Tiếng Việt | English

17/09/2018 - 11:12

Chủ động phòng tránh bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), cuối năm 2017 đến nay, có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP), với trên 500.000 con heo buộc phải tiêu hủy. Đây là loại dịch bệnh trên động vật chưa từng được ghi nhận tại Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Bệnh DTHCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên heo, xảy ra ở mọi lứa tuổi và loại heo, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết 100%. Vi-rút gây ra bệnh DTHCP có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang vi-rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời. Do đó, nếu để xảy ra bệnh thì sẽ rất khó loại trừ được mầm bệnh. Hiện nay, chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh DTHCP nên chủ yếu phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển heo và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng. Theo thống kê, hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 170.000 con và có 42 lò giết mổ gia súc lớn cung cấp sản phẩm về TP.HCM tiêu thụ, bình quân mỗi đêm giết mổ từ 3.000-4.000 con.

Tăng cường kiểm tra, giám sát lò giết mổ

Trước tình hình trên, để tránh tình trạng dịch bệnh bùng phát vào các tháng cuối năm làm ảnh hưởng đến chăn nuôi phục vụ tiêu dùng, ngày 10/9/2018, UBND tỉnh Long An ban hành Văn bản số 4301/UBND-KT về việc chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTHCP. Theo đó, Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai Kế hoạch truyền thông, khử trùng, tiêu độc và phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2018; khẩn trương xây dựng kế hoạch “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 2 năm 2018”; tăng cường theo dõi, giám sát đàn vật nuôi của tỉnh, nhất là giám sát đàn heo tại địa phương, nếu phát hiện heo bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh DTHCP hoặc nghi là heo, sản phẩm heo nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu gửi đến Chi cục Thú y vùng VI để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; tổ chức chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh để có cơ sở cảnh báo, ứng phó dịch bệnh và lựa chọn các loại vắc-xin phòng bệnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương. Phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu và địa bàn có nguy cơ cao; phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trực tiếp đến từng vùng chăn nuôi trọng điểm để nắm bắt tình hình, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp cụ thể và tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào các loại dịch bệnh nguy hiểm: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dại ở động vật; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh. Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh triển khai các hoạt động đấu tranh, ngăn chặn việc buôn lậu động vật, sản phẩm động vật, nhất là heo và sản phẩm heo vào địa bàn tỉnh tiêu thụ./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết