Tiếng Việt | English

08/10/2018 - 19:27

Chung sức bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh, trật tự

Về biên giới Long An, chúng tôi được chứng kiến nhiều đổi mới, được hiểu hơn về công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, an ninh, trật tự (ANTT), phòng, chống tội phạm,...

Phối hợp hiệu quả 

Chúng tôi có mặt ở xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường vào lúc cơn mưa rào chợt đến. Trên đường biên giới trơn trượt, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hiệp vẫn tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn ANTT biên giới. Khi gặp người dân, cán bộ, chiến sĩ lại nở nụ cười và dành cho nhau những lời chào hỏi thân tình. Theo Thiếu tá Lê Nhật Hùng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, công tác phối hợp giữa 3 lực lượng công an, biên phòng, quân sự (Nghị định 77, ngày 12/7/2010 của Chính phủ về phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội) được duy trì thực hiện thường xuyên, nghiêm túc và đạt kết quả cao. Từ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của địa phương.

Các lực lượng phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới

Đại tá Bùi Văn Điểm - Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: “Ngoài phát huy vai trò, nhiệm vụ của từng lực lượng, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật và huy động sức mạnh của người dân trong tố giác, đấu tranh với tội phạm, bảo vệ đường biên, cột mốc được lực lượng công an, quân sự, biên phòng chú trọng thực hiện. Đồng thời, các lực lượng cũng phối hợp xây dựng các mô hình, phong trào phòng, chống tội phạm và bảo vệ đường biên, cột mốc”. 

Trong đó, mô hình Tiếng kẻng vùng biên và phong trào tự quản đường biên, cột mốc được thực hiện nhiều năm qua là những điển hình trong tập hợp, huy động sức mạnh, vai trò của người dân cùng tham gia phòng, chống tội phạm và bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đến nay, mô hình Tiếng kẻng vùng biên đã được thực hiện tại 44 ấp ở 20 xã biên giới; có hơn 1.800 hộ dân (gần 2.900 người) đăng ký tự quản đường biên, 86 hộ (268 người) đăng ký tự quản 51 mốc giới và có 371 tổ tự quản ANTT (gần 22.000 người). 

Cũng từ công tác phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng, thời gian qua, trên địa bàn biên giới phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng tội phạm. Điểm nhấn trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm giữa các lực lượng trong thời gian qua là bắt giữ nhiều vụ vận chuyển buôn lậu, nhất là mặt hàng thuốc lá. Từ sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, buôn lậu thuốc lá giảm sâu. Hiện nay, buôn lậu không còn quy mô lớn và hoạt động ngang nhiên, công khai gây bức xúc trong nhân dân như trước. Địa bàn Đức Huệ vốn là điểm “nóng” nhất về tình trạng vận chuyển thuốc lá lậu cũng đã giảm 80% so với trước. 

Lực lượng biên phòng bắt giữ một vụ buôn lậu thuốc lá và thu giữ tang vật

Biên giới bình yên

Biên giới mùa này, lũ tràn đồng, xa xa thấp thoáng những người mưu sinh bằng nghề giăng câu, thả lưới. Là mảnh đất “phên giậu” nhưng mỗi lần đến biên giới, tôi đều cảm nhận được sự gần gũi, bình yên, những bước phát triển mới và cả mối quan hệ tốt đẹp giữa người dân 2 bên biên giới. 

Nói về sự thay đổi ở biên giới, Thượng tá Vũ Minh Tùng - Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, vui vẻ chia sẻ, bộ mặt nông thôn vùng biên bây giờ thay đổi rất nhiều. Kết cấu hạ tầng từ trường học, trạm y tế, trụ sở được xây dựng khang trang. Riêng đường giao thông, vẫn còn nhiều con đường trải sỏi nhưng nhìn chung đã “thay da, đổi thịt”. Anh Trần Văn Đát, ngụ xã biên giới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, cho biết, người dân 2 bên biên giới sống rất thân thiện, gần gũi. Hai bên vẫn thường xuyên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa, giao lưu và chia sẻ với nhau kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. “Quốc gia có lãnh thổ, có đường biên giới để phân định nhưng tình cảm giữa người dân hai bên thì dường như chẳng có làn ranh” - anh Đát nói.

Tiếng kẻng vùng biên phòng, chống tội phạm được thực hiện ở 44 ấp biên giới của tỉnh

Sinh sống ở vùng đất này, ông Hồ Văn Tăng, ngụ xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, hiểu rất rõ những thay đổi ở mảnh đất biên giới. Theo ông, đời sống người dân biên giới ngày càng nâng cao rõ rệt. Nông dân biên giới bây giờ sản xuất lúa chất lượng cao, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng. 

“Là người dân biên giới, chúng tôi phải có trách nhiệm cùng chính quyền, các lực lượng chức năng bảo vệ bình yên biên giới, đường biên, cột mốc. Ngoài ra, tôi luôn nhắc nhở người thân phải chí thú làm ăn, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải có trách nhiệm giữ gìn, tăng cường mối quan hệ truyền thống, hữu nghị với người dân nước bạn Campuchia; tuyệt đối không nghe những lời xúi giục, kích động của kẻ xấu làm ảnh hưởng đến quan hệ 2 nước” - ông Hồ Văn Tăng chia sẻ./.

"Trong thực hiện Nghị định 77, ngày 12/7/2010 của Chính phủ về phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, 3 lực lượng công an, biên phòng, quân sự thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban hàng tuần, tháng, quí thông tin tình hình, diễn biến trên địa bàn biên giới để cùng giải quyết; vào các ngày lễ lớn, kỷ niệm của đất nước đều phối hợp xây dựng các kế hoạch cụ thể để thực hiện. Đối với lực lượng biên phòng còn thực hiện công tác đối ngoại, trao đổi thông tin và phối hợp chính quyền, lực lượng của nước bạn để cùng giữ gìn an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm và bảo vệ đường biên, cột mốc. Thời gian tới, lực lượng biên phòng tiếp tục phối hợp hiệu quả với công an, quân sự, chính quyền địa phương và cả chính quyền, lực lượng chức năng bên nước bạn Campuchia để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đường biên, cột mốc,..."

Thượng tá Vũ Minh Tùng  - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Lê Đức

Chia sẻ bài viết