Tiếng Việt | English

14/05/2018 - 19:28

Chủ động phòng, chống xâm nhập mặn để sản xuất hiệu quả

Do ảnh hưởng của kỳ triều cường kết hợp nắng nóng, thời gian qua, độ mặn trên các tuyến sông trong tỉnh biến động liên tục. Nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, tỉnh Long An triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, tích trữ nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Chủ động phòng, chống

Hiện nay, do đang trong kỳ triều cường kém và ảnh hưởng của mưa đầu mùa nên độ mặn trên các tuyến sông trong tỉnh tiếp tục giảm từ 0,10-1,30 gam/lít (g/l) so với tuần qua và cao hơn cùng kỳ năm 2017 từ 0,40-3,10g/l. Độ mặn các tuyến sông: Sông Rạch Cát 2,7-4,7g/l; sông Vàm Cỏ 1,8-4,2g/l; sông Vàm Cỏ Đông 0,7g/l; sông Vàm Cỏ Tây 0,4g/l; sông Tra 0,8g/l.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Võ Kim Thuần, để bảo đảm đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt, ngành đề nghị lãnh đạo các địa phương trong tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng nước; Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi các huyện phía Nam và TP.Tân An có kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời các cửa cống bị rò rỉ, tránh mặn xâm nhập vào nội đồng và thường xuyên theo dõi chất lượng nước trong nội đồng.

Chủ động phòng, chống hạn, mặn để sản xuất hiệu quả

Bên cạnh đó, các địa phương phải hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn dọc theo sông lớn, xây dựng các công trình ngăn mặn, chống lũ tại các điểm trọng yếu của vùng chuyên canh cây lúa, cây ăn trái của tỉnh, điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất; thông tin rộng rãi đến người dân về tình hình chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt an toàn, hiệu quả.

Bà Trần Thị Lan (ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chia sẻ: “Nhớ năm trước, do ảnh hưởng của hạn, mặn, năng suất lúa rất thấp, hạt lúa bị lửng, có nhiều nơi, thương lái không mua. Năm nay, trước các khuyến cáo của địa phương về tình hình xâm nhập mặn, người dân chúng tôi chủ động phòng, chống, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sử dụng nước tiết kiệm, ý thức bảo vệ môi trường, gieo sạ đúng lịch thời vụ”. Cần Đước là huyện hàng năm bị xâm nhập mặn sớm nhất và thường thiếu nước vào mùa khô. Trước tình hình trên, huyện tăng cường công tác đầu tư xây dựng các cống thủy lợi, nạo vét các kênh nội đồng nhằm bảo đảm tiêu úng, chống hạn. Vụ Hè Thu năm nay, huyện có kế hoạch gieo sạ trên 9.300ha.

Để chủ động nguồn nước, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết, phòng tham mưu UBND huyện thực hiện quy định về phân cấp công trình thủy lợi. Các trạm quản lý khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra, thông báo chất lượng nước trên sông và trong nội đồng, xây dựng lịch đóng, mở cống. Các cống đầu mối được triển khai về cho các xã, người dân biết để chủ động sản xuất, phòng, chống xâm nhập mặn vào đồng ruộng trong mùa khô, khuyến cáo người dân có kế hoạch dự trữ nước trong kênh, rạch, ao, mương phục vụ sản xuất. Đồng thời, khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện gieo sạ lúa theo lịch thời vụ, xuống giống tập trung, phòng, chống hạn, mặn. Cùng với đó, các ngành chức năng trong huyện, xã thường xuyên chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất, lồng ghép tuyên truyền để người dân nắm bắt, áp dụng, hạn chế sự ảnh hưởng của hạn, mặn đối với mùa vụ năm nay”.

Anh Phạm Văn Dẫm (ngụ xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) nói: “Gia đình tôi có 1ha đất, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa. Hiện, gia đình tôi đang làm đất chuẩn bị gieo sạ. So với những năm trước, hạn, mặn năm nay không cao, được địa phương khuyến cáo nên nông dân chúng tôi chủ động phòng tránh, trữ nước phục vụ sản xuất”.

Để sản xuất hiệu quả

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Để chủ động phòng, chống hạn, mặn trong vụ Hè Thu 2018, các địa phương cần tuân thủ lịch thời vụ: Đối với các vùng gò thiếu nước ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười và các huyện phía Nam, xuống giống đợt 2 từ ngày 22/5 - 01/6-2018; đối với những vùng không chủ động được nguồn nước, sử dụng nước trời, kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại và sẽ gieo sạ đợt 3 từ ngày 20 - 30/6-2018. Ngoài việc ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý đến các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Nhóm giống lúa chủ lực: OM 4900, OM 5451, nếp, Đài thơm 8, RVT, Nàng Hoa 9, OM 6976,... Sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình - khá: AS996, OM 5451, OM 6976, OM 1352-5,... cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn.

Địa phương thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng nước

“Để bảo đảm việc cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu 2018 và những năm tiếp theo, tỉnh tăng cường theo dõi, cập nhật các thông tin, dự báo về tình hình khí tượng - thủy văn, xâm nhập mặn phổ biến cho người dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt; chủ động triển khai các giải pháp ứng phó thiên tai với mục tiêu giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do tác động tiêu cực của hạn, xâm nhập mặn đến sản xuất và đời sống của người dân; kiểm tra thường xuyên các công trình thủy lợi đầu mối, khắc phục tình hình rò rỉ nước mặn vào nội đồng và có kế hoạch vận hành, điều tiết các cống đầu mối phục vụ tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất; kiểm tra, theo dõi tình hình hạn, xâm nhập mặn, xác định vùng thường xuyên thiếu nước để có hướng giải quyết về nguồn nước, trữ nước, phát huy công suất trạm bơm điện nhỏ và chuyển đổi cây trồng phù hợp; vớt, diệt lục bình trên các sông, rạch và kênh nội đồng để khơi thông dòng chảy, bảo đảm tưới, tiêu.

Rút kinh nghiệm từ diễn biến xâm nhập mặn thực tế những năm trước, năm qua, ngành thực hiện các công trình chống hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt: Nạo vét kênh, mương trữ nước ngọt, nâng cấp các tuyến đê chống lũ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tưới tiêu và ngăn lũ; đồng thời, đề xuất đầu tư thi công các công trình ngăn mặn thời gian tới” - ông Hoàng cho biết thêm./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết