Tiếng Việt | English

22/08/2018 - 10:20

Chủ động ứng phó với lũ

Trước những diễn biến thất thường của thời tiết, nhất là bão, lũ, nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất, thời gian qua, các cấp, các ngành chủ động ứng phó với thiên tai.

Gia cố đê, bảo vệ sản xuất

Hiện nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ trên 23.000ha lúa Thu Đông 2018, tập trung chủ yếu ở các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Trước tình hình lũ diễn biến phức tạp, tỉnh không chủ trương gieo sạ lúa vụ 3 ở những vùng đê bao không bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nông dân vẫn tự ý gieo sạ. Số diện tích này có nguy cơ bị ảnh hưởng khi mực nước tiếp tục tăng nhanh.

Tập trung gia cố đê bao bảo vệ lúa Thu Đông 2018

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng, tỉnh Long An - Trần Tấn Tài cho biết: “Từ đầu năm đến nay, khí tượng - thủy văn diễn biến phức tạp, tại địa phương, mùa mưa đến sớm hơn trung bình nhiều năm, kết hợp lũ gây ngập úng cục bộ một số khu vực, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Qua theo dõi của huyện, nước lũ bắt đầu đổ về từ đầu tháng 7 làm cho mực nước trên các kênh, rạch dâng cao. Hiện nay, nước đang dâng bình quân 3-5cm/ngày đêm. Theo dự báo của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, ngày 22-8-2018, mực nước lũ tại trạm Tân Hưng có khả năng trên mức 2,8m.

Trước tình hình lũ diễn biến phức tạp, huyện có Công văn số 631/UBND-KT về việc vận động nông dân không gieo sạ lúa vụ 3. Tuy nhiên, nông dân tự phát gieo sạ 2.885ha lúa vụ 3, tập trung ở các xã: Vĩnh Bửu (733ha), Vĩnh Châu A (2.020ha), Vĩnh Đại (105ha), Vĩnh Lợi (27ha). Hiện, trà lúa được 25-50 ngày tuổi, phát triển tốt. Toàn bộ diện tích lúa vụ 3 nằm trong vùng đê bao lửng, độ cao đê bao bình quân 30-50cm.

Nếu theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ở Tân Hưng xuất hiện đỉnh lũ giữa tháng 10 đạt cao trình +3.00m thì toàn bộ diện tích này có khả năng bị ảnh hưởng. Hiện, UBND huyện tập trung chỉ đạo các xã có lúa vụ 3 vận động người dân hiến đất nâng cao các tuyến đê bao để bảo vệ lúa”.

“Hiện nay, huyện phối hợp xã Vĩnh Bửu thi công 3 tuyến đê: Kênh Đoạn Vy, kênh 7 Thước, kênh 6 Bô; xã Vĩnh Châu A thi công 3 tuyến đê: Kênh số 13, kênh Ven Lửa, kênh Hậu Phước Xuyên và 2 đập ở kênh số 8, số 11. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã có lúa vụ 3 vận động nông dân thường xuyên theo dõi diễn biến lũ để bảo vệ lúa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra” - ông Tài thông tin thêm.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu A - Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Trước tình hình trên, xã chủ động triển khai họp dân ở các khu vực có gieo sạ lúa vụ 3 để vận động người dân hiến đất gia cố các tuyến đê xung yếu. Vì nếu mực nước cứ tiếp tục lên nhanh thì có nhiều tuyến đê không bảo đảm, có nguy cơ vỡ và nước tràn vào ruộng”.

Số diện tích thu hoạch xong, nông dân tiến hành trục, ngâm lũ. Ảnh: Võ Văn Huy

Ông Trương Văn Thanh, ngụ xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, chia sẻ: “Theo dự báo, năm nay, nước lũ về sớm và chính quyền địa phương không khuyến cáo gieo sạ lúa vụ 3 nên sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, gia đình tôi không gieo sạ tiếp để tránh thiệt hại như những năm trước. Nhiều ngày qua, trên loa truyền thanh xã có thông tin tình hình mưa, lũ và kêu gọi người dân chủ động ứng phó. Dù mấy năm qua, nhà tôi không bị ngập lũ nhưng năm nay, tôi nâng cao tinh thần cảnh giác, di dời đồ đạc lên cao, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với lũ”.

Đến nay, huyện Tân Thạnh gieo sạ khoảng 17.000ha lúa Thu Đông năm 2018, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và còn tiếp tục xuống giống. Đây là vụ sản xuất được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do gieo sạ quá trễ, thời gian thu hoạch vào khoảng nửa cuối tháng 10-2018, trùng vào thời kỳ mưa nhiều và xuất hiện đỉnh lũ.

Nhằm bảo vệ lúa Thu Đông không bị thiệt hại do sâu, bệnh và lũ gây ra, Phó Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Trí Dũng yêu cầu Phòng NN&PTNT phối hợp UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình nông dân gieo sạ lúa Thu Đông, nắm chắc diện tích từng khu vực, từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để có chỉ đạo chính xác trong phòng trừ dịch hại và phòng, chống lũ đạt hiệu quả cao nhất.

Trước mắt, tập trung tuyên truyền để nông dân nâng cao ý thức chủ động phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất; vận động nông dân kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu để chủ động gia cố, không nên chờ đến khi có lũ, đe dọa vỡ đê mới thực hiện, nhất là bảo vệ an toàn diện tích cây ăn quả, ao nuôi thủy sản.

Đồng thời, phối hợp Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi rà soát các khu, ô đê bao đang sản xuất lúa Thu Đông chưa bảo đảm an toàn trong mùa lũ, tổng hợp đề xuất UBND huyện tổ chức gia cố, nâng cấp trước khi lũ tràn về.

Nhiều diện tích lúa vụ 3 có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ

Theo dõi chặt chẽ

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng đề nghị: “Các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình thủy văn để phục vụ việc chỉ đạo xuống giống và triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ sản xuất; kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh. Đối với những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, lên phương án thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu ở vùng trũng và vùng ngoài đê bao.

Bên cạnh đó, các địa phương bố trí lực lượng tuần tra các tuyến đê bao xung yếu, tăng cường kiểm tra đê bao, gia cố ngay những đoạn đê bao cống đập còn thấp, chuẩn bị các trang thiết bị, máy bơm sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra.

Huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, bảo đảm chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), kịp thời bảo vệ sản xuất nông nghiệp khi tình trạng ngập lũ xảy ra.

Đồng thời, tập trung vận động các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao di dời nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn; thông báo rộng rãi tình hình mưa, lũ để người dân chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn”./.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 2-3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm, sau đó lên lại.

Đến ngày 24/8/2018, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 3,8m (dưới báo động 2 là 0,2m); tại Châu Đốc lên mức 3,3m (dưới báo động 2 là 0,2m). Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Long An.


Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết