Với việc các quốc gia Trung và Đông Âu vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 trong khi đó việc triển khai vaccine của EU lại diễn ra khá chậm chạp đã khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao tình trạng thiếu vaccine lại tập trung ở khu vực phía Đông châu Âu mà không phải ở khu vực khác. Điều này đã khiến vaccine của Nga và Trung Quốc nhanh chóng trở thành một vấn đề ngoại giao của khu vực khi nhiều quốc gia Đông Âu đã đánh tiếng về mong muốn sở hữu hai loại vaccine này dù vẫn chưa được EU phê duyệt.
Ảnh minh họa
Một số nước Đông Âu tìm kiếm nguồn vaccine độc lập với EU
Séc là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng bởi chiến lược ngoại giao vaccine khi Thủ tướng Séc Andrej Babis gần đây đã gây sự chú ý của dư luận với chuyến thăm đến Hungary, một đồng minh quan trọng trong Nhóm V4 và Serbia, một quốc gia không thuộc EU nhưng đang gây ấn tượng về tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19. Theo Thủ tướng Babis, cả hai chuyến đi đều với mục đích tìm hiểu chương trình tiêm vaccine của hai quốc gia này.
Điểm chung của hai quốc gia được Thủ tướng Babis lựa chọn công du là việc sẵn sàng sử dụng vaccine do Nga và Trung Quốc phát triển. Hungary đã trở thành quốc gia EU đầu tiên bắt đầu sử dụng vaccine Sputnik V của Nga và sẽ sớm đưa vào sử dụng vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Trong khi, Serbia đã vươn lên trong nhóm các quốc gia Đông Nam Âu có tốc độ đạt tiêm chủng nhanh nhất trong khu vực một phần lớn nhờ vào việc sử dụng vaccine của Nga và Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Babis đến Hungary và Serbia, nhằm mục tiêu tìm cách thúc đẩy một thỏa thuận và triển khai sử dụng vaccine của Nga và Trung Quốc để giải quyết bài toán vaccine hiện nay. Séc cũng là một trong những quốc gia châu Âu gánh chịu nặng nề nhất do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều này càng được củng cố khi Thủ tướng Babis không phủ nhận khả năng vaccine Sputnik V có thể xuất hiện ở Séc mà không cần sự chấp thuận của cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA). Tuy nhiên, giả thuyết này đã nhanh chóng được bác bỏ sau khi Thủ tướng Babis và Bộ trưởng Bộ Y tế Séc Jan Blatny tuyên bố rằng những dữ liệu từ Hungary và Serbia là không đủ để đảm bảo cho việc phê duyệt và sử dụng độc lập vaccine Sputnik V, đồng thời khẳng định sẽ không có vaccine nào được sử dụng ở Séc mà không có sự chấp thận của Cơ quan dược phẩm (EMA).
Mới đây, một số quốc gia như Croatia và Slovakia… đã bật đèn xanh đối với loại vaccine của Nga. Cụ thể, vào giữa tuần trước, Croatia và Slovakia đã tiến hành đàm phán với Nga về việc mua vaccine Sputnik V. Theo quy định các điều khoản khẩn cấp, các nước EU có thể cho phép sử dụng vaccine mà không cần sự chấp thuận chính thức của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA)
Việc SputnikV đã được một số quốc gia Đông Âu xem xét đặt hàng cũng đặt ra vấn đề liệu có một chiến lược ngoại giao vaccine ở đây hay không? Dù không đề cập một cách thẳng thắn vấn đề này, nhưng trong một phát biểu mới đây của Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong cuộc họp với các Thủ tướng Nhóm V4 đã kêu gọi những người đồng cấp gạt vấn đề chính trị sang một bên để tiếp cận vaccine của Nga. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, khi còn quá nhiều căng thẳng giữa EU và Nga, việc chấp thuận vaccine Sputnik V khi không được sự đồng thuận có thể gây ra một cuộc khủng hoảng Liên minh châu Âu.
Trung Quốc tìm cách lấy lòng tin của Trung và Đông Âu
Sputnik V không phải là vaccine duy nhất trở thành chủ đề ngoại giao. Trong hội nghị thượng đỉnh 17 + 1 thường niên gần đây giữa các nước thuộc khối Liên Xô cũ và Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh về khả năng các quốc gia Đông Âu dễ dàng sở hữu vaccine Sinopharm của Trung Quốc khi quảng cáo đó là vaccine rẻ và dễ sản xuất.
Trung Quốc có thể coi Trung và Đông Âu là một thị trường đầy hứa hẹn để bán vaccine, nhưng quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước thuộc khối Xô Viết cũ rất phức tạp. Hiện một số nguyên thủ quốc gia đã tẩy chay hội nghị thượng đỉnh 17 + 1 vì cho rằng Trung Quốc đã không giữ lời hứa về đầu tư và thương mại và chỉ sử dụng diễn đàn này để chia rẽ trong EU.
Tuy nhiên, việc Hungary và Serbia sử dụng vaccine Sinopharm đã mở ra khả năng vaccine này có thể sớm xuất hiện ở các quốc gia thành viên EU. Hiện Sinopharm đã chính thức nộp đơn xin phê duyệt Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) và nhiều khả năng sẽ được các cơ quan quản lý của EU thúc đẩy sớm dưới sức ép của các nước Trung và Đông Âu.
Trong khi EU đang phải đau đầu với vấn đề mua và triển khai phân bổ vaccine, Trung Quốc và Nga đang tận dụng cơ hội chiếm lòng tin của Trung và Đông Âu. Điều này đã phần nào khiến niềm tin của khu vực vào chương trình vaccine hiện tại, sử dụng các mũi tiêm từ châu Âu, Mỹ và Anh, dường như đã bị lung lay. Niềm tin của Séc vào EU đang bị đe dọa sau khi Tổng thống Séc Milos Zeman mới đây đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với việc sử dụng Sputnik V ở Séc. Thậm chí để đáp lại lời quảng cáo vaccine của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh 17 + 1, Tổng thống Zeman đã kêu gọi một Con đường Tơ lụa mới nối Trung Quốc với Đông Âu bằng cách liên kết việc mua sắm vaccine với các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở châu Âu, số ca nhiễm biến thể mới đang lây lan với tốc độ nhanh chóng, các quốc gia cũng đang phải trì hoãn quá trình hồi phục của mình khi không thể triển khai đúng kế hoạch tiêm chủng. Trước sức ép về vấn đề phân bổ vaccine Covid-19 hiện nay, mặc dù, các quốc gia như Séc có thể vẫn đang đứng về phía EU khi nói đến Sputnik V, nhưng lòng trung thành này có rất khó được giữ vững khi chương trình tiêm chủng vaccine của EU đang không thể thực hiện đúng tiến độ và làm dấy lên nghi ngờ về khả năng bảo vệ các quốc gia thành viên của khối. Những lời đề nghị hấp dẫn từ phía Đông đồng nghĩa với việc EU cần phải chứng minh giá trị của mình trước các thành viên Trung và Đông Âu./.
Theo VOV.VN