Tiếng Việt | English

19/11/2016 - 09:24

Chưa có nhiều ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo

Giá thành sản xuất cao cùng một số rào cản chính sách khiến sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam chưa thực sự phát triển.

Trong khuôn khổ của Tuần lễ năng lượng tái tạo 2016 (15-19/11), sáng nay, tại Hà Nội, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng tái tạo ở Việt Nam”.

Mặc dù năng lượng tái tạo là một phần nhỏ của tổng năng lượng cung cấp trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam, nhưng các dự án sản xuất điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn tăng lên gấp đôi trong giai đoạn năm 2000-2010.


Năng lượng mặt trời có mức đầu tư cao khiến nhiều quốc gia chưa thể triển khai. (Ảnh minh họa: KT)

Tính đến hết năm 2010, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 3,5% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nhà máy thủy điện nhỏ và cực nhỏ không hoạt động, còn các nhà máy điện sinh khối hoạt động cầm chừng hoặc theo thời vụ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, nhưng cho đến nay việc đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có.

Nguyên nhân là do giá thành sản xuất cao, việc phát triển năng lượng tái tạo còn gặp phải một số rào cản khác như thiếu chính sách và tổ chức hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo; thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch và hoạch định chính sách; công nghệ và dịch vụ phụ trợ cho năng lượng tái tạo chưa phát triển; khó tiếp cận nguồn vốn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Đặc thù của năng lượng tái tạo là phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như nước, nắng, gió, vị trí địa lý, công nghệ và giá thành sản xuất... Do đó để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ như cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu và cơ chế cấp chứng chỉ.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương trong quá trình điều chỉnh quy hoạch điện 7 cũng đã tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong phát triển điện của Việt Nam. Song song với mục tiêu chiến lược trong quy hoạch phát triển điện, Bộ Công Thương cũng xây dựng các cơ chế hỗ trợ về giá, tạo tín hiệu cho các nhà đầu tư tham gia vào các hoạt động năng lượng tái tạo của Việt Nam.

“Tôi hy vọng trong thời gian tới khi, các cơ chế giá hỗ trợ năng lượng gió và mặt trời do Bộ Công Thương trình Thủ tướng được phê duyệt và ban hành, sẽ là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư tham gia vào phát triển nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính”, ông Phong cho biết.

Theo dự kiến kịch bản phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể khai thác 3.000 - 5.000MW công suất với sản lượng hơn 10 tỷ kWh từ năng lượng tái tạo vào năm 2025. Nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý thì sẽ đóng góp đáng kể cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện./.

Chung Thủy/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết