Tiếng Việt | English

26/09/2018 - 14:20

Chủ động phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi

Trước tình trạng bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các địa phương chủ động phòng, chống nhằm ngăn ngừa bệnh lây nhiễm sang đàn heo.

Quản lý đàn heo trong tỉnh

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018, bệnh DTHCP xuất hiện ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, buộc phải tiêu hủy 500.000 con heo. Hiện bệnh DTHCP chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng nguy cơ bệnh xâm nhiễm vào nước ta rất cao.

Hướng người dân chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh

Toàn tỉnh hiện có khoảng 170.000 con heo, giảm 36% so cùng kỳ năm 2017; 42 cơ sở giết mổ, mỗi ngày tiêu thụ 3.000-4.000 con gia súc. Theo Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bến Lức - Lưu Phước An, hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm là mối đe dọa tiềm ẩn với chăn nuôi. Đặc biệt, bệnh DTHCP hiện chưa có thuốc phòng trị. Do đó, cách tốt nhất để ngăn bệnh xâm nhiễm là các lực lượng chức năng tăng cường giám sát các lò giết mổ trên địa bàn tỉnh, thực hiện đồng bộ việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các điểm chăn nuôi, buôn bán, giết mổ; đồng thời, người chăn nuôi thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học.

Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Trụ - Trần Văn Ngộ cho biết: “Đầu năm 2018 đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở huyện tương đối ổn định. Để phòng ngừa bệnh DTHCP xâm nhiễm, huyện đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh dịch tả heo cho người chăn nuôi biết và ngăn ngừa; tăng cường kiểm soát, giám sát các lò giết mổ trên địa bàn; hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để đạt hiệu quả kinh tế cũng như năng suất cao, nhằm ngăn ngừa vi sinh vật gây bệnh và các yếu tố nguy hiểm cho sức khỏe heo không lan truyền theo 3 hướng: Từ bên ngoài vào trại/hộ chăn nuôi, giữa các con heo trong đàn và từ trại/hộ ra môi trường hoặc sang trại/hộ khác”.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh - Phan Ngọc Châu thông tin: “Ngay khi UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTHCP, chi cục phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền đến người dân và chủ động phòng, chống bệnh ngay tại hộ; khuyến cáo đến các hộ chăn nuôi, khi tái đàn phải mua heo giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh, thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường và hệ thống chuồng trại trong quá trình chăn nuôi. Bên cạnh đó, công tác giám sát dịch bệnh được tăng cường tại cơ sở, khi phát hiện heo có những triệu chứng bệnh giống với bệnh DTHCP thì triển khai ngay các biện pháp dập dịch. Thời gian này, chi cục kiểm soát chặt chẽ việc mua bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu cao nhất là chủ động ngăn ngừa, không để phát sinh dịch bệnh dẫn đến khó kiểm soát và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi của tỉnh”.

Tăng cường kiểm soát các lò giết mổ, nguồn gốc, xuất xứ heo khi vào địa bàn tỉnh

Chủ động phòng, chống

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, bệnh DTHCP không tự lây lan, phát tán nhanh so với một số mầm bệnh khác. Tuy nhiên, vi-rút bệnh này có thể gây chết heo với tỷ lệ rất cao và hiện chưa có vắc-xin, thuốc điều trị được bệnh này. Hiện giải pháp phòng bệnh là nâng cao vai trò, ý thức của người dân trong việc vận chuyển heo và các sản phẩm của heo; thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học; khi phát hiện heo mắc bệnh, phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống, giám sát dịch bệnh; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; triển khai hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh động vật; giám sát chặt chẽ việc vận chuyển heo trong nội địa, các lối mòn, lối mở, cửa khẩu; ngăn chặn hiệu quả việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm của heo không rõ nguồn gốc vào địa bàn; thường xuyên kiểm tra nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển heo, phát hiện kịp thời heo mắc bệnh và xử lý theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát lò giết mổ

“Phấn đấu năm 2019, tổng đàn heo đạt 230.000 con, hạn chế dịch bệnh xảy ra, ngành tuyên truyền, ngành chức năng vận động người chăn nuôi thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua heo bệnh, sản phẩm của heo bệnh; không bán chạy heo bệnh; không vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng có dịch; không vứt bừa bãi xác heo bệnh ra môi trường); từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán sang chăn nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; tăng cường theo dõi đàn heo, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi như hàng ngày vệ sinh chuồng trại, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi. Con giống đưa vào nuôi phải khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly theo dõi. Đối với heo mua về với mục đích làm con giống phải khai báo với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã, thành phố để có kế hoạch kiểm tra, giám sát; thường xuyên chăm sóc, có chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn heo; thức ăn, nước uống dùng trong chăn nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y;...” - bà Phương Khanh cho biết thêm./.

"Vi-rút bệnh dịch tả heo châu Phi có thể gây chết heo với tỷ lệ rất cao và hiện chưa có vắc-xin, thuốc điều trị được bệnh này. Hiện giải pháp phòng bệnh là nâng cao vai trò, ý thức của người dân trong việc vận chuyển heo và các sản phẩm của heo; thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học; khi phát hiện heo mắc bệnh, phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết