Tiếng Việt | English

08/10/2016 - 02:10

Chọn giống lúa thương hiệu quốc gia để tìm ra gạo Việt ngon

 

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm gạo chất lượng. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Tìm hướng đi vững chắc cho thị trường lúa gạo Việt Nam chính là nội dung cốt lõi của cuộc Hội thảo Phát triển thị trường cho gạo Việt sạch và nông sản an toàn - hữu cơ do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức sáng nay (7/10), tại Hà Nội.

Chương trình nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2016 với chủ đề “Thực phẩm - nông sản sạch.”

Bình tuyển giống

Đề xuất hướng đi vững chắc của gạo ngon cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Giáo sư Võ Tòng Xuân – chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp cho rằng, ngành nông nghiệp cần chọn giống lúa mang thương hiệu quốc gia, đặt tên giống quốc gia cho các giống đã chọn. Đồng thời tổ chức theo chuỗi giá trị sản xuất mỗi loại gạo trong số giống đã chọn, tiến hành xúc tiến thương mại và phân phối đến khách hàng.

Phát biểu tại buổi Hội thảo Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng chỉ rõ, trước mắt ngành nông nghiệp cần thực hiện bình tuyển ngay trong quần thể các giống đang phổ biến chọn ra 2-3 giống/mỗi nhóm được ưa chuộng nhất mang thương hiệu Việt Nam.

Theo đó, các giống này cần chọn căn cứ trên năng suất, chu kỳ sinh trưởng, tính kháng sâu bệnh, khẩu vị. Có 3 nhóm bao gồm gạo lúa cao sản (cho người dùng thu nhập thấp), gạo đặc sản (cho người dùng có thu nhập khá, cao) và gạo nếp.

Còn về lâu dài, sẽ áp dụng công nghệ lai tạo nhằm cải tiến các giống đã chọn để có thêm đặc tính giống theo nhu cầu thị trường.

Mặt khác, chuyên gia này cũng đề xuất thêm việc thực hiện tổ chức theo chuỗi giá trị sản xuất cần nhận diện doanh nghiệp sản xuất gạo có thương hiệu, quy hoạch cụm nông dân sản xuất lúa nguyên liệu cho doanh nghiệp ví dụ như lập hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, nông trường cung ứng lúa nguyên liệu và lựa chọn nhà máy chế biến gạo đạt chuẩn chất lượng, thực hiện đóng gói, bao bì với nhãn hiệu.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần thơ) cũng cho rằng, thực phẩm sạch nói chung, gạo sạch nói riêng đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Theo đại diện của Công ty Trung An, việc sản xuất, canh tác, nuôi trồng để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa nông sản sạch, cung cấp cho người tiêu dùng là con đường tất yếu của thời đại, bất kể quốc gia nào muốn tồn tại, phát triển và hội nhập cũng phải thực hiện, nếu không sẽ bị loại ra khỏi cuộc đua cạnh tranh vô cùng gay gắt, trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay đang diễn ra trên toàn cầu.

Hình thành chuỗi giá trị

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng đánh giá, thực tế nông nghiệp an toàn – hữu cơ ở nước ta còn quá nhỏ bé, các doanh nghiệp vừa nhỏ về quy mô, vừa ít về số lượng và hầu như chưa nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước nên chưa có lãi, chưa thu hút các nhà đầu tư.


Dây chuyền đóng gói gạo đặc sản tại Đồng Tháp. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

“Phần lớn các sản phẩm an toàn-hữu cơ tiềm năng của Việt Nam đều nằm ở các vùng khó khăn về giao thông, điều kiện bảo quản, tạm trữ, chế biến không thuận lợi. Do vậy nhà nước cần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng cho chế biến phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh vật tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển,” Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Đề cập đến vấn đề này Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, các cấp lãnh đạo cũng cần giúp mọi nông dân đạt đến mục đích cuối cùng là hạ giá thành, tăng lợi tức và cải tiến cuộc sống văn minh hiện đại. Gắn kết nhà doanh nghiệp với nhà nông để đảm bảo người nông dân có “đầu ra” ổn định và các doanh nghiệp luôn luôn có nguyên liệu thật đúng chất lượng và ổn định.

Đồng thời theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, đối với ngành gạo Việt Nam cần được nhà nước quan tâm tổ chức sản xuất theo đúng chuẩn thương mại quốc tế mới bảo đảm lương thực an toàn cho nhân dân và sản phẩm xuất khẩu được thế giới tin dùng. Không nên để cho các thành viên tham gia thị trường hoạt động một cách tự phát, không tổ chức, không kiểm tra như hiện nay.

“Giải pháp thuận lợi nhất là tổ chức gắn nhà nông với nhà nông trong hợp tác xã kiểu mới; gắn hợp tác xã với doanh nghiệp trong một cơ chế theo chuỗi giá trị. Chấm dứt kiểu làm chộp giật, pha trộn, sản phẩm không rõ nguồn gốc như hiện nay.” Giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết