Tiếng Việt | English

13/05/2020 - 18:35

Chung tay xây dựng và bảo vệ môi trường

Nhiều mô hình hay, thiết thực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đoàn thể góp phần nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn trong việc bảo vệ môi trường (BVMT). Từ đó, họ chung tay cùng địa phương trong việc xây dựng, BVMT sống xanh, sạch, đẹp.


Trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh chụp tại xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An)

1. Công tác BVMT luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện. Ngành chức năng, chính quyền địa phương, người dân đồng lòng, chung sức xây dựng và BVMT sống. Bằng cách này hay cách khác, BVMT đã len lỏi vào ngõ ngách của cuộc sống, góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong vấn đề này.

Trước đây, môi trường tại xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An chưa được chính quyền và người dân quan tâm đúng mức. Rác thải còn vứt tràn lan trên các tuyến đường, kênh, mương; cảnh quan trông nhếch nhác… Bây giờ, những điều đó cơ bản được khắc phục, diện mạo địa phương được cải thiện đáng kể.Chính quyền tích cực vận động, tuyên truyền người dân tham gia BVMT bằng các hoạt động cụ thể. Địa phương xây dựng nhiều mô hình hay, thiết thực, góp phần truyền đi, lan tỏa thông điệp kêu gọi cộng đồng chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, cải thiện cảnh quan môi trường xung quanh. 

Chính quyền phối hợp các ngành, đoàn thể, ấp ra quân vận động người dân khai thông cống rãnh, kênh, rạch, phát quang, làm vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải, trồng cây xanh,… để cải thiện cảnh quan môi trường. Từ đó, người dân trên địa bàn đã nâng cao ý thức, cùng chung tay BVMT. Bà Trần Thị Nga, ngụ ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi, chia sẻ:  “Trước đây, gia đình tôi chưa coi trọng việc BVMT sống. Đôi lúc chúng tôi còn vô tư vứt rác bừa bãi, rác sinh hoạt cũng không thu gom đầy đủ và bỏ đúng nơi quy định. Nhờ địa phương tuyên truyền, vận động và xây dựng mô hình Trồng cây xanh, khu dân cư tự quản BVMT, người dân hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cùng địa phương xây dựng môi trường sống. Giờ đây, rác sinh hoạt của gia đình được chúng tôi thu gom, bỏ vào vị trí quy định. Đồng thời, gia đình còn tham gia tuyên truyền lối xóm chung tay BVMT. Diện mạo địa phương bây giờ thay đổi hẳn, mọi người đều phấn khởi”.

Theo Chủ tịch UBND xã An Vĩnh Ngãi - Nguyễn Thị Nhuận, xã tổ chức nhiều mô hình BVMT phù hợp thực tế, phát huy hiệu quả. Người dân ngày càng có ý thức, tự nguyện, tự giác phối hợp địa phương để thực hiện. Những MH hay, ý nghĩa như Trồng cây xanh, khu dân cư tự quản BVMT,…sẽ được địa phương nhân rộng trong thời gian tới để kêu gọi cộng đồng tiếp tục tham gia BVMT.

Lò đốt rác tại huyện Cần Giuộc hạn chế rác thải

2. Môi trường tại huyện Tân Trụ cũng ngày càng được cải thiện. Địa phương tổ chức thực hiện rất nhiều giải pháp, hoạt động cụ thể: Trồng cây xanh, trồng hoa, ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải sinh hoạt,… nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc BVMT. Bên cạnh đó, gần đây, huyện còn xây dựng các hố thu gom rác thải nguy hại (bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chai lọ) trong quá trình sản xuất, không chỉ góp phần cải thiện cảnh quan mà còn hạn chế, giảm ô nhiễm môi trường. 

Ông Trần Văn Hoàng, ngụ xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, cho biết: Qua các đợt tuyên truyền, vận động của địa phương, chúng tôi ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc BVMT. Rác thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình được thu gom, bỏ đúng nơi quy định để xử lý. Việc trồng cây xanh cũng được mọi người hưởng ứng và ra sức chăm sóc, tạo mảng xanh, vừa lấy bóng mát, cải thiện cảnh quan, vừa BVMT. Đặc thù của vùng này là sản xuất nông nghiệp nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. Trước đây, bao bì, vỏ thuốc sau khi sử dụng chưa được thu gom, còn vứt bừa bãi tại ruộng, gây ô nhiễm môi trường. Bây giờ, địa phương xây dựng hố thu gom rác thải nguy hại trên cánh đồng, người dân thấy rất hay, hợp lý. Bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, chúng tôi bỏ vào các hố để tránh gây ô nhiễm, từ đó diện mạo, cảnh quan trên đồng ruộng đẹp hơn so với trước.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tân Trụ - Ngô Tấn Tài cho biết: Hàng năm, địa phương đều tổ chức ra quân thực hiện các hoạt động về BVMT. Vì vậy, diện mạo, cảnh quan môi trường của Tân Trụ ngày càng khởi sắc.Bên cạnh đó, huyện hướng dẫn người dân cách phân loại rác đầu nguồn, xây dựng hố xử lý rác thải tại gia đình (đối với các hộ nằm ở trong đồng, xa tuyến đường). Ngoài ra, huyện mới triển khai xây dựng mô hình hố thu gom, xử lý bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, góp phần tích cực trong việc BVMT sống trên địa bàn. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia cùng địa phương xây dựng, BVMT để môi trường sống ngày càng tốt hơn.

3. Thời gian trước đây, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt tại những địa bàn xa khu dân cư, tuyến đường chính,...đặt ra nhiều thách thức đối với huyện Cần Giuộc. Tuy nhiên, huyện đã cơ bản giải quyết được tình trạng trên bằng cách áp dụng, xây dựng lò đốt rác tại các hộ gia đình.Mô hình đã góp phần giảm thiểu lượng rác thải, giảm chi phí, hạn chế ô nhiễm và BVMT. Song song đó, Cần Giuộc tập trung xây dựng các mảng xanh bằng cách trồng cây xanh bàn giao cho người dân và địa phương quản lý; hướng dẫn người dân 

phân loại rác tại nguồn bằng các buổi tập huấn, tờ rơi, băng rôn tuyên truyền,… Bên cạnh đó, huyện còn thông báo thời gian hoạt động của các xe thu gom, xử lý rác sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn nắm bắt để tập kết rác đúng nơi quy định. Xe sẽ đến lấy rác thải sinh hoạt, vận chuyển về nơi xử lý, hạn chế bố trí các thùng rác để tránh tình trạng những vị trí đặt thùng rác trở thành bãi tập kết rác, vừa gây ô nhiễm, vừa mất mỹ quan,…

Ông Trần Văn Hiếu, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, cho hay: “Gia đình tôi sống xa nơi dân cư tập trung nên việc xử lý rác thải sinh hoạt gặp khó khăn. Chúng tôi thường vứt rác ra các kênh, mương nội đồng.Nhờ địa phương tuyên truyền, vận động và xây dựng hố đốt rác thải tại gia đình, chúng tôi áp dụng và thấy rất phù hợp.Mỗi ngày, tôi phân loại rác và cho vào đốt.Hiện nay, cảnh quan môi trường ở đây được cải thiện, người dân cũng tự giác phối hợp địa phương tham gia BVMT”.

Theo thông tin từ Phòng TN&MT huyện Cần Giuộc, BVMT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu tại địa phương. Những năm qua, rác sinh hoạt trên địa bàn được thu gom, vận chuyển về Nhà máy Xử lý rác Đa Phước (TP.HCM) để xử lý. Hàng năm, phòng phối hợp các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đem rác bỏ đúng giờ, đúng địa điểm. Huyện cũng hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thu gom; tổ chức trồng cây xanh trên các trục lộ chính, thường xuyên ra quân thu gom rác thải, vệ sinh môi trường. Gần đây, huyện còn xây dựng hố - lò đốt rác tại gia đình, bước đầu mang lại hiệu quả. Người dân biết cách xử lý rác, giảm thiểu lượng rác, giảm chi phí và hạn chế ô nhiễm môi trường,…Ý thức BVMT của người dân trên địa bàn ngày càng nâng cao.

Diện mạo, cảnh quan môi trường tại các địa phương trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện. Sở thường xuyên phối hợp các địa phương, Mặt trận, đoàn thể,... tổ chức xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường. Các mô hình phát huy được hiệu quả đề ra, góp phần thay đổi nhận thức của người dân.Người dân tự nguyện, tự giác phối hợp địa phương trong các hoạt động xây dựng, bảo vệ môi trường”./.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết