Bài 2: Chuyển đổi cây trồng hiệu quả, đúng hướng
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, phù hợp với thực tiễn. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở nhiều địa phương.
Vươn lên làm giàu
Tân Thạnh là huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh có nền nông nghiệp phát triển khá đa dạng với nhiều loại cây trồng khác nhau. Nông dân nơi đây luôn tìm tòi, nghiên cứu để trồng các loại cây mới, phù hợp với xu thế và nhu cầu thị trường. Trong đó, nổi bật là sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao như mít, sầu riêng, chanh, mãng cầu, thanh long, dừa,... với tổng diện tích trên 1.630ha.
Chuyển đổi cây trồng giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới
Để có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng như ngày nay, phải kể đến sự mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm của người dân. Cách đây hơn 4 năm, khi việc trồng lúa không còn mang lại giá trị kinh tế cao, anh Trần Thanh Loa (ấp Kênh Tè, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh) mạnh dạn lên liếp, chuyển đổi 3,5ha đất lúa sang trồng chanh không hạt và vú sữa hoàng kim.
Anh Loa chia sẻ: “Lúc mới chuyển đổi, tôi cũng có nhiều điều băn khoăn, bỡ ngỡ lắm. Tuy nhiên, thấy những người đi trước trồng có hiệu quả nên tôi quyết tâm trồng theo. Vừa trồng, tôi vừa học hỏi, rút kinh nghiệm để nắm vững kỹ thuật, giúp kết quả mùa sau đạt cao hơn mùa trước". Đến nay, vườn chanh và vú sữa hoàng kim của gia đình anh Loa đã cho thu hoạch 3 - 4 vụ, tùy vào giá thị trường mà mỗi vụ có lãi từ 30 - 40 triệu đồng/ha.
Trồng cây ăn trái được xem là một hướng đi bền vững, lâu dài của nhiều hộ nông dân ở huyện Tân Thạnh. Tuy nhiên, từ lúc trồng đến khi cây cho thu hoạch mất khá nhiều thời gian. Để cải thiện kinh tế, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, một số nông dân tại đây linh hoạt trồng xen canh các loại rau màu, cây ngắn ngày trên cùng diện tích trồng cây ăn trái. Dù chỉ được trồng xen, thời gian thu hoạch nhanh nhưng nhiều mô hình đã giúp nông dân có thêm thu nhập, tạo sự phấn khởi trong sản xuất.
Nông dân trồng mít trong vườn sầu riêng để “lấy ngắn nuôi dài” đạt hiệu quả cao
Tiêu biểu phải kể đến mô hình trồng mít với sầu riêng của ông Nguyễn Văn Mười Hai (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh). Hơn 4 năm trước, gia đình ông Hai quyết định trồng 2ha sầu riêng. Trong thời gian chờ sầu riêng phát triển, không muốn để đất trống, ông Hai quyết định trồng mít. Việc trồng mít không mất nhiều thời gian để chăm sóc và chỉ khoảng 16 tháng là có thể thu hoạch được. Hiện nay, mỗi vụ, gia đình ông Hai thu hoạch khoảng 6 tấn mít, giá bình quân 8.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On, những năm qua, huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đất lúa kém hiệu quả, nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây ăn trái và trồng xen canh nhiều loại cây khác nhau. So với trồng lúa thì các loại cây này có hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn.
Gắn liền với phát triển nông thôn
Hiện nay, trong quá trình XDNTM, các xã ở huyện Vĩnh Hưng chú trọng tìm ra những giải pháp để nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Trong đó, việc cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, chuyển đổi cây trồng được quan tâm thực hiện. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện có hơn 400ha vườn tạp, vườn kém hiệu quả được cải tạo, chuyển đổi cây trồng. Đơn cử như xã Thái Trị, nhiều diện tích đất vườn tạp của địa phương đã được cải tạo, nhiều mô hình có thu nhập cao được hình thành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đến thăm vườn cam sành 7,5ha với hơn 24.000 gốc của gia đình anh Hà Quang Hà (xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng), thấy từng chùm cam trĩu quả trên cành khiến ai cũng xuýt xoa. Đây là năm thứ hai vườn cam cho trái. Vụ thu hoạch trước, vườn cam cho năng suất khoảng 30 tấn/ha, bán với giá 12.000 đồng/kg giúp anh Hà thu hồi được hơn 80% vốn đã đầu tư.
Hiện nay, mặc dù còn khoảng 1 tháng nữa mới bắt đầu thu hoạch đợt 2 nhưng theo tính toán của anh Hà, năng suất của vườn cam sẽ cao hơn năm trước. “Với lợi ích kinh tế của việc trồng cam hiện nay, tôi nghĩ mình mạnh dạn chuyển đổi cây trồng thời gian trước là đúng. Chỉ cần có giá từ 10.000 đồng/kg trở lên là người trồng đã có lãi khá, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa và đầu ra cũng ổn định hơn. Hiện nay, tôi cố gắng chăm sóc vườn cam để cho ra thị trường sản phẩm cam chất lượng hơn” - anh Hà nói.
Vườn cam sành trĩu quả của anh Hà Quang Hà
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn thông tin, nhờ tận dụng hết diện tích đất mà đời sống của người dân trong xã ngày càng được nâng lên. Ngoài các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi da xanh,... nông dân còn chủ động ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp trên địa bàn để trồng xoài, sầu riêng. Trong quá trình XDNTM, địa phương chú trọng nâng cao thu nhập của người dân, trong đó cải tạo vườn tạp được xem là một nhiệm vụ quan trọng.
“Hiện nay, diện tích vườn tạp, vườn kém hiệu quả trên địa bàn huyện đã giảm rất nhiều so với trước đây, tất cả là nhờ sự chủ động trong chuyển đổi cây trồng của người dân. Đa phần người dân đều lựa chọn các loại trái cây đang cho giá trị kinh tế cao như cam, bưởi, mít,... để chuyển đổi. Riêng mô hình trồng sầu riêng đang là hướng đi mới, nhiều triển vọng. Mô hình này có thể tiếp tục được nhân rộng ở địa phương trong thời gian tới” - ông Bổn thông tin thêm.
Đánh giá về hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong XDNTM, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 3 - 6 lần so với trồng lúa.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn gặp khó khăn như chất lượng nông sản chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; hạ tầng phục vụ sản xuất quy mô lớn chưa đồng bộ;... Do đó, để nông dân thực sự làm giàu từ các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành Nông nghiệp cần tham mưu UBND tỉnh tiếp tục có thêm các chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng kết cấu hạ tầng, thương hiệu nông sản chủ lực từng địa phương để phát huy giá trị.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong chương trình XDNTM, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; đồng thời, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản./.
(còn tiếp)
Bùi Tùng
Bài 3: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững