Tiếng Việt | English

28/04/2018 - 08:38

Chủ động các giải pháp phòng, chống hạn, mặn

Hạn, xâm nhập mặn được đánh giá không quá phức tạp như những năm trước nhưng các ngành, địa phương trong tỉnh không chủ quan, tập trung nhiều giải pháp phòng, chống để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn, giảm các thiệt hại về kinh tế nếu có.

Thi công công trình ngăn mặn

Chủ động phòng, chống

Nhớ lại năm 2016, tình hình hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhiều diện tích sản xuất của người dân bị thiếu nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Bên cạnh đó, các huyện vùng hạ của tỉnh thiếu nước ngọt sinh hoạt, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian gần đây, hạn, mặn không quá gay gắt; riêng năm 2018, hạn, mặn chậm hơn so với các năm và dự báo không quá phức tạp. Tuy nhiên, các ngành, địa phương, người dân không lơ là trong việc phòng, chống và có kế hoạch từ đầu năm để triển khai, thực hiện.

“Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, gia đình tôi chủ động phối hợp địa phương phòng, chống hạn, mặn. Gia đình tôi sản xuất theo lịch khuyến cáo của ngành chức năng, luôn theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để nắm tình hình” - ông Nguyễn Văn Hoàn, ngụ xã Long An, huyện Cần Giuộc, chia sẻ.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc - Đặng Văn Công cho biết: “Ngay từ đầu năm, huyện chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí kinh phí nạo vét một số tuyến kênh để lấy nước phục vụ sản xuất, tránh thiếu nước vào mùa khô. Nước sinh hoạt của người dân cũng được cải thiện, nhất là ở các xã vùng hạ, vì nhiều dự án cấp nước hoàn thành, đưa vào sử dụng và người dân ý thức cao trong việc phòng, chống hạn, mặn. Hiện nay, trên địa bàn, nguồn nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Để công tác phòng, chống hạn, mặn đạt kết quả, huyện kiến nghị cấp trên nghiên cứu điều chỉnh chuyển các cửa cống đóng, mở tự động sang đóng, mở cưỡng bức nhằm chủ động trong vận hành phục vụ sản xuất; xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi Rạch Chanh - Trị Yên để bổ sung nguồn nước cho huyện phục vụ sản xuất trong thời gian mùa khô; đầu tư kết hợp trạm bơm vừa phục vụ bơm tưới, vừa phục vụ chống úng do mưa lớn; sớm triển khai thi công các cống trên tuyến đê bao dọc sông Mồng Gà (xã Trường Bình), tuyến đê bao Trường Long (xã Long An) và Ông Hiếu (xã Đông Thạnh và Tân Tập), cống cầu Lớn trên đê Trường Long (xã Trường Bình)”.

Theo thông tin từ UBND huyện Tân Trụ, nguồn nước trữ trong các sông, rạch của hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ đủ tưới cho diện tích lúa trên địa bàn. Riêng cây thanh long diện tích gần 600ha, hiện nguồn nước đủ cung cấp tưới, nhưng nếu nắng hạn kéo dài thì khả năng thiếu nguồn nước tưới có thể xảy ra. Đến nay, một số cống đầu mối trên địa bàn huyện: Thôn Thành, Ông Hóng,... đã đóng để ngăn mặn.

Nhằm chủ động nguồn nước, huyện đề nghị, đối với một số cống được đầu tư từ trước ở xã Nhựt Ninh, cần nâng cấp đường dẫn vào cống do hàng năm bị ngập úng khi triều cường lên cao; trải sỏi đỏ mặt đê tuyến đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây đoạn 2 nhằm hạn chế tình trạng sạt lở mặt đê. Về lâu dài, huyện đề nghị Chi cục Thủy lợi tỉnh nghiên cứu tham mưu, đề xuất đầu tư Trạm bơm cống Bà Phổ và nạo vét rạch Cây Gáo để điều tiết nước bổ sung cho hệ thống Nhựt Tảo - Tân Trụ phục vụ diện tích sản xuất trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ nạo vét các kênh, rạch nhằm phục vụ công tác chống úng, hạn, xâm nhập mặn tại xã Bình Trinh Đông, Nhựt Ninh,...

Đồng bộ giải pháp công trình

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Phan Văn Liêm thông tin: Dự báo tình hình hạn, mặn năm 2018 không gay gắt như những năm trước, nhưng tỉnh vẫn chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn, mặn. Theo đó, tỉnh tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi theo tính hệ thống phục vụ đủ nước tưới cho các khu vực nằm cuối nguồn; theo dõi tình hình, cập nhật dự báo hạn, mặn hàng ngày, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, tỉnh chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai; khuyến cáo người dân gieo sạ đúng lịch thời vụ; thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, vùng thiếu nước để có biện pháp kịp thời; vớt, diệt lục bình trên các sông, rạch, kênh nội đồng, khơi thông dòng chảy; vận động người dân đắp các mương nhỏ giữ nước trên ruộng; liên hệ với hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa tăng lượng nước xả xuống sông Vàm Cỏ Đông để kịp thời đẩy mặn.

Một số dự án nước hoàn thành giúp cải thiện tình trạng thiếu nước cho người dân vùng hạ (ảnh chụp tại huyện Cần Giuộc)

Đặc biệt, tỉnh rà soát, rút kinh nghiệm từ diễn biến hạn, mặn của những năm trước để thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình: Đề xuất, thi công các công trình ngăn mặn trước mắt và lâu dài; tu bổ, sửa chữa, nạo vét các công trình thủy lợi cấp thiết,... nhằm bảo đảm nước sản xuất và sinh hoạt, tránh tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ngoài ra, nhằm chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng, chống thiên tai xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện danh mục các dự án, công trình phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 - ông Phan Văn Liêm thông tin thêm.

Trong chuyến công tác tại Long An (ngày 19/4/2018), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Lợi - Đỗ Văn Thành đánh giá cao các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn năm 2018 của tỉnh. Ông đề nghị tỉnh không được chủ quan, tiếp tục theo dõi tình hình, nắm bắt diễn biến của hạn, mặn để có biện pháp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”.

Năm 2018, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện từ  đầu tháng 01/2018, trễ hơn 2 tuần so với kỳ năm 2017. Tính từ đầu năm 2018 đến ngày 15/4, độ mặn trên các tuyến sông trong tỉnh dao động từ 0,10-13,5g/l, so với kỳ năm 2017 thấp hơn từ 0,10-2,30g/l./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết