Tiếng Việt | English

13/12/2020 - 09:25

Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông

Long An giáp với TP.HCM, là cửa ngõ các tỉnh miền Tây Nam bộ, có nhiều tuyến quốc lộ (QL) và nhiều tuyến đường tỉnh (ĐT). Bằng nhiều nguồn vốn, chương trình khác nhau, thời gian gần đây, có nhiều điểm, đoạn hạ tầng giao thông yếu kém, bất cập, hư hỏng đã được khắc phục, sửa chữa.

Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng thay đổi

Từ nhiều nguồn vốn, chương trình, hạ tầng giao thông những năm qua trên địa bàn tỉnh liên tục được đầu tư, nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện, góp phần vào sự phát triển KT-XH. Chẳng hạn như QL62 đoạn qua TP.Tân An (từ UBND xã Lợi Bình Nhơn đến ngã tư đường tránh QL1) đã được mở rộng, trải lại mặt nhựa và hiện tiếp tục thi công hệ thống vỉa hè, thoát nước, tạo điều kiện cho người điều khiển phương tiện đi lại an toàn hơn.

Tuyến tránh QL1 đoạn qua TP.Tân An là con đường huyết mạch sau nhiều năm đưa vào sử dụng bị xuống cấp và gần đây đã được Trung ương đầu tư, mở rộng mặt đường và xây thêm một cây cầu mới qua sông Vàm Cỏ Tây với tổng kinh phí đầu tư 350 tỉ đồng. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, hệ thống cống thoát nước dọc 2 bên QL1 cũng cơ bản được đầu tư khá đồng bộ nên giải quyết được tình trạng ngập úng nhiều đoạn vào mùa mưa, gây hư hỏng mặt đường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Đối với các tuyến ĐT, nhiều công trình giao thông có vốn đầu tư lớn đã và đang được đầu tư, nâng cấp, mở rộng như ĐT830, 827, 825, 824, 818, 826B,... Đồng thời, tỉnh còn tập trung thực hiện Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm với danh mục 14 công trình tại các huyện công nghiệp của tỉnh. Theo đó, 14 dự án, công trình giao thông được cải tạo, nâng cấp, mở rộng gần 95km; trong đó cải tạo, nâng cấp, mở rộng gần 70km và làm mới gần 24km. Tổng mức đầu tư gần 5.900 tỉ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 2.900 tỉ đồng, nguồn vốn vận động doanh nghiệp gần 3.000 tỉ đồng.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) - Nguyễn Hoài Trung cho biết: “Sau 5 năm triển khai, thực hiện, đến nay 12 dự án, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Còn lại 2 dự án, công trình đang thi công”.

Ngoài ra, công trình trọng điểm của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 là tuyến đường Vành đai TP.Tân An cũng đang được thi công ở một số đoạn tuyến.

Tuy nhiên, thực tế, hạ tầng giao thông ở tỉnh vẫn còn những hạn chế và bất cập, có đường đầu tư đã lâu, xuống cấp, nhỏ, hẹp không đáp ứng được yêu cầu phát triển, vận tải. Chẳng hạn, QL62 dài 77km, đi qua các địa phương: TP.Tân An, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường được đầu tư, đưa vào sử dụng đã lâu nên xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường nhỏ, hẹp không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh - Phùng Văn On cho biết: “Hiện nay, tuyến QL62 thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là những ngày lễ, tết. Ngoài ra, hạ tầng yếu kém nên xảy ra tai nạn giao thông. Vì vậy, việc đầu tư, mở rộng tuyến QL62 là rất cần thiết”.

Tỉnh đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản và trực tiếp với Bộ GTVT sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường này. Hiện Bộ GTVT đã có trả lời, dự kiến dự án nâng cấp, mở rộng QL62 sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Nội ô TP.Tân An vẫn có những tuyến đường bất cập, bị “thắt cổ chai” như đường Huỳnh Văn Đảnh, Trương Thị Sáu, Nguyễn Thông (phường 3). Còn ngã tư đường Hùng Vương, QL62 và Huỳnh Văn Gấm (phường 2) thì quá hẹp, trong khi đó, mật độ người và phương tiện qua lại liên tục, đông đúc. Nút giao thông QL62 giao với đường Huỳnh Văn Gấm thường xuyên có xe tải, container cỡ lớn lưu thông. Mỗi lần người đi xe máy dừng chờ đèn đỏ đều cảm thấy bất an khi có những xe container chạy qua phải cua gấp.

Còn ĐT831, qua Vĩnh Hưng và Tân Hưng còn một số cây cầu bằng mặt sắt, mặt gỗ tải trọng yếu, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, nhất là chịu tải các xe tải, container. ĐT818 có hơn 5 cầu bề ngang rất nhỏ, trọng tải yếu và không đồng bộ với mặt đường (cầu xây trước khi mở rộng đường) và không đáp ứng được trọng tải bởi bây giờ tuyến đường này có rất nhiều xe tải qua lại, vận chuyển hàng hóa.

Mặt khác, có những tuyến đường còn bị lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, vỉa hè, lề đường làm nơi buôn bán, cản trở giao thông, đang được Thanh tra Giao thông và chính quyền địa phương nỗ lực giải quyết, chấn chỉnh, lập lại trật tự. Còn có những tuyến đường giao thông đã được đầu tư, mặt đường mở rộng nhưng nhiều đoạn hệ thống thoát nước chưa có hoặc chưa bảo đảm./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết