Các đối tượng dịch hại cần chú ý trên lúa vụ Đông Xuân 2024-2025 là: Bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh cháy bìa lá, rầy nâu, sâu năn,... (Ảnh minh họa: Văn Đát)
Theo dự báo của ngành Khí tượng thủy văn, hiện nay chuẩn bị vào mùa khô, mực nước tại nhiều hồ chứa ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường, những tháng đầu năm 2025 có thể xảy ra hạn, thiếu nước cục bộ, nhất là tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhằm tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống sinh vật gây hại trên cây trồng, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, cũng như công tác phòng ngừa, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tập trung thực hiện các giải pháp về sản xuất trồng trọt tại Công văn 1754/TT-CCN, ngày 10/12/2024 của Cục Trồng trọt về việc chỉ đạo sản xuất trồng trọt trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2024-2025 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phân công công chức phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nắm chắc tình hình sản xuất, diễn biến tình hình sinh vật gây hại trên các cây trồng để có khuyến cáo kịp thời; phân công công chức trực, hướng dẫn, giải quyết các vấn đề phát sinh về phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Phối hợp cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời về tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng, nhất là các đối tượng gây hại trong dịp tết để người dân nắm biết và chủ động phòng trừ. Xây dựng Bản tin thời tiết nông vụ tại các huyện đang triển khai và kịp thời phổ biến rộng rãi Bản tin thông qua các kênh truyền thông đã xây dựng, để tới người nông dân nhanh nhất.
Đồng thời, tuyên truyền các tiến bộ khoa học kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất theo hướng GAP bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; khuyến cáo nông dân ứng dụng kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ, điều chỉnh việc tưới nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt.
Đối với Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn tại Công điện 128/CĐ-TTg, ngày 08/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công văn 66/UBND-KTTC, ngày 03/01/2025 về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Long An.
Bên cạnh đó, tổ chức theo dõi, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Kịp thời cập nhật, thông tin tình hình xâm nhập mặn của các tuyến sông trên website phòng, chống thiên tai của tỉnh (http: pctt.longan.gov.vn) và đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất; khuyến cáo người dân đo độ mặn trước khi lấy nước tưới ở những khu vực bị ảnh hưởng.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phân công cán bộ kỹ thuật trực trong thời gian trước, trong và sau tết; tổ chức thăm đồng, kiểm tra, nắm chắc diễn biến, phát hiện sớm và hướng dẫn nông dân các giải pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên các loại cây trồng kịp thời, hiệu quả.
Tăng cường giám sát theo dõi hệ thống giám sát sâu rầy thông minh để dự báo sinh vật gây hại. Các đối tượng dịch hại cần chú ý trên lúa Đông Xuân là: Bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh cháy bìa lá, rầy nâu, sâu năn,... (dự kiến có đợt rầy cám nở từ ngày 18-28/01/2025 (19-29/12 Âm lịch), chú ý theo dõi sâu năn trên các diện tích lúa gieo sạ trong tháng 12/2024 và tháng 01/2025).
Mặt khác, các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó tình hình hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2024-2025; theo dõi chặt chẽ thông tin tình hình chất lượng nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn trên sông, kênh, rạch; thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước,... của các cơ quan dự báo Trung ương, của tỉnh để chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn.
Những khu vực có vườn cây ăn trái đang ra hoa và đậu quả nhưng không đủ nguồn nước tưới có thể cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa, trái non... (Ảnh minh họa: Minh Tuệ)
Song song đó, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng sử dụng ít nước, nhất là tại các khu vực không chủ động được nguồn nước ngọt, thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước tưới vào mùa khô.
Đối với vườn cây ăn trái: Không tiến hành rải vụ và trồng mới các loại cây ăn quả trong điều kiện thiếu nguồn nước tưới để tránh thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Khuyến cáo nông dân tăng cường bón bổ sung phân hữu cơ, Sulphate Kali, lân, vôi bột, Canxi, Magie, Silic... Những khu vực có vườn đang ra hoa và đậu quả nhưng không đủ nguồn nước tưới có thể cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa, trái non, đồng thời ủ gốc, giữ ẩm đất bằng lá khô, rơm rạ, cỏ khô và các phụ phẩm nông nghiệp để hạn chế thoát hơi nước và tránh cây bị suy kiệt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, Đài truyền thanh địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sinh vật gây hại và có biện pháp quản lý phù hợp; tuyên truyền các thông tin cảnh báo hạn, mặn cũng như giải pháp cụ thể cho từng đối tượng cây trồng thông qua hệ thống truyền thông, tập huấn, hội thảo, tọa đàm,.../.
K.N