Tiếng Việt | English

09/04/2019 - 14:20

Chuyện về những người “Vác tù và hàng tổng”

Như con ong chăm chỉ, họ âm thầm xây cầu, làm đường, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,... góp chút niềm vui, mang lại tình yêu thương trong cuộc sống.

Ni sư Thích Nữ Như Hương (bìa phải) nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh vì có nhiều đóng góp cho công tác xã hội

1. Một buổi sáng yên ả! Không gian tĩnh lặng, bên mái chùa Phổ Hương, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, sư Trụ trì Thích Nữ Như Hương bận rộn với những việc thiện. Ni sư ấp ủ dự định “xin” quà cho các cháu thiếu nhi nhân dịp 1-6. Đây là việc làm thường xuyên của ni sư suốt mấy chục năm làm Trụ trì chùa Phổ Hương.

Nhắc đến chùa Phổ Hương, những người dân sinh sống trên địa bàn đều khen ngợi tấm lòng của ni sư đối với những người nghèo, bất hạnh. Theo thông tin từ huyện Thạnh Hóa, từ năm 2018 đến nay, ni sư vận động các nhà hảo tâm trên 2,6 tỉ đồng để làm công tác xã hội. Đặc biệt, nhân dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ni sư tặng trên 1.600 phần quà trị giá 367 triệu đồng cho các hộ nghèo trên địa bàn; hơn 2.000 phần quà trung thu, trị giá 160 triệu đồng; vận động mổ mắt cho người nghèo, trị giá 300 triệu đồng, tặng 8 căn nhà tình thương,... Nhưng có lẽ, nhắc đến ni sư Thích Nữ Như Hương, nếu không kể đến việc xây cầu là một thiếu sót.

Qua từng năm tháng, dấu chân của ni sư cùng các nhà tài trợ in hằn trên mảnh đất Thạnh Hóa. Họ cùng đi khảo sát, lên phương án, lập kế hoạch chi tiết, lên kinh phí để “xin” tài trợ. Những chiếc cầu nông thôn do ni sư vận động xây dựng góp phần mang lại niềm vui cho những người dân vùng Đồng Tháp Mười. Trong ký ức của mình, cây cầu tại xã Tân Tây là cầu đầu tiên ni sư xây dựng. Đó là chiếc cầu bêtông nhỏ, bắc qua một con kênh, nằm ở ngã tư đường.

“Khi đoàn chúng tôi cùng địa phương đi khảo sát, ai nấy đều thót tim khi nhìn thấy người dân phải đi trên chiếc cầu tre không bảo đảm an toàn. Lúc đó, lãnh đạo xã chia sẻ, đời sống người dân nơi đây còn khó khăn, dân cư tập trung thưa thớt, địa bàn sông nước, có nhiều cây cầu cần xây dựng,... trong khi kinh phí vận động khó khăn... Nghe những lời đó, chúng tôi quyết tâm phải hoàn thiện cây cầu để người dân có điều kiện đi lại. Ngày khánh thành cây cầu đầu tiên, cảm giác của tôi không thể nào diễn tả được” - ni sư nói.

Chia sẻ về việc làm của mình, ni sư cho rằng, người xuất gia cần sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Việc thiện chính là nhân duyên và là chuyện nên làm của người tu hành. Bản thân ni sư tự nhận mình là người may mắn khi gặp được những người phát tâm, cùng chung suy nghĩ hướng thiện.

2. Với những ai từng gặp và tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN) phường 3, TP.Tân An, đều dành lời khen ngợi cho người PN giàu lòng nhân ái này.

Chị đến với công tác hội từ năm 1999. Năm 2015, chị được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN VN phường. Từ đó đến nay, chị không ngại khó, giúp đỡ nhiều PN có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, chị phát động nhiều phong trào thi đua đạt hiệu quả: “PN sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, “Tiết kiệm tình thương”, “Hội viên giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn”, “Chung tay mua bảo hiểm y tế”, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, xây dựng mái ấm tình thương, tặng quà cho trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn,... mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh hỗ trợ tiền cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Với thông điệp “Ai thừa đến cho, ai cần đến nhận”, chị cùng tập thể hội phát động tủ quần áo từ thiện để giúp đỡ người nghèo, những người khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, trong phong trào thi đua năm 2018, chị vận động thành lập 2 công trình mang tên hội để chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập TP.Tân An. Đó là bêtông hẻm đường Huỳnh Hữu Thống và xây dựng “Tuyến đường hoa” đoạn đường Lê Văn Lâm.

Thù lao không đủ chi trả cho những công sức, việc làm của chị. Thời gian không cố định, làm những ngày trong tuần chưa đủ, chị tranh thủ làm thêm những ngày cuối tuần, kể cả buổi tối. Khi nào địa phương có những mảnh đời cần hỗ trợ, chị đều có mặt. Tiền túi bỏ ra cũng không ít nhưng chị vẫn vui vẻ.

“Tôi nghĩ, làm công việc này nếu mình không có cái tâm, không thể nào làm được. Tôi may mắn được ông xã động viên, hỗ trợ. Thỉnh thoảng, anh còn góp tiền và đồng hành cùng tôi trong những chuyến thiện nguyện. Đó là động lực để tôi yêu những công việc này. Tôi tự hứa với lòng, sau này dù có ra sao, ở vị trí nào đi nữa, tôi vẫn tận tâm với việc giúp đời, giúp người. Bởi từ lâu, vợ chồng tôi dành một khoản nho nhỏ cho công tác từ thiện” - chị bộc bạch.

Theo nhận xét của Đảng ủy phường 3, chị Hạnh là người tận tâm, trách nhiệm với công việc, không ngừng tìm tòi, đổi mới sinh hoạt ở các chi hội nhằm thu hút hội viên tham gia. Với những đóng góp của chị, phong trào công tác hội và phong trào PN của phường xếp loại vững mạnh xuất sắc, luôn trong tốp đầu của thành phố, năm 2018 nhận được bằng khen của Trung ương Hội LHPN VN. Riêng chị Hạnh cũng nhận nhiều giấy khen, bằng khen trong các phong trào thi đua yêu nước, là cá nhân có nhiều thành tích trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

3. Những ngày nắng gắt, người dân ấp Bằng Lăng, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh lại thấy bóng dáng bà Nguyễn Thị Hồng Thu tất bật đi lo những công việc của “người dưng". Đó là vận động tiền, quà để hỗ trợ người nghèo; nhắc nhở PN tưới nước chăm sóc tuyến đường hoa, dọn vệ sinh môi trường xung quanh,...

Ở ấp Bằng Lăng, nhất là khu vực chợ Tân Ninh vốn quen với những việc bà Thu hay làm. Những hộ dân và tiểu thương tại chợ quý mến bà ở tấm lòng nhân ái đối với mọi người. Bà còn đứng ra vận động các hộ tiểu thương mua bán có văn hóa, giao tiếp, ứng xử nhã nhặn trong hoạt động kinh doanh. Trăn trở với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, bà không ngần ngại “rủ rê” những PN là tiểu thương chợ Tân Ninh cùng góp vốn hỗ trợ PN khó khăn. Nhờ những đồng vốn này, có không ít người vươn lên trong cuộc sống.

Thông qua những mối quan hệ của mình, hàng năm, bà vận động mạnh thường quân tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, tặng sách giáo khoa cho học sinh con gia đình nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho gia đình khó khăn về nhà ở, tặng quà dịp Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu cho các trẻ trong ấp, hỗ trợ tiền, quà đột xuất cho những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo. Từ năm 2018 đến nay, tổng số tiền bà vận động gần 200 triệu đồng.

Tuyến đường hoa do bà Nguyễn Thị Hồng Thu vận động hộ dân thực hiện

Mặc dù không có bất kỳ khoản phụ cấp nào nhưng bà vẫn vui với công việc và sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh không may, nhất là gia đình có hoàn cảnh éo le, bất hạnh. Khi thấy bà bỏ công sức để làm việc thiện, người hiểu không nói gì, người không hiểu lại có những suy nghĩ không hay. Thế nhưng, bà không bận lòng.

“Ở vùng quê này vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nên mình giúp được chừng nào mừng chừng ấy. Mình làm bằng cái tâm trong sáng, mấy năm qua khi làm công việc này, tôi thật sự “giàu” lên rất nhiều - đó là giàu tình yêu thương” - bà cười nói.

Không nề hà những khó nhọc, vất vả, với họ, được giúp đời, giúp người là một niềm vui. Bởi họ suy nghĩ, hạnh phúc là sự cho đi mà không cần được đền đáp!

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết