Tiếng Việt | English

25/11/2019 - 09:40

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm rất lớn. Vì vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An chủ động phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, nhất là dịch tả heo châu Phi (DTHCP).

Chủ động tiêm phòng

Hiện nay, trước tình hình DTHCP ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế DTHCP và thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống DTHCP. Đến nay, DTHCP được phát hiện tại 3.046 hộ, thuộc 689 ấp/khu phố, 177 xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy 77.868 con, ước kinh phí hỗ trợ tiêu hủy heo trên 135 tỉ đồng. Có 93/177 xã, phường, thị trấn; 2 huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường có DTHCP đã qua 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy cuối cùng.

Người chăn nuôi chủ động tiêm phòng vắc-xin để phòng bệnh cho đàn gia súc

Tại huyện Tân Trụ, thời gian qua, DTHCP gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ - Kiều Xuân Hải, đến cuối tháng 10/2019, toàn huyện có trên 15.000 con gia súc và hơn 300.000 con gia cầm. Sau khi có chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm dịp tết, trung tâm triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn với trên 150 lít thuốc sát trùng, tiêm phòng miễn phí vắc-xin cúm A/H5N1 trên vịt và tiêm có thu phí vắc-xin lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng trên bò. Song song đó, trung tâm phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường giám sát và triển khai chính sách hỗ trợ vắc-xin, phun thuốc khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để phòng bệnh trên gia súc, gia cầm. Hiện đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện vẫn đang được kiểm soát tốt, chưa có dấu hiệu của dịch bệnh.

“Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp các đài truyền thanh địa phương thông tin, tuyên truyền, vận động người dân, các hộ kinh doanh, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, tích cực khai báo với cơ quan thú y, chính quyền địa phương khi phát hiện có gia súc mắc bệnh, không giấu dịch, không bán, giết mổ heo mắc bệnh, không vứt xác gia súc chết ra sông, rạch, nơi công cộng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng” - ông Hải cho biết thêm.

Anh Bùi Tấn Đạt, ngụ xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, cho hay: “Gia đình tôi nuôi heo đã gần 20 năm. Hiện gia đình còn 4 con heo giống và gần 20 con heo thịt. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên tôi tích cực tham gia những buổi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh trên heo. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của cán bộ thú y huyện mà đàn heo của gia đình tôi được tiêm phòng đầy đủ, chuồng trại được xử lý sạch sẽ, bảo đảm an toàn trước mỗi lứa heo mới”. Ông Trần Văn Lạc, ngụ thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi gà đã nhiều năm, mỗi đợt nuôi từ 800-1.000 con. Tôi luôn chủ động phối hợp cán bộ thú y huyện để phòng, chống các loại dịch bệnh trên gà. Ngoài việc tiêm phòng theo kế hoạch, gia đình còn tăng cường tiêm phòng thêm trong dịp tết nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đàn gà”. 

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng thông tin, thời gian qua, phòng phối hợp các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập huyện, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán sản phẩm gia súc trên thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y; xử lý động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, phòng còn khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại; tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; chủ động tiêm phòng vắc-xin; thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm nhằm phát hiện dịch bệnh sớm để kịp thời xử lý.

Người chăn nuôi chủ động tiêm phòng vắc-xin để phòng bệnh cho đàn gia cầm

Tại huyện Tân Hưng, các địa phương chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện - Phan Văn Nỉ cho biết: “Nhằm chủ động đối phó với dịch bệnh xuất hiện dịp cuối năm, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm của huyện; ban hành các văn bản chỉ đạo đến các xã, thị trấn tăng cường công tác giám sát lâm sàng, phát hiện sớm ổ dịch để xử lý kịp thời, dập tắt nhanh khi dịch còn ở diện hẹp. Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp các đài truyền thanh cơ sở thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống đến người dân, giúp họ nắm thế chủ động, tránh những thiệt hại không đáng có”.

Anh Huỳnh Văn Tài, ngụ xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, nói: “Với tôi, lúc nào ngừa bệnh cũng tốt hơn là chữa bệnh. Do đó, tôi không bao giờ chủ quan hay lơ là với bất cứ dịch bệnh nào. Từ khi bắt đầu nuôi bò vỗ béo, tôi luôn tuân thủ theo đúng những khuyến cáo của ngành, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo lịch và vệ sinh, khử trùng chuồng trại thường xuyên để chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất. Dự kiến, đàn bò của gia đình tôi sẽ xuất bán vào dịp tết”.

Tăng cường phối hợp

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tiêm phòng, chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, LMLM, tai xanh ở gia súc và các bệnh khác; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông, khử trùng, tiêu độc và phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2020. Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác cảnh báo dịch tễ, giám sát, kiểm tra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; phát hiện nhanh và có biện pháp xử lý triệt để ngay từ đầu đối với các ổ dịch nghi ngờ hoặc bệnh có triệu chứng điển hình nhằm ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra sản phẩm động vật xuất, nhập vào địa bàn

Để thực hiện tốt công tác giám sát, báo cáo dịch, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh phân công cán bộ bám sát cơ sở để nắm chắc tình hình chăn nuôi; đôn đốc các địa phương tăng cường công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là dịch LMLM, DTHCP và cúm gia cầm; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh và báo cáo dịch, thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi. Thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng các huyện, thị xã, thành phố tích cực thông tin, tuyên truyền đến toàn thể nhân dân, nhất là người chăn nuôi, người giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm về nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như DTHCP, tai xanh ở heo, LMLM gia súc, cúm gia cầm,... Vận động người chăn nuôi khi phát hiện gia súc, gia cầm có biểu hiện bệnh, chết bất thường phải thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để kiểm tra, xác định bệnh; không bán chạy, không vứt xác gia súc, gia cầm chết ra môi trường; không giết mổ gia súc, gia cầm bệnh chết làm thực phẩm,... Chỉ đạo chính quyền cơ sở, nhất là lực lượng ấp, xã, mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, kiểm tra nắm chắc tình hình chăn nuôi và dịch bệnh gia súc, gia cầm; vận động các tổ chức, đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát dịch, giám sát các cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, không giấu dịch; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó dập dịch ngay khi dịch xảy ra, không để lây lan ra diện rộng; hướng dẫn, vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng bổ sung vắc-xin cho đàn vật nuôi đầy đủ, đúng quy trình”./.

Hiện toàn tỉnh Long An có 110.000 con heo, giảm 41,6%; 7.300 con trâu, giảm 2,59%; 125.000 con bò, tăng 8,8%; 9 triệu con gia cầm, tăng 10,5% so cùng kỳ năm 2018.

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết