mất cân đối lao động cục bộ, thậm chí không chỉ xảy ra giữa các ngành nghề, địa phương nữa mà giữa các trình độ đào tạo.

Phó Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Tào Bằng Huy cho biết: Sau hơn hai năm đại dịch Covid-19 xảy ra, tình hình thị trường lao động vô cùng bất ổn và bị tác động rất nặng nề, thời điểm căng thẳng nhất có đến 30 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 này (tương đương 58% lực lượng lao động), bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...

Tuy nhiên, bằng rất nhiều giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, thị trường lao động thời gian qua đã phục hồi khá tốt. Những tháng cuối năm tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đơn hàng các doanh nghiệp bị sụt giảm. Dự báo tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới, cũng như đầu năm 2023 có thể tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lao động bị cắt giảm giờ làm, mất việc có thể kéo sang hết quý I/2023.

Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ Nghị quyết về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, trong đó, sẽ có rất nhiều giải pháp đồng bộ về kinh tế-xã hội nhất là các giải pháp về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị thị trường lao động, kết nối và cân đối cung cầu lao động…

Với tình hình khó khăn thị trường lao động hiện nay, Cục Việc làm sẽ rà soát thường xuyên để nắm chắc tình hình biến động lao động, nhất là việc cắt giảm lao động tại các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm giờ làm để có biện pháp kịp thời bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, cũng cần theo dõi nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn để thực hiện tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm, kết nối cung cầu cho những người mất việc chuyển đổi công việc. Trong quá trình đó, sẽ phải đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo trình độ kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.

Theo Phó Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Nhạc Phan Linh, trong bối cảnh như vậy, tổ chức công đoàn sẽ tập trung nắm chắc vấn đề này cùng với ngành lao động các tỉnh, thành phố giám sát doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ đối với người lao động. Trước hết là chia sẻ với doanh nghiệp, nhắc nhở, khuyến cáo doanh nghiệp cần bảo đảm quyền lợi cơ bản cho người lao động. Đồng thời, các tổ chức công đoàn cũng sẽ tăng cường tư vấn pháp luật cho người lao động; hỗ trợ cung cấp thông tin các chính sách, kết nối việc làm. Đặc biệt, cần đẩy mạnh đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động để có thể chuyển đổi công việc phù hợp…

Nguyên Khang/Nhân dân

Chia sẻ bài viết