Tiếng Việt | English

06/11/2024 - 09:14

Chiếc xe máy, cái chết thương tâm và nỗi ân hận cả đời

Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình và là nỗi đau âm ỉ của biết bao người. Có những vụ tai nạn để lại bài học sâu sắc nhưng đó lại là bài học quá đắt giá kể cả cho người gây tai nạn và nạn nhân. Mấy ngày qua, dư luận bức xúc trước vụ việc “quái xế” tông cô gái đang dừng chờ đèn đỏ khiến nạn nhân tử vong.

Điều đáng nói là đoàn “quái xế” này chỉ từ 16-19 tuổi, chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển xe môtô với vận tốc cao trong đô thị. Sau vụ tai nạn, người nhà cho biết cảm thấy hối hận khi giao xe cho con khi mới 16 tuổi. Có lẽ, sự hối hận này không được dư luận đồng tình bởi hơn ai hết, những người trong cuộc “biết luật nhưng vẫn phạm luật”. Phải chăng họ quá dễ dãi với chính mình và xem thường tính mạng người khác?

Qua vụ việc trên, không ít phụ huynh giật mình tự hỏi mình đã bao nhiêu lần “dễ dãi” như thế! Ai cũng biết giao xe cho người không đủ tuổi điều khiển, không có giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật nhưng vì thương con, chiều con mà không ít phụ huynh giao xe cho con. Điều này dễ thấy nhất khi vẫn còn tình trạng học sinh điều khiển xe phân khối lớn tham gia giao thông. Có một thực tế là đa số học sinh, thanh, thiếu niên điều khiển xe môtô (cả xe 50cc và 100cc) đều không tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi đăng ký thi lấy giấy phép lái xe, người thi phải học lý thuyết (những quy định, biển báo khi tham gia giao thông) và thực hành trong khi đủ 18 tuổi mới được thi, còn những em dưới 18 tuổi thường điều khiển xe theo bản năng hoặc theo sự hướng dẫn của cha mẹ chứ không tìm hiểu về luật, không biết về các biển báo giao thông. Khi giao xe cho con, cha mẹ cũng không dạy con về Luật Giao thông đường bộ, thế nên các em cứ vô tư dàn hàng 2, hàng 3, chạy ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu,...

Trở lại vụ “quái xế” gây TNGT, đằng sau vụ tai nạn là sự bất chấp luật pháp, coi thường tính mạng của bản thân và người khác của một nhóm thanh niên. Hành vi đua xe trái phép không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng. Việc các đối tượng ngang nhiên vi phạm pháp luật về giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng trên đường gây ra nỗi sợ hãi cho người tham gia giao thông.

Trong vụ tai nạn trên, xét theo pháp luật thì cả người gây tai nạn lẫn người giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe đều phải bị truy tố. Người gây tai nạn “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự, có khung phạt tù từ 3-10 năm với tình tiết định khung “không có giấy phép lái xe”. Người giao xe chịu trách nhiệm về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Rõ ràng, pháp luật rất nghiêm minh với các trường hợp này nhưng vì nhiều lý do khác nhau, các bậc phụ huynh vẫn bất chấp giao xe cho con. Không phải họ không hiểu luật mà cái chính đến từ sự nuông chiều và chủ quan. Có bậc cha mẹ còn cho rằng con mình rất ngoan, chỉ điều khiển xe đi học rồi về nhà. Đến khi sự việc đau lòng xảy ra lại hối hận và nói “giá như…”.

Tại sao cha mẹ lại dễ dàng giao xe cho con? Có lẽ vì họ muốn con được thuận tiện trong việc đi lại, muốn con cảm thấy mình được tin tưởng. Tuy nhiên, tình yêu thương mù quáng đó lại vô tình đẩy con vào những hiểm nguy khôn lường. “Một chiếc xe máy, một cái chết thương tâm và một nỗi ân hận cả đời” - câu nói này có lẽ không còn xa lạ với những vụ TNGT thương tâm liên quan đến người trẻ. Đằng sau mỗi vụ tai nạn như vậy thường ẩn chứa những câu chuyện đau lòng về sự nuông chiều quá mức của cha mẹ.

Việc giao xe cho con khi con không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông tưởng chừng là một hành động thể hiện tình yêu thương nhưng thực tế lại là một hành vi vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thay vì nuông chiều, hãy dạy con những kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, về sự nguy hiểm của việc tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết