Tiếng Việt | English

11/07/2016 - 11:17

Chợ mới bỏ hoang, chợ tạm ọp ẹp lại nhộn nhịp

Hiện nay, nhiều chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An được xây dựng khang trang nhưng lại bỏ hoang, còn những khu chợ tạm ọp ẹp lại buôn bán khá nhộn nhịp.

Chợ Thuận Hiệp, xã Tân Hiệp bị bỏ hoang

Nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán, phục vụ đời sống người dân cũng như thực hiện chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chi hàng tỉ đồng để xây dựng chợ. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều chợ sau khi xây dựng khang trang lại bỏ hoang, không người buôn bán. Điển hình như chợ Thuận Hiệp tại xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa.

Năm 2008, chợ Thuận Hiệp được huyện Thạnh Hóa đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 1 tỉ đồng nhằm phục vụ nhu cầu kinh doanh, buôn bán của người dân 2 xã Thuận Bình và Tân Hiệp. Tuy nhiên, đến nay, chợ luôn trong tình trạng “vắng lặng, đìu hiu” và trở thành nơi sinh hoạt của không ít gia đình. Do bỏ trống nên chợ xuống cấp dần theo thời gian.

Bà Trần Thị Thanh Hồng, tiểu thương ở xã Tân Hiệp chia sẻ: Khi chợ mới thành lập cũng rất nhộn nhịp, tuy nhiên, chỉ sau gần 1 năm kinh doanh, các tiểu thương này lại dời về chợ tạm ở xã Thuận Bình, vì người dân chỉ tập trung đi chợ ở chợ tạm. Riêng các tiểu thương ở xã Tân Hiệp thì dựng mái che để buôn bán. Các tiểu thương này cũng muốn vào bán ở chợ Thuận Hiệp cho khang trang, sạch sẽ nhưng không được, vì các gian hàng trong chợ đều được các tiểu thương khác mua và bán lại với giá gấp đôi. Tôi nghĩ, Nhà nước cần sắp xếp, tổ chức lại chợ và thu hồi những gian hàng được các tiểu thương mua mà bỏ hoang không hoạt động để bán lại cho tiểu thương thật sự muốn vào kinh doanh”.

Chợ mới được đầu tư khang trang, sạch sẽ thì bị bỏ hoang; trong khi đó, cách chợ Thuận Hiệp khoảng 1km, hoạt động buôn bán tại khu chợ tạm xã Thuận Bình lại diễn ra khá nhộn nhịp dù các gian hàng được bày bán tạm bợ, ọp ẹp,... Chị Võ Thị Quê, ngụ ấp 2, xã Tân Hiệp, tiểu thương chợ tạm xã Thuận Bình bày tỏ: “Trước đây, tôi cũng dời về chợ Thuận Hiệp để buôn bán. Khi ấy, có khoảng 50% tiểu thương bán ở chợ Thuận Hiệp, còn lại 50% bán ở chợ tạm này. Không hiểu sao, người dân vẫn qua chợ tạm để mua, còn chợ khang trang thì thưa vắng khách. Vì vậy, tôi phải dời về đây bán”.

Dù điều kiện vật chất không bảo đảm nhưng các tiểu thương vẫn bán ở chợ tạm

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp - Lê Hoàng Hải cho biết: “Xây dựng chợ xong, chúng tôi vận động tiểu thương vào buôn bán được một thời gian nhưng không sung túc. Sau đó, các tiểu thương đều bỏ chợ, trở về chợ tạm Thuận Bình buôn bán. Khi ấy, chúng tôi nghĩ rằng, do chưa xây dựng cầu nên người dân gặp khó khăn trong giao thương, vận chuyển hàng hóa. Nhưng khi cầu xây dựng xong, vẫn không ai chịu vào chợ để bán mà vẫn tập trung buôn bán ở chợ tạm”.

“Khắc phục những bất cập này, chúng tôi có văn bản đề nghị UBND huyện giải quyết theo 2 hướng: Thứ nhất, kiên quyết giải tỏa chợ tạm, vận động tất cả tiểu thương về chợ Thuận Hiệp để kinh doanh, buôn bán, tuyệt đối không cho phát sinh chợ tạm nữa; Thứ hai, chuyển đổi công năng chợ Thuận Hiệp và quy hoạch xây dựng chợ mới ở phía chợ tạm” – ông Lê Hoàng Hải cho biết thêm.

Xây dựng chợ là điều cần thiết, tuy nhiên, để chợ phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH thì chính quyền địa phương cần nghiên cứu kỹ địa điểm trước khi xây dựng. Xây dựng chợ phải thực sự xuất phát từ nhu cầu và phù hợp với tập quán, thói quen tiêu dùng cũng như điều kiện thực tế của địa phương thì mới tạo được sự đồng thuận trong dân. Cần tránh tình trạng xây chợ theo phong trào, gây lãng phí./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết