Bi hài chuyện chọn người hợp tuổi xông đất đầu năm
Phong tục xông đất, xông nhà đầu năm của người Việt Nam đã có từ lâu. Người đầu tiên bước vào nhà kể từ lúc giao thừa trở đi được coi là người xông đất. Quan niệm người xông đất mang luồng sinh khí vào nhà ít nhiều ảnh hưởng đến gia vận của chủ nhà trong suốt cả năm.
Từ những tháng cuối của năm trước, dù bận rộn đến mấy, chủ nhà cũng ưu tiên tìm người xông đất, xông nhà. Gia đình thì tìm nhờ người thân, hàng xóm. Còn công ty, doanh nghiệp thì lọc chấm nhân viên "hợp tuổi", tên đẹp, mang ý nghĩa sung túc, thịnh vượng được chọn xông đất đầu năm.
Xông đất đầu năm kể từ lúc đón giao thừa cho đến sáng sớm mùng 1 tết
Tác giả bài viết này từng nhiều lần...tránh né khi bị mẹ "chấm" phải xông đất, xông nhà mỗi khi tết đến. Thật lòng, không biết được chọn xông đất, xông nhà có mang lại vận may hay không, nhưng suốt mấy ngày trước tết, ngay cả ngày 30 tết, vừa dọn dẹp, trang trí, vừa nấu nướng cúng kiếng đến chiều...thì chỉ muốn ngủ một giấc cho lại sức. Nhưng cứ y như rằng, còn khoảng 20-15 phút nữa là đến giao thừa, thế nào cũng bị mẹ "đuổi" đi đâu đó ra đường, đợi mẹ cúng xong là đi xộc vào nhà từ trước ra sau thì mới được ngủ tiếp.
Sau khi cúng giao thừa, người được chọn xông đất, xông nhà phải là người bước vào nhà đầu tiên
Sự may rủi trong năm bỗng dưng trở thành trách nhiệm đè nặng lên vai người xông đất. Cũng có thể tập tục này có mặt tích cực khi những người "hợp tuổi", tên đẹp bước qua ngưỡng cửa đầu năm mới sẽ tạo tâm lý mang lại những điều an lành cho gia chủ. Ngoài yếu tố tìm tuổi hợp, chủ nhà còn để ý đến nhân cách của người xông, hoặc nếu đang có tang, có chuyện quan tụng hay đang gặp xui xẻo, thường được kiêng, tránh xông đất; còn người vui vẻ, lanh lợi, có cuộc sống hạnh phúc thì sẽ được ưu tiên.
Tục xông đất đầu năm vẫn có ở công sở, doanh nghiệp
Cũng vì quan niệm người mở cửa công sở đầu năm quyết định thành bại cả năm nên khiến nhân viên nơm nớp khi lỡ được sếp "ưu ái" chọn xông đất. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, một giáo viên Tiểu học, ngụ ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tâm sự: Tôi chỉ nghĩ xông đất đơn thuần là một mỹ tục có ý nghĩa tượng trưng, nhưng cũng có nhiều người quan trọng hóa vấn đề, tạo ra nhiều tình huống oái oăm, bi hài cho cả người xông lẫn chủ nhà. Không biết có phải do tôi tên Mai hay không, nhưng hầu như thường được ưu ái xếp trực vào mùng 1 tết.
Một chị là cán bộ Công đoàn chia sẻ thêm: "Cứ cuối năm, cán bộ phụ trách nhân sự phải lọc ra vài người trình sếp. Người được chọn không chỉ hợp tuổi với sếp, còn phải thông minh, gia đình êm ấm. Ai vinh dự được sếp chọn đều lo ngay ngáy cả năm. Nếu năm đó công ty làm ăn suôn sẻ, phát đạt thì được sếp và đồng nghiệp khen ngợi, còn nếu không nay gặp chuyện gì thì...". Đến đây, chị lại bỏ lửng câu chuyện.
Tùy vào đặc điểm công việc, vị thế xã hội mà chủ nhà chọn đối tượng xông đất phù hợp. Với chủ nhà là người lao động tay chân, người xông chỉ cần khỏe mạnh, tốt tính, gia cảnh khấm khá là được. Còn nhà buôn bán, doanh nhân hay người có học thức thích chọn người có địa vị ngang tầm hoặc trên mình, mong ước làm ăn phát tài, công danh ngời sáng. Người xông đất thường đến nhà gia chủ chừng 5-10 phút, trao lời chúc đầu xuân ngắn gọn, ý nghĩa.
Chưa biết người xông đất đầu năm có thật sự làm thay đổi vận thế của gia chủ, cơ quan, doanh nghiệp hay không, nhưng việc quá cầu kỳ trong chuyện chọn người, canh giờ không những khiến người xông e ngại mà làm phiền cả người xung quanh. Thậm chí có người cứng nhắc đến mức, mọi chuyện làm ăn không tốt đều đổ lỗi do người xông "nặng vía". Tình anh em, tình làng nghĩa xóm, tình đồng nghiệp, nhân viên với lãnh đạo cũng vì thế bị xa cách bởi một tục lệ không cần thiết trong ngày đầu năm./.
Song Hồng