Tiếng Việt | English

12/07/2016 - 15:40

Chú ý phòng bệnh mùa mưa

Mùa mưa, lượng bệnh nhân mắc các bệnh theo mùa như: Hô hấp, sốt xuất huyết bắt đầu có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ.


Mùa mưa, trẻ nhỏ dễ mắc sốt xuất huyết và tay-chân-miệng

Sau thời gian nắng nóng kéo dài, miền Nam đang bước vào mùa mưa, khí hậu ẩm thấp sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật, vi khuẩn, vi-rút phát triển. Đồng thời, sự chênh lệch về nhiệt độ do thời tiết thay đổi làm cơ thể suy giảm sức đề kháng nên rất dễ mắc bệnh. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng thông tin, tại Long An, ngoài sốt xuất huyết (SXH) và tay-chân-miệng (TCM) lưu hành thường xuyên, trong mùa mưa, các nhóm bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa và nhóm bệnh cơ-xương-khớp cũng thường xảy ra.

Trong mùa mưa, phòng bệnh SXH cũng là phòng bệnh Zika vì Zika và SXH lây truyền chủ yếu qua đường muỗi đốt, từ người bệnh sang người lành. Ngoài ra, Zika còn có khả năng lây truyền qua đường tình dục và đường máu. Bệnh nhân mắc bệnh Zika thường có biểu hiện như: Sốt, nổi mẩn, đau cơ, nhức đầu,... Bệnh nhân mắc bệnh SXH thì thường sốt rất cao, đau cơ nhiều hơn, đặc biệt là có biểu hiện xuất huyết trên da hoặc chảy máu cam. Về độ nguy hiểm, với SXH, nếu không có biến chứng thì sốt vài ngày sẽ khỏi; còn nếu có biến chứng nặng thì có thể gây tử vong. Zika ít lo ngại hơn nhưng có thể nguy hiểm với phụ nữ mang thai nếu có biến chứng. Bệnh Zika và SXH chưa có vắc-xin phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất là diệt muỗi và lăng quăng. Xung quanh nhà, cần thường xuyên dọn dẹp những vật phế thải có nước đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Lu chứa nước phải được đậy kín. Lọ cắm hoa cần thay nước thường xuyên.


Cần chú ý phòng bệnh mùa mưa cho trẻ

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến đầu tháng 7¬-2016, toàn tỉnh ghi nhận 649 ca mắc TCM, giảm 29,1% so với cùng kỳ (năm 2015 là 916 ca); 1.200 ca mắc SXH, tăng 74% so với cùng kỳ (năm 2015 là 691 ca), tăng 25% so với số ca mắc trung bình 5 năm 2011-2015 (962 ca). Bệnh SXH thường tập trung tại các địa phương: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP.Tân An.

Trưởng khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức - Bác sĩ Phạm Đông Xuân cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, khoa Nhi tiếp nhận 68 trường hợp trẻ bị TCM, riêng tháng 6 là 25 trường hợp. Đỉnh dịch TCM là từ tháng 3-5 hoặc tháng 9-10 hằng năm, nhưng bệnh vẫn diễn ra rải rác quanh năm. Bến Lức tập trung nhiều khu công nghiệp nên có nhiều nhà trẻ tư nhân “mọc” lên đáp ứng nhu cầu giữ trẻ của công nhân. Những địa điểm giữ trẻ điều kiện vệ sinh không bảo đảm cũng là một trong những nguyên nhân lây truyền dịch bệnh. Phụ huynh nên chú ý vệ sinh cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt khi thay quần áo, thay tã, tránh tiếp xúc qua nước tiểu, nước bọt, đồ chơi của bé, sàn nhà nên được xử lý bằng nước sát khuẩn. Đặc biệt, cần cách ly trẻ 1 tuần trong tuần lễ đầu tiên mắc TCM.

Ngoài ra, tình hình bệnh SXH hiện tại có chiều hướng gia tăng do mùa mưa là mùa sinh sản của muỗi. Tổng số trẻ mắc SXH của Bến Lức trong 6 tháng đầu năm là 32 trường hợp, riêng tháng 6 có chiều hướng tăng so với những tháng trước với 11 ca mắc. Do đó, các bà mẹ cần chú ý cho trẻ ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, vệ sinh môi trường, dọn dẹp ao tù, nước đọng. Đặc biệt, khi bé sốt, chỉ sử dụng paracetamol, không được sử dụng aspirin và nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và chẩn đoán kịp thời, tránh những trường hợp bệnh diễn tiến nặng, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.


Người dân cần chú ý đề phòng vì viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) dễ lây nhiễm ngoài cộng đồng và rất dễ tạo thành dịch

Trẻ em là đối tượng phổ biến của SXH. Tuy nhiên, người lớn khi nhiễm bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện bệnh và điều trị đúng cách. Theo Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Long An - Bác sĩ Đặng Anh Tuấn, trung bình mỗi ngày, khoa Nhiễm tiếp nhận khoảng 5 bệnh nhân mắc SXH. Trẻ em mắc SXH dễ bị sốc, còn ở người lớn sẽ xuất huyết nhiều hơn. Đặc biệt, những người đã có bệnh mãn tính như tim mạch, phổi, tiểu đường thì bệnh càng nặng hơn.

Bệnh nhân Hồ Văn Liên (quê ở Bến Tre, ở trọ tại phường Tân Khánh, TP.Tân An) cho biết: “Nơi tôi ở trọ gần Khu công nghiệp Tân Hương, có đông công nhân sinh sống nên điều kiện vệ sinh không bảo đảm, có rất nhiều muỗi. Tôi cũng chủ quan, không chú ý phòng bệnh vì nghĩ SXH thường xảy ra ở trẻ nhỏ hơn. Đến khi bị sốt cao, thử máu, bệnh diễn tiến nặng, tôi được chỉ định nhập viện gần 1 tuần nay”.

Ngoài ra, mùa mưa cũng là thời điểm bắt đầu xuất hiện dịch đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp). Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Hải - Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Long An, hiện tại, nếu so sánh với năm 2015 thì bệnh chưa xuất hiện nhiều, bệnh viện chưa tiếp nhận nhiều trường hợp đau mắt đỏ nhưng người dân cần chú ý đề phòng, vì viêm kết mạc cấp dễ lây nhiễm ngoài cộng đồng và rất dễ tạo thành dịch. Trong những đợt dịch, không nên tập trung ở chỗ đông người, không dùng đồ cá nhân chung, mang kính bảo hộ để tránh dịch tiết tiếp xúc với mọi người xung quanh. Với bệnh này, khi mắc bệnh, cơ thể sẽ có khả năng đề kháng và phục hồi. Sau 5-7 ngày thì bệnh sẽ tự hết, nhưng cũng có trường hợp biến chứng gây ảnh hưởng thị lực. Do đó, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế kiểm tra khi bệnh diễn tiến nặng hoặc kéo dài, đề phòng ảnh hưởng đến thị lực về sau.

Ngoài các bệnh SXH, TCM hay đau mắt đỏ, một số bệnh cũng phổ biến trong mùa mưa như: Cảm lạnh, cảm cúm, các bệnh xương-khớp và bệnh ngoài da. Người dân cần chú ý giữ ấm cơ thể, mang theo áo mưa khi ra đường, giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, vệ sinh môi trường sạch sẽ, ăn uống đủ chất, đặc biệt là bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết