Tiếng Việt | English

15/10/2022 - 14:20

Chi hơn 6,7 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu để phục vụ sản xuất, tiêu dùng

Hiện hai nhà máy lọc dầu trong nước đều đang vận hành ở công suất tối đa, riêng nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong quý 4/2022 nhằm cung ứng cho thị trường.

Dự trữ đảm bảo xăng dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng với nguồn cung từ hai nhà máy trong nước, để phục vụ sản xuất và tiêu dùng, lượng nhập khẩu xăng dầu cũng tăng mạnh trong 9 tháng.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, số tiền chi ra để nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng Chín là 558 triệu USD, nâng mức nhập khẩu mặt hàng này lên 6,76 tỷ USD trong 9 tháng vừa qua, tăng 129,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80 %, tức là phải nhập khẩu 20-30% nhưng trong thời gian qua, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất-kinh doanh và tiêu dùng của người dân, Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị hai nhà máy lọc dầu là Bình Sơn và Nghi Sơn duy trì hoạt động sản xuất ổn định, đồng thời tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bộ cũng đề nghị hai Công ty cần có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ, để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ; điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.

- Nhập khẩu xăng dầu tại một số thị trường:

 

Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí, kế hoạch sản xuất xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 3 tháng cuối năm dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, cho biết cùng với việc rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết