Tiếng Việt | English

03/03/2018 - 05:53

Chính sách cải cách thuế mới liệu có lợi nhiều cho kinh tế Mỹ?

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết bà nhận thấy cả những tác động tích cực và tiêu cực từ chính sách cải cách thuế "phức tạp" của Mỹ, trong đó có việc thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn có nguy cơ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới phát triển quá nóng và nợ gia tăng. 

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày 1/3, Tổng Giám đốc Lagarde cho rằng chính sách cắt giảm thuế có thể giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng thêm khoảng 1,2 điểm phần trăm từ năm nay đến năm 2020, qua đó sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trên toàn cầu trong ít nhất vài năm. 

Tuy nhiên, người đứng đầu IMF cảnh báo kế hoạch kể trên có nguy cơ tác động đến lạm phát.

Bà giải thích chính sách cắt giảm thuế của Mỹ sẽ là cú hích đối với tăng trưởng, trong khi nền kinh tế Mỹ đã và đang "vận hành hết công suất," vì vậy nên có thể khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng quá nóng. 

Điều đó khiến tiền lương gia tăng, tác động đến lạm phát và cuối cùng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ, với lãi suất được nâng lên. 

Trong buổi điều trần gần đây trước Quốc hội Mỹ, tân Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sẽ kiên định với lộ trình nâng lãi suất “dần dần” trong năm nay. 

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 1/3, Chủ tịch Jerome Powell nói không có bằng chứng cho thấy kinh tế Mỹ đang quá "nóng" và dự kiến Fed vẫn sẽ tăng lãi suất dần. 

Trong các phát biểu tuần này, ông Powell cam kết cân bằng giữa việc tránh để giá tăng mạnh trong khi duy trì đà phục hồi để sự gia tăng việc làm cuối cùng sẽ đưa đến việc lương tăng đáng kể. 

Tuy nhiên, bà Lagarde cho biết lãi suất tăng lên sẽ khiến luồng vốn bị rút chuyển khỏi các thị trường mới nổi. 

Tình trạng dòng vốn “tháo chạy” bất ngờ và ồ ạt 20 năm trước đã buộc IMF phải sử dụng các chương trình cứu trợ tài chính và không ít quốc gia Đông Nam Á phải thực hiện các chính sách “thắt lưng buộc bụng.”

Nhưng mối quan ngại lớn hơn, theo Tổng Giám đốc IMF, là thâm hụt ngân sách và nợ của Mỹ gia tăng, yếu tố khiến nhịp độ tăng trưởng sẽ bị cắt xuống từ năm 2022. 

Bà Lagarde tỏ ý phấn khích trước những diễn biến thương mại gần đây, trong đó có việc 11 nước thành viên ven Thái Bình Dương thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) được thúc đẩy, mặc dù vẫn còn đó những quan ngại rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp đặt mức thuế mới đối với các mặt hàng nhôm và thép. 

Quan chức này cho rằng các quy tắc và luật về thương mại quốc tế cần được tôn trọng, trong đó có các luật lệ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng chúng cũng cần được cập nhật liên tục để phù hợp với bối cảnh kinh tế biến đổi không ngừng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết