Bài 1: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Chuyển đổi phù hợp
Khoảng 10 năm trước, trên những cánh đồng tại các xã: Lương Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức, huyện Bến Lức và một số xã ở huyện Thủ Thừa, chủ yếu trồng mía. Có thời gian, diện tích mía toàn tỉnh hơn 11.000ha, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tỉnh cũng từng kỳ vọng rất lớn vào giá trị từ cây mía mang lại và thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu trồng mía để có những chính sách, giải pháp phát triển cây trồng này. Thế nhưng, từ năm 2013, cây mía ở địa phương bắt đầu giảm giá trị kinh tế bởi nhà máy thu mua với giá thấp, số lượng mua giảm dần. Không chỉ thế, sau một thời gian đầu tư thua lỗ, các nhà máy đường chỉ hoạt động cầm chừng.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam, vào những năm 2014, 2015, có những lúc mía đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân phải đốt bỏ bởi bán không có lãi, thậm chí nếu thu hoạch sẽ lỗ tiền thuê nhân công. Ông Trần Văn Gừng (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi trồng gần 10ha mía, trong đó có 2ha đất nhà, còn gần 8ha là đất thuê. Những năm đầu trồng mía, lợi nhuận rất cao, mía cũng dễ chăm sóc. Tuy nhiên, do không thể tiêu thụ được nên gia đình tôi đành phá bỏ mía, trả đất thuê và chuyển sang trồng chanh trên phần đất nhà".
Diện tích mía không mang lại hiệu quả kinh tế đã dần “nhường chỗ” cho cây chanh
Cây mía không còn mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Bến Lức và Thủ Thừa đã chuyển đổi sang trồng chanh. Theo đánh giá của nhiều nông dân, chanh là sản phẩm dễ tiêu thụ hơn mía, hiệu quả kinh tế cũng khá hơn. “Đến nay, diện tích chanh toàn huyện Bến Lức khoảng 7.130ha, trong đó chanh không hạt hơn 6.560ha. Huyện xác định chanh là cây trồng thích hợp để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có tính ổn định hơn so với các loại cây trồng khác. Theo kế hoạch, huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm 1.500ha chanh sản xuất ứng dụng công nghệ cao” - ông Nam cho biết.
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hạn, mặn,... Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, hàng năm, tỉnh có hàng ngàn hécta cây trồng bị mất mùa, dịch bệnh do ảnh hưởng của mưa trái mùa, điều kiện thời tiết thay đổi bất thường, hạn, mặn. Năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra xâm nhập mặn, hạn, nắng nóng, ngập úng, triều cường và giông lốc gây thiệt hại đến sản xuất và tài sản của người dân. Ước thiệt hại trên 314,5 tỉ đồng. Đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra hạn, mặn, gây ảnh hưởng trên 24.000ha lúa. Nhiều loại cây trồng như thanh long, chanh,... cũng gặp cảnh mất mùa, dịch bệnh tấn công do thời tiết biến đổi bất thường.
Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương vận động, khuyến khích và hướng dẫn nông dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm thiểu thiệt hại.
Tận dụng tiềm năng, phát huy lợi thế
Trước những tác động của BĐKH, ngành Nông nghiệp xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng. Ðặc biệt, việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới (lúa, chanh, sầu riêng,...) có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn) của từng địa phương. Bên cạnh đó, tập trung triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM), hệ thống canh tác lúa cải tiến,...
Với điều kiện tự nhiên phù hợp với nhiều giống cây trồng nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, những năm qua, tỉnh xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Năm 2021, toàn tỉnh đã chuyển 2.100ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác: Mít 670ha, chanh 592ha, ổi 142ha, chuối 51ha, bưởi 53ha, dưa hấu 359ha, mè 274ha, khoai mỡ 10,6ha,... đồng thời, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, góp phần ứng phó BĐKH. Anh Trần Văn Cường (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) mạnh dạn chuyển 2,2ha đất nông nghiệp bị nhiễm phèn, thường xuyên bị ngập nước, trồng lúa không hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Theo anh Cường, mỗi năm, 1 cây bưởi cho khoảng 20 trái, thu nhập khoảng 1 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Anh Trần Minh Sang (bên phải) mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng để trồng rau thủy canh, ứng phó với biến đổi khí hậu
Còn anh Trần Minh Sang (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) lại quyết định đầu tư sản xuất rau thủy canh trong nhà màng để ứng phó BĐKH. Anh xây dựng 3 nhà màng, mỗi nhà khoảng 1.000m2. Đặc biệt, anh đang hướng đến mở rộng sản xuất và ký kết các hợp đồng tiêu thụ với công ty thu mua. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp sạch hiện nay nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, chất lượng cao và tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, các sản phẩm mà anh đang trồng chủ yếu là cải ngọt, xà lách, dưa leo, cà chua,... Anh cho biết, các loại nông sản này đều được khách hàng ưa chuộng và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết, thực tế cho thấy, các giải pháp của ngành Nông nghiệp trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành đang được triển khai hiệu quả và có tính đồng bộ. Tuy nhiên, thời gian tới, cần có thêm những kế hoạch và chiến lược lâu dài để phát triển trồng trọt theo hướng ứng phó với BĐKH, trong đó tập trung ứng phó với các hiện tượng: Nhiễm mặn, thời tiết cực đoan và các đe dọa bất lợi trong tương lai. Ngoài ra, việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng là những giải pháp được hướng đến nhằm phát triển bền vững nền nông nghiệp trước thách thức của BĐKH.
“Ngành Nông nghiệp tỉnh đang rà soát và quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương; vận động người dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, giống lúa lai có khả năng chống chịu sâu, bệnh và các điều kiện bất lợi như hạn, mặn, đổ ngã,...; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường;... Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương cũng sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện đồng bộ các giải pháp về sử dụng nước tưới, phân bón, luân canh, xen canh, che phủ đất, hạn chế dòng chảy, quản lý dịch hại và ứng dụng công nghệ cao” - ông Thiện cho biết thêm./.
(còn tiếp)
Bùi Tùng
Bài 2: Chuyển đổi cây trồng hiệu quả, đúng hướng