Tiếng Việt | English

04/03/2019 - 10:54

Chủ động phòng, chống xâm nhập mặn

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Long An, hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với gió mạnh, triều cường cuối tháng Giêng và đầu tháng 2 âm lịch có khả năng đẩy độ mặn xâm nhập sâu, nhanh, mạnh vào các cửa sông và nội đồng. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên hệ thống các sông trong tỉnh có khả năng ở cấp độ 1.

Chủ động phòng, chống

Hiện nay, trước tình hình hạn, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, các địa phương tập trung chủ động phòng, chống để tránh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân (ĐX) 2018-2019 của nông dân. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Long An về tình hình độ mặn vùng hạ lưu tỉnh, trong tuần, độ mặn trên các sông, rạch xuất hiện vào những ngày cuối tuần, lên theo kỳ triều cường cuối tháng Giêng và đầu tháng 2 âm lịch. Ranh giới độ mặn 4 gam/lít sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 53km ở sông Vàm Cỏ Tây (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ; xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành), hơn 56km ở sông Vàm Cỏ Đông (xã Long Sơn, huyện Cần Đước; xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ). Ranh giới độ mặn 1 gam/lít sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 72km ở sông Vàm Cỏ Tây (phường 3, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An), hơn 75km ở sông Vàm Cỏ Đông (xã Thạnh Lợi, Lương Bình, huyện Bến Lức).

Nông dân thường xuyên theo dõi độ mặn

Tại các huyện phía Nam: Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành,... theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, tình hình xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ ĐX 2018-2019. Đến nay, toàn huyện Thủ Thừa gieo sạ 17.556ha lúa ĐX 2018-2019 (kế hoạch 17.393ha). Tuy nhiên, tại các xã phía Nam của huyện như Nhị Thành, Bình Thạnh, Mỹ An, Bình An, Tân Thành và thị trấn Thủ Thừa, chỉ gieo sạ khoảng 6.000ha, hiện trà lúa được 50 ngày tuổi và dự kiến cuối tháng 3/2019 sẽ thu hoạch. Thời gian tới, nếu tình trạng xâm nhập mặn, hạn, thiếu nước tăng cao có khả năng sẽ gây ảnh hưởng cho khoảng 1.000ha lúa ở xã Bình An và thị trấn Thủ Thừa do diện tích này không có đê bao và cống điều tiết ngăn mặn, trữ ngọt. Ông Nguyễn Văn Sang, ngụ xã Bình An, cho biết: “Hiện tôi có khoảng 0,5ha lúa ĐX bước vào giai đoạn thu hoạch. Trước tình hình xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, hàng năm, chúng tôi đều được chính quyền địa phương khuyến cáo chủ động phòng, chống ngay từ đầu vụ, gieo sạ đúng lịch, trữ nước ngọt cho sản xuất, sử dụng tiết kiệm nước, ý thức bảo vệ môi trường”.

Còn tại huyện Bến Lức, tổng diện tích gieo sạ vụ ĐX muộn của toàn huyện khoảng 1.300ha, tập trung ở các xã: Nhựt Chánh, Thạnh Đức, Tân Bửu, Thạnh Phú. Lúa đang trong giai đoạn đòng - trổ, khoảng cuối tháng 3-2019 sẽ thu hoạch hoàn toàn và theo dự báo sẽ không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng, đến nay, tổng diện tích gieo sạ của toàn huyện khoảng 5.040ha. Hiện lúa đang trong giai đoạn đòng - trổ, dự kiến thu hoạch vào cuối tháng 3-2019. Trước tình hình xâm nhập mặn hiện nay, địa phương chủ động tích trữ nguồn nước trên sông Nhựt Tảo để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các cống đầu mối ở khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông đã đóng kín để bảo đảm ngăn mặn. 

Tập trung theo dõi

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, để chủ động ứng phó tình hình xâm nhập mặn, đề nghị Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình chất lượng nước; đồng thời, tổ chức lực lượng cán bộ chuyên trách phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện phía Nam và TP.Tân An xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, thường xuyên kiểm tra và xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ, tránh nước mặn xâm nhập vào nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân được an toàn, hiệu quả. Các huyện cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng nước để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên các đài truyền thanh huyện, xã về tình hình chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông và trong nội đồng; đồng thời, khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn, tranh thủ lấy nước, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng khi nước mặn chưa xâm nhập vào các kênh nội đồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt an toàn. Đối với vụ mùa sắp tới, khuyến khích nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ, đồng loạt dứt điểm từng cánh đồng mà ngành nông nghiệp đã ban hành hoặc vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Cùng với đó, hướng dẫn nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiến bộ, sử dụng giống lúa xác nhận, giống chất lượng cao, giống lúa ngắn ngày chịu mặn. Nông dân tăng cường trữ nước ngọt trong mương; khi mặn xâm nhập, không nên sử dụng bơm tát cho ruộng lúa và cây trồng./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết