Tiếng Việt | English

16/08/2017 - 00:20

Chiêm ngưỡng không gian mỹ thuật tại Bảo tàng Long An

Ngoài lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của từng thời kỳ qua những hiện vật, Bảo tàng Long An còn có một phòng trưng bày mỹ thuật với nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ, bộ sưu tập đồ gốm,... Đó là những minh chứng về giá trị nghệ thuật của một thời đại mỹ thuật, mỹ nghệ cách đây hàng chục năm.

Lưu giữ giá trị mỹ thuật của Long An

Vào khoảng thế kỷ XIX, nghề chạm khắc gỗ Long An ra đời. Sau những năm chiến tranh, nghề này dần mai một. Đến năm 1978, Công ty Mỹ nghệ Mỹ thuật Long An ra đời với chủ trương khôi phục nghề chạm khắc gỗ truyền thống. Hiện tại, những tác phẩm điêu khắc gỗ của công ty được lưu giữ tại Bảo tàng Long An.

Thuyết minh về bộ sưu tập những con thú được tạo nên từ những rễ, gốc cây, chị Phan Thị Kim An - nhân viên Bảo tàng Long An, nói thêm: “Đó là những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ do nghệ nhân Võ Văn Thoi và một số nghệ nhân khác của Công ty Mỹ nghệ Mỹ thuật Long An tạo nên vào năm 1982. Nhờ bàn tay khéo léo và cách nhìn tinh tế, các nghệ nhân lắp ghép những mảnh gỗ thành những con thú gắn liền với cuộc sống đời thường: Hươu, cọp, chim,... một cách sống động”. Ngoài bộ sưu tập những con thú, tác phẩm điêu khắc gỗ của công ty thời bấy giờ còn được chạm trổ, chế tác theo các đề tài: Tình mẫu tử, Vồ mồi, Cọp vồ nai, Tước lộc công hầu,...

Từ những rễ, gốc cây, nghệ nhân của Công ty Mỹ nghệ Mỹ thuật Long An chế tác thành những con thú gắn liền đời sống

Trong những tác phẩm điêu khắc gỗ của Công ty Mỹ nghệ Mỹ thuật Long An chế tác, điểm nhấn là tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay. Đây được xem là một trong những tác phẩm đánh đấu thành công của ngành mỹ nghệ mỹ thuật Long An nói chung, tài năng của các nghệ nhân nói riêng. Qua thuyết minh, chúng tôi được biết, tác phẩm này được chế tác vào tháng 9/1978. Khi đó, họa sĩ Nguyễn Đức Lưu cùng 3 nghệ nhân: Huỳnh Văn Định, Huỳnh Măng, Huỳnh Chính Đức ra chùa Bút Tháp ở miền Bắc để nghiên cứu và sao chép lại tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay với tỷ lệ thu nhỏ 1/5 so với tượng gốc. Hiện nay, bức tượng này được trưng bày ở Bảo tàng Long An, có chiều cao 0,69m, làm bằng chất liệt gỗ lát hoa.

Một bức tượng sao chép từ tượng gốc, được hoàn thành sau 3,5 tháng chế tác gây tiếng vang trong giới mỹ thuật miền Bắc lúc bấy giờ. Qua đó, niềm tự hào về nghề chạm khắc gỗ truyền thống của Long An dường như được nhân lên.

Còn đó những tác phẩm điêu khắc phật giáo

Ngoài trưng bày các tác phẩm điêu khắc gỗ của Công ty Mỹ nghệ Mỹ thuật Long An, trong gian Phòng Trưng bày mỹ nghệ của bảo tàng còn trưng bày tác phẩm điêu khắc Phật giáo. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Đến thế kỷ X, Phật giáo thịnh hành và trở thành Quốc giáo. Vì thế, năm này qua năm khác, nhiều chùa được xây dựng và có hàng loạt tượng Phật được tạc một cách trau chuốt, tinh vi. Từ những đôi tay khéo léo, những nhân vật thần linh tôn giáo vừa rất thực, vừa rất “người” và trong vẻ thoát tục trang nghiêm lại toát lên vẻ đẹp tinh xảo. Điêu khắc Phật giáo vì vậy đáp ứng nhu cầu lúc bấy giờ và chính nền nghệ thuật này phục vụ đắc lực cho tôn giáo.

Khi thưởng thức các tác phẩm điêu khắc Phật giáo, có thể thấy, những nhân vật tôn giáo siêu hình như Phật A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát, Thị Giả, Quan Hầu,... cũng mang cái đẹp của con người thật. Tất cả đều là những tượng tròn cỡ lớn, thành phần cấu tạo cơ thể có tỷ lệ ổn định. Bố cục của các tác phẩm này chặt chẽ, gọn gàng và cân xứng khi những mảng khối hài hòa với đường nét, chi tiết rất nhuần nhị, nét chạm mềm mại nên các tượng Phật đều tự nhiên, thoải mái. Hiện tại, Bảo tàng Long An trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc tôn giáo: Quan Âm nhiều tay cuối thế kỷ XIX, Quan Âm chuẩn đề thế kỷ XVIII, Quan Âm chuẩn đề cuối thể kỷ XIX, Quan Âm tọa sen cuối thế kỷ XIX,...

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Long An - Nguyễn Thị Sáu, các tượng Phật trưng bày tại đây có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII đến XIX, với chất liệu chủ yếu làm từ gỗ. Nguồn gốc của các tượng Phật là từ các chùa ở miền Bắc. Những tác phẩm này được bảo tàng thu hồi tại biên giới Việt Nam - Campuchia khi những tượng này bị chuyển ra nước ngoài.

Bộ sưu tập gốm lưu giữ ở Bảo tàng Long An

Trưng bày gốm Đồng Nai, Trung Quốc

Ở Phòng Trưng bày mỹ thuật của bảo tàng còn có một chuyên đề trưng bày những sản phẩm gốm Biên Hòa (còn gọi là gốm Đồng Nai): Bình chóe rỗng, bình chóe men xanh và nhiều loại khác.

Gốm Đồng Nai vốn có tiếng từ lâu, được người dân dùng làm đồ trang trí nội, ngoại thất. Những sản phẩm này có hình dáng thanh thoát, bóng bẩy. Vẻ đẹp trên gốm được thợ tạo nên từ những vẻ đẹp giản dị, đơn sắc và có chiều sâu như bộ sưu tập gốm: Ve, cua, cá, đôn voi,... Đây là những sản phẩm đồ gốm có niên đại khoảng thế kỷ XX, được làm ra từ những lò gốm ở tỉnh Đồng Nai. Tất cả đều phủ men xanh bóng mịn, lòng rỗng, sử dụng để trang trí nhà cửa, trồng hoa cảnh,... Có thể nói, bộ sưu tập gốm Đồng Nai ở Bảo tàng Long An giúp người xem hiểu hơn về loại hình gốm vừa cổ kính, vừa hiện đại, xứng đáng xếp trong dòng sản phẩm gốm truyền thống của Việt Nam.

Cùng với gốm Đồng Nai, một số sản phẩm gốm Trung Quốc cũng trưng bày tại đây. Bà Nguyễn Thị Sáu thông tin: “Bộ sưu tập gốm Trung Quốc lưu giữ ở Bảo tàng Long An do ngành Hải quan Long An phát hiện từ năm 1993: Chậu, dĩa phong cảnh, dĩa hoa lá, nậm rượu Long Vân,...”. Đây là những cổ vật phong phú về loại hình, đặc sắc về nghệ thuật chế tác, được sản xuất từ những lò gốm phía Nam Trung Quốc từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIX. Từ chất liệu, kiểu dáng đến màu men, hoa văn trang trí đều mang sắc thái riêng của Trung Quốc mà giá trị thẩm mỹ và giá trị sử dụng đều rất tinh tế.

Một gian phòng nhỏ với nhiều tác phẩm điêu khắc cùng các bộ sưu tập đồ gốm là nơi lưu giữ những giá trị mỹ thuật xưa. Tuy chưa đầy đủ, một số bộ sưu tập không nhiều về số lượng nhưng cũng góp phần vào việc nghiên cứu, phục vụ tham quan, du lịch cho những du khách muốn tìm hiểu về mỹ nghệ - mỹ thuật./.

Bảo tàng Long An - Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống  

Cập Nhật 07-06-2017

Bảo tàng Long An là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, yêu thích sưu tầm, nghiên cứu những giá trị cổ xưa.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết