Tiếng Việt | English

20/01/2025 - 17:58

Chuyện cây di sản ở Châu Thành

Đầu năm 2025, ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An có 3 cây cổ thụ được công nhận là Cây di sản, trong đó có cây me và cây đa sộp tại đình Bình Lục. Những cội cây hàng trăm năm tuổi ấy gắn liền với quá trình hình thành, phát triển và chiến đấu bảo vệ quê hương của người dân Châu Thành, đi vào đời sống người dân như một lẽ đương nhiên.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 2, xã Phước Tân Hưng - Ngô Văn Đông kể, không biết cây me cùng cây đa sộp tại đình Bình Lục có từ khi nào nhưng ngày ông còn nhỏ, những cội cây ấy đã gắn liền với đời sống người dân trong ấp.

“Từ ngày tôi còn nhỏ thì cây me và cây đa sộp ở đình Bình Lục đã là cây cổ thụ. Người dân trong vùng đều dành tình cảm nhất định, không ai làm gì tổn hại hay xâm phạm đến cây. Ngày trước, khu vực quanh những cây cổ thụ ấy cũng là căn cứ của bộ đội ta. Những cây me, cây đa đó thực sự đã chứng kiến cả quá trình hình thành, phát triển của vùng đất này” - ông Đông nói.

Cây me và cây đa sộp tại sân đình Bình Lục đến nay đã hơn 200 tuổi và gắn liền với sự phát triển của đình. Tương truyền vùng đất Châu Thành xưa nói chung và khu vực đình Bình Lục nói riêng lúc đó rất hoang vu, hẻo lánh. Khi người dân đến khai phá, lập làng thì đình Bình Lục được dựng lên như một nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Rất có thể, những tán cây cổ thụ trong sân đình có mặt từ thời điểm đó. Dưới những tán cây cổ thụ, mái đình nhiều lần được người dân dựng lại sau khi bị đạn bom của kẻ thù phá hủy.

Cây me và cây đa tại đình Bình Lục (ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) vừa được công nhận là Cây di sản

Và ngay dưới mái đình cùng những cội cây cổ thụ ấy, phong trào cách mạng ở địa phương được gầy dựng. Khi phong trào Việt Minh lớn mạnh, đình là nơi hoạt động của Việt Minh, nơi các cán bộ, đảng viên ta trú ẩn để gầy dựng, móc nối cơ sở, đồng thời cũng là nơi tiếp tế lương thực cho các chiến sĩ cách mạng nằm vùng và các chiến sĩ du kích hoạt động.

Theo lời kể của các cụ cao niên, khu vực đình Bình Lục xưa khá rậm rạp nên nếu không có hội đình thì ít người lui tới. Năm 1944, Pháp biết đình là cơ sở cách mạng của Việt Minh nên kiếm cớ dỡ đình.

Dưới tán me và cây đa sộp lại “mọc” lên mái đình nhỏ do người dân dựng như một lời khẳng định rằng không thể dập tắt những tín ngưỡng dân gian cũng như lòng yêu cách mạng của người dân lúc bấy giờ.

Chi bộ đầu tiên của Phước Tân Hưng, lớp dạy học, tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho nhân dân cũng được thành lập và “hiên ngang” tồn tại ở đình Bình Lục, ngay dưới những tán cây di sản.

Ròng rã hơn 20 năm chống giặc ngoại xâm, đình là nơi nhân dân mượn cớ viếng thăm để được lĩnh hội các lý tưởng cách mạng, nung nấu ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm. Sau năm 1975, sân đình Bình Lục được cất thêm lớp học bình dân học vụ, lớp xóa mù chữ, lớp mẫu giáo, địa điểm sinh hoạt văn hóa của ấp.

Ngày nay, cây me và cây đa sộp tại đình Bình Lục vẫn rợp bóng, che cho mái đình khang trang vừa được xây dựng lại, bên cạnh đó là Nhà Văn hóa ấp, nhà bia ghi danh liệt sĩ - những người con anh hùng của ấp 2, xã Phước Tân Hưng đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê nhà.

Những cội cây di sản vừa được công nhận ở xã Phước Tân Hưng không đơn thuần là những cây cổ thụ mà còn là "chứng nhân" lịch sử, văn hóa, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của địa phương.

Việc chăm sóc, gìn giữ, bảo tồn các cây di sản vừa khơi dậy tinh thần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng loài cây, gen thực vật, vừa giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn và tự hào về quê hương. Việc gìn giữ, chăm sóc cây di sản cũng là cách thể hiện lòng tri ân đối với thế hệ người đi trước trong công cuộc dựng xây và bảo vệ quê nhà.

Phát biểu tại buổi Lễ công bố Quyết định công nhận Cây di sản Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Phạm Văn Thật đề nghị bên cạnh chăm sóc, bảo vệ, bảo tồn cây di sản, địa phương cần gắn với các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ trong thời gian tới./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết