Tiếng Việt | English

12/04/2019 - 10:49

Chi trả thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế - Chỗ dựa cho bệnh nhân nhiễm HIV

Khi nguồn viện trợ từ các dự án quốc tế không còn, những bệnh nhân (BN) HIV/AIDS phải tự chi trả chi phí điều trị khá lớn. Tuy nhiên, nếu có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thì những BN mắc bệnh này được Quỹ BHYT chi trả toàn bộ chi phí điều trị. Vì vậy, BHYT chính là chỗ dựa lâu dài cho người mắc bệnh HIV/AIDS.

Việc khám bệnh, chữa bệnh cho người sống với HIV thông qua Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả giúp họ bảo đảm việc điều trị liên tục và lâu dài

Chỗ dựa lâu dài

Toàn tỉnh Long An hiện có 1.775 BN nhiễm HIV/AIDS điều trị ARV. Ngoài ra, có 486 BN đang điều trị ARV tại TP.HCM. Tổng số BN điều trị ARV có thẻ BHYT chiếm trên 97%. Các cơ sở triển khai điều trị ARV gồm: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Long An, BVĐK khu vực Hậu Nghĩa, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bến Lức và BVĐK khu vực Đồng Tháp Mười.

Ngày 08/3/2019 là ngày đầu tiên thực hiện cấp phát thuốc ARV bằng BHYT cho những người nhiễm HIV/AIDS. Đây là sự kiện mang tính quốc gia, trong bối cảnh các nguồn tài trợ nước ngoài dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang giảm dần. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tham gia BHYT.

Được biết, BN HIV/AIDS tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả toàn bộ chi phí điều trị, bao gồm thuốc ARV và xét nghiệm cần thiết về tải lượng vi-rút. Anh N.Q.T (BN hiện khám và nhận thuốc ARV tại BVĐK Long An) chia sẻ: “Được biết, Nhà nước có chủ trương cấp phát thuốc ARV do Quỹ BHYT chi trả nên tôi tham gia BHYT. BHYT chính là chỗ dựa lâu dài cho những người mắc bệnh HIV/AIDS. Toàn bộ quy trình khám và cấp phát thuốc không khác so với trước đây. Khi đến khám và nhận thuốc, tôi chỉ cần xuất trình thêm thẻ BHYT, không hề có sự phiền hà”.

Anh L.M.P (đang điều trị tại BVĐK khu vực Hậu Nghĩa) cho biết: “Trước đây, tôi lo ngại về các thủ tục khi lãnh thuốc ARV bằng thẻ BHYT vì sợ phiền phức. Tuy nhiên, khi có thẻ BHYT, tôi có thể đi khám bệnh khác mà thủ tục cũng đơn giản và thuận lợi. Mỗi lần đến đây khám, tôi đều được các y, bác sĩ động viên và dặn dò kỹ lưỡng. Nhờ tuân thủ sự hướng dẫn của y, bác sĩ, sức khỏe của tôi ngày một cải thiện. Tôi cảm thấy tự tin và hòa nhập cộng đồng hơn”.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong điều trị cho BN HIV bằng BHYT, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp TTYT các huyện: Thủ Thừa, Châu Thành và Cần Đước chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự và thủ tục BHYT triển khai điều trị ARV (dự kiến quí IV-2019 và quí I-2020). Theo đó, huyện Thủ Thừa có 90 BN điều trị ARV, kết hợp điều trị Methadone là 50 BN; huyện Châu Thành có 120 BN điều trị ARV, kết hợp điều trị Methadone là 30 BN; huyện Cần Đước có 200 BN điều trị ARV.

Xét nghiệm và điều trị ARV sớm giúp người bệnh sống khỏe trong thời gian dài và giảm khả năng lây nhiễm HIV ra cộng đồng

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, từ năm 2019, theo chủ trương của Bộ Y tế, tất cả trường hợp điều trị ARV đều đưa vào điều trị bằng BHYT. BN cần chủ động tham gia BHYT để điều trị liên tục và đạt kết quả tốt, duy trì được tình trạng miễn dịch trong cơ thể và sống khỏe trong thời gian dài. Qua đó, giảm khả năng lây nhiễm HIV ra cộng đồng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu 90-90-90.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Việc triển khai BHYT để điều trị ARV cho người nhiễm HIV hiện gặp không ít khó khăn về thủ tục thanh toán mua thẻ BHYT và đồng chi trả ARV; một số BN không dám điều trị tại địa phương do sợ lộ tình trạng bệnh; việc giải quyết cơ chế thanh toán mua thẻ BHYT và đồng chi trả điều trị ARV cho BN có thẻ BHYT đang điều trị ở TP.HCM hoặc các tỉnh khác,... Trước tình trạng này, Sở Y tế tổ chức họp với các sở, ngành và địa phương liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc điều trị ARV thông qua BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Huyện Bến Lức hiện có 647 BN HIV/AIDS đang điều trị. Số người điều trị có BHYT tại TTYT huyện là 97,2%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm chưa nhận được thuốc ARV từ nguồn BHYT nên công tác khám, điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn.

Huyện Cần Đước hiện có 200 BN HIV/AIDS. Giám đốc TTYT huyện Cần Đước - Bác sĩ Trương Văn Hoàng cho biết: “Hiện TTYT huyện chưa được ký hợp đồng BHYT bổ sung khám và điều trị HIV/AIDS. Về nguồn thuốc, theo lộ trình đến năm 2020 mới hưởng BHYT nên gây nhiều khó khăn cho BN trong quá trình điều trị. Vì vậy, tôi hy vọng lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các ngành liên quan tạo điều kiện sớm chuyển nguồn thuốc từ dự án về địa phương. Đối với BN xét nghiệm tải lượng vi-rút khi chuyển từ Viện Pasteur TP.HCM về thì cần xem xét để BN được thanh toán BHYT”.

Đại biểu họp thảo luận đưa ra các giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong việc điều trị ARV thông qua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế - Bác sĩ Võ Văn Thắng cho rằng: “Việc điều trị ARV thông qua BHYT chi trả là một nguồn tài chính bền vững, giúp những người bệnh có cơ hội chữa trị với chi phí hợp lý”. Ông đề nghị: “Phòng Nghiệp vụ Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cần có giải pháp triển khai đồng loạt việc khám và cấp phát thuốc ARV thông qua BHYT chi trả ở tất cả cơ sở y tế có giường bệnh (các bệnh viện và TTYT) tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Mục tiêu là bất kỳ BN nào có thẻ BHYT thì được điều trị tất cả các bệnh, kể cả HIV/AIDS cũng như được thanh toán các chi phí khác: Khám bệnh, xét nghiệm và điều trị nhiễm trùng cơ hội. Đối với người bệnh ở Long An điều trị tại các tỉnh, thành phố khác và ngược lại thì BN tự bỏ chi phí điều trị. Các cơ sở y tế cần tạo mọi điều kiện để BN có thẻ BHYT tiếp cận được các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất. Nhân viên y tế phải có thái độ ân cần, niềm nở, không kỳ thị và đặc biệt phải bảo đảm bí mật thông tin cho BN, giúp BN an tâm khi đến cơ sở y tế khám và nhận thuốc”.

HIV/AIDS là bệnh mạn tính, phải điều trị liên tục, suốt đời với chi phí lớn. Người sống với HIV có xác suất mắc các bệnh nhiễm trùng cao. Tuy nhiên, chi phí thuốc ARV và các chi phí khám bệnh, các xét nghiệm định kỳ cũng khá cao. Vì vậy, việc khám, chữa bệnh cho người sống với HIV thông qua Quỹ BHYT chi trả giúp họ bảo đảm việc điều trị liên tục và lâu dài. Hoạt động này còn là điều kiện tiên quyết hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết