Tiếng Việt | English

25/10/2015 - 09:37

Chuyên gia đặt dấu hỏi về chất lượng tăng trưởng kinh tế

Chuyên gia lo lắng kinh tế nước ta trong cảnh làm đến đâu tiêu đến đó, thậm chí đi vay để tiêu, lạm phát thấp nhưng dân chưa thực hưởng lợi.

Về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam quý IV và cả năm 2015, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa dự báo: Tăng trưởng GDP quý IV ước đạt 6,83%, cả năm khoảng 6,61%; tăng trưởng xuất khẩu quý IV và cả năm tương ứng ở mức 10,38% và 9,66%; thâm hụt thương mại ở mức 0,5 tỷ USD trong quý IV, và lũy kế 4,5 tỷ USD cho cả năm 2015. CPI sẽ tăng trở lại, song chỉ ở mức 0,28% trong quý IV, cả năm là 0,68%. Nhìn chung, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đề ra cho năm 2015 có thể hoàn thành.


CIEM có dự báo khả quan về tăng trưởng kinh tế VN năm 2015 (Ảnh minh họa:KT)

Nhiều chuyên gia băn khoăn rằng dù nhiều chỉ số kinh tế 9 tháng qua khả quan, dự báo khả quan cho cả năm, nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn là dấu hỏi.

Tăng trưởng này ở đâu ra?

Đây là câu hỏi được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, nêu ra tại buổi công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý III/2015. Ông Cung đặt vấn đề: “Con số tăng trưởng GDP quý III/2015 của nước ta rất cao (6,81%) so với kỳ vọng ban đầu. Quý IV tăng trưởng có thể còn cao hơn. Như vậy nếu đạt mốc GDP tăng 7% là chúng ta quay trở lại phục hồi so với trung bình của thời kỳ từ 1997-nay. Nhưng thử nhìn xem tăng trưởng này có bền vững không? Tăng trưởng này ở đâu ra, nhờ nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng lực cạnh tranh hay vẫn là cách tăng trưởng như cũ dựa vào vốn, đầu tư theo chiều rộng và khai khoáng...”.

Theo phân tích của ông Cung, GDP quý I tăng hơn 6,1% đã khiến Bộ KHĐT và nhiều người sốc. Sang quý II không sốc nữa, vì thực tế quý II luôn cao hơn quý I. Số liệu cập nhật cho thấy, công nghiệp chế tác và công nghiệp khai khoáng từ quý I/2012 đến nay liên tục tăng. Do đó, tăng trưởng rõ ràng có yếu tố của khai khoáng.

Kinh tế phục hồi rõ nét hơn
Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý III/2015 của Viện CIEM cho biết: Trong quý III và 9 tháng đầu năm 2015, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế đã rõ nét hơn. Cụ thể, GDP quý III và 9 tháng tăng lần lượt 6,81% và 6,5%. Kết quả này nhờ gia tăng đầu tư, tiêu dùng và cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn từ đầu năm 2015. Đóng góp vào mức tăng trưởng ấn tượng này, khu vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục là động lực chính. Lạm phát cũng được giữ ổn định ở mức thấp; đầu tư/GDP tiếp tục tăng; Thu hút FDI là điểm sáng khi vốn đăng ký và thực hiện đều tăng… Chi tiêu dùng và đầu tư là các nhân tố chính giúp phục hồi tổng cầu.
Nếu tiếp tục đà cải cách kinh tế trong các quý tới, kỳ vọng đạt tăng trưởng vượt mức 7% hoàn toàn khả thi. Đặc biệt, gắn với con số tăng trưởng, cải thiện niềm tin rất quan trọng và 9 tháng qua, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều cảm nhận kinh tế phục hồi tốt, dự báo sẽ còn tiếp tục được cải thiện trong thời gian tiếp tới.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm tối trong bức tranh chung của nền kinh tế: Xuất khẩu tăng trưởng chậm trong quý III; thâm hụt thương mại quý III là 0,9 tỷ USD, tính chung 9 tháng là 4,03 tỷ USD. Áp lực nợ công cao; kỷ luật ngân sách nhà nước chưa tốt…/.

Trong khi đó, từ 2013-2014, giá nguyên liệu khai khoáng giảm, khi giá giảm thì khối lượng lại tăng. Tính GDP thường lấy giá cố định của năm 2010, chứ không phải theo giá hiện hành, nghĩa là tăng giá trị GDP nhưng tính theo giá hiện hành thì chưa chắc đã có. Như dầu mỏ chẳng hạn, giá đã giảm còn khoảng 50 USD/thùng, nhưng giá tính vẫn là giá cố định (khoảng 100 USD/thùng). Do đó, rõ ràng có phần do mục đích muốn có tăng trưởng mà đẩy khai khoáng tăng. Vì thế, nhiều khi nhìn thấy tăng trưởng nhưng thu ngân sách không có, vì không có tiền thực.

Còn TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, thẳng thắn: "Tăng trưởng đúng là đã có thành tích, nhưng phải xem chất lượng tăng trưởng thế nào và từ đâu mà có kết quả tăng trưởng đó? Thực sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa bền vững, mô hình tăng trưởng hàng chục năm nay vẫn chưa hề thay đổi, vẫn dựa chủ yếu vào lao động giá rẻ và xuất khẩu thô. Đây là điều đáng suy nghĩ!".

TS. Lê Xuân Bá còn đặc biệt nhấn mạnh về yếu tố chi cho đầu tư và chi tiêu dùng của Ngân sách Nhà nước, rằng: “Chúng ta nói chi đầu tư có phục hồi, nhưng phục hồi ở đâu, do ai và cho ai? Chúng ta đang làm đến đâu tiêu đến đó, thậm chí là đi vay để tiêu, chứ không có sự đầu tư phát triển”.

Việt Nam “một mình một chợ”?

Bình luận về tình trạng “trái khoáy” giữa giá cả và tâm lý phản ứng của người dân nước ta, TS. Lê Xuân Bá cho hay: “Lẽ ra, theo quy luật thị trường, khi giá giảm, lạm phát thấp là đúng, không có gì lo ngại cả. Nhưng hình như người dân Việt Nam có vẻ sống trong điều kiện lạm phát cao, nên khi lạm thấp lại lo lắng, sợ không phải vậy? Chúng ta đã làm sao cho dân hiểu, dân tin là vì đâu mà giá thấp và phải làm rõ cho họ thấy được. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được việc này”. Ông Bá còn cảnh báo: Nếu mô hình tăng trưởng không chuyển sang tăng trưởng về chất, theo chiều sâu thì nguy cơ lạm phát sẽ tăng cao trở lại.

Cùng lo lắng đó, TS. Phạm Chi Lan cho rằng: Lạm phát cứ nói giảm nhưng thực tế không giảm. Nghịch lí ở thị trường Việt Nam đang nhãn tiền là lạm phát thấp, xu hướng lạm phát giảm là rõ rệt nhưng lãi suất không giảm. Ngay cả khi chính sách tiền tệ, tài khóa lỏng mà lãi suất không giảm. Hệ quả là chi phí tài chính của doanh nghiệp bị đội lớn hơn và khả năng huy động vốn khó khăn. Vì vậy, cần giúp doanh nghiệp phục hồi, vượt qua giai đoạn này là rất khó”.

Liên quan đến dấu hỏi về tình trạng vì sao lạm phát thấp mà người dân vẫn lo ngại, chưa tin, bà Lan bình luận: Lạm phát thấp ở đâu, vì sao người dân lo ngại và không dám chi tiêu? Đó chính là do yếu tố điều hành: giá điện nước tăng, xăng dầu thế giới giảm 40% trong khi Việt Nam “một mình một chợ”, chỉ giảm hơn 20%. Khi lạm phát thấp, đáng tiếc là chúng ta không tận dụng để thúc đẩy giảm chi phí cho doanh nghiệp trong nước để người dân hưởng lợi trong khi lại điều chỉnh giá dịch vụ của điện, xăng dầu, nước hay dịch vụ y tế tăng lên. Tình trạng tận thu khiến có tình trạng nhiều doanh nghiệp không thể làm ăn nổi nữa. Cải thiện kinh tế vĩ mô mà doanh nghiệp chết vẫn nhiều. Thu nhập người dân không tăng, trong khi giá chi phí tăng lên, mọi chi phí đè lên doanh nghiệp cũng là đè lên người dân, dẫn tới chất lượng sống của người dân thấp.

Nhìn trong xu thế hội nhập quốc tế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Rõ ràng, trong khi thế giới đang nâng tầm thị trường mà Việt Nam cứ đè thị trường xuống. Người ta là thúc đẩy khuyến khích, còn mình lại thanh và kiểm. Nếu nhà nước không thay đổi tư duy quản lý thì chúng ta không kết nối được với thị trường thế giới vì lệch pha”./.

Xuân Thân/VOV.VN
 

Chia sẻ bài viết