Quang cảnh phiên họp thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021... (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ngoài việc hoàn thiện chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, tránh “đứt gãy” nền kinh tế.
Đầu tư y tế cơ sở - trụ cột phòng dịch COVID-19
Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào sáng 8/11, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, đó là phải thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, chứ không theo đuổi chính sách “Zero COVID.”
Bên cạnh đó, bà Hoa kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, Chính phủ cần thực hiện 6 mục tiêu lớn gồm 1 tăng (tăng tỷ lệ bao phủ vaccine), 2 giảm (giảm tỷ lệ mắc COIVD-19, giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19), 3 bảo đảm (bảo đảm phục hồi kinh tế-xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh; bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội; bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh như sức khỏe tinh thần của người dân, học sinh, sinh viên hay tình trạng thiếu lương thực ở một số bộ phận người dân nghèo, tình trạng gia tăng người vô gia cư tại một số thành phố lớn.)
Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ cần quan tâm tới hệ thống y tế cơ sở, bởi đây là trụ cột phòng chống dịch nhưng thời gian qua chưa được đầu tư thích đáng, vừa thiếu vừa yếu nên khi chống dịch rất vất vả.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng điều kiện cách ly, tự cách ly và chi phí cách ly tại nhà đối với người bị COVID-19 sẽ giảm chi phí cách ly tập trung cho chính quyền địa phương và Nhà nước.
Muốn làm việc này, theo đại biểu Thắng, Chính phủ phải có cơ chế, tập trung đầu tư y tế cơ sở đủ sức quản lý, kiểm soát và hướng dẫn để có được sự đồng thuận của người dân trong công cuộc phòng chống lâu dài với dịch bệnh.
“Bài học dân là gốc, sức mạnh từ nhân dân là phương châm hành động để huy động sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến phòng chống dịch; trong đó cần quy định cụ thể về việc huy động các nguồn lực, cơ chế quản lý rõ ràng và minh bạch, tránh lùm xùm như hoạt động thiện nguyện thời gian vừa qua,” vị đại biểu đoàn Quảng Trị nhấn mạnh.
Từ đó, đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ cần đánh giá một cách đầy đủ những việc đạt được và chưa được để xây dựng nhóm chính sách mới, trong đó chuyển từ Nhà nước chủ đạo sang nhân dân. Bởi theo đại biểu này, việc thay đổi phương thức chống dịch là cần thiết, thay tập trung cách ly bằng các giải pháp linh hoạt khoanh vùng dập dịch nhanh, với tư duy không lơ là; mở cửa cho doanh nghiệp và người dân khôi phục kinh tế, phòng chống dịch đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cho rằng việc phân bổ số lượng vaccine hiện chưa đồng đều, tại nhiều địa phương ở vùng nguy cơ cao nhưng lượng vaccine còn ít, không đủ. Hệ thống y tế còn bộc lộ yếu kém, nhất là y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra, số lượng bác sĩ còn thấp, lưu lương y tế tại chỗ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu...
Mặt khác, bà Linh thừa nhận vẫn còn nhiều đối tượng khó khăn chưa nhận được gói hỗ trợ an sinh xã hội, thủ tục hỗ trợ còn phức tạp rườm rà, tiến độ giải ngân chậm, quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất.
Sớm có các chính sách đồng bộ phục hồi kinh tế
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho biết trong lúc này, Nhà nước phải thực sự “tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng,” cần có cơ chế thu hút tối đa nguồn lực từ xã hội, người dân; triển khai ngay các chính sách phục hồi khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là các địa phương trọng điểm như Đồng Nai có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, tránh đứt gãy, thiếu hụt lao động và chuyên gia; thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc an toàn; có các gói khuyến khích kinh tế liệu lượng hợp lý, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp.
“Mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhưng lợi nhuận của các ngân hàng còn cao, chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận tín dụng ưu đãi,” đại biểu An chỉ rõ điểm bất cập.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) đề nghị Chính phủ cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống không bình thường.
"Chúng ta nên mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước,” đại biểu Khải nhấn mạnh.
Nhìn lại thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cũng cho rằng 2 năm qua, thị trường lao động đã đối mặt với nhiều khó khăn.
Vì thế, bên cạnh việc đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, đại biểu Đoàn Quảng Bình kiến nghị Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, mở rộng đào tạo hướng nghiệp, hỗ trợ người lao động, góp sức phát triển kinh tế; có các biện pháp hỗ trợ, tạo lập các nhóm tương trợ cho người lao động khi con cái họ chưa được đi học.
Khẳng định vấn đề cải cách thể chế kinh tế là nhân tố quan trọng củng cố niềm tin doanh nghiệp, nhà đầu tư, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn thành phố Hải Phòng) bày tỏ quan điểm Chính phủ cần có cách làm đột phá, tránh tình trạng làm nhiều nhưng cải cách chưa tương xứng.
Dẫn chứng dịch COVID-19 làm thay đổi chuyển đổi số, mở ra các cơ hội phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, hướng đến hội nhập; trong đó có mô hình khu công nghiệp sinh thái nhằm thu hút tối đa nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, song đại biểu Thanh Tân đánh giá việc hoàn thiện thiện chế tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, ban quản lý khu công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư liên kết hợp tác.
Vì vậy, đại biểu Thanh Tân đề nghị Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi cần thiết hơn cho doanh nghiệp nhằm tạo sự đột phá; nghiên cứu xem xét thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu doanh nghiệp áp dụng tương tự khu kinh tế…/.
Nhóm PV (Vietnam+)