Tiếng Việt | English

01/08/2018 - 18:55

Châu Thành: Đường đến huyện nông thôn mới không còn xa!

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đời sống người dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An từng bước được nâng lên, kết cấu hạ tầng được đầu tư, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Châu Thành phấn đấu đạt huyện NTM vào cuối năm 2018.

Đời sống người dân Châu Thành ngày càng được nâng lên (Trong ảnh: Xen lẫn giữa ruộng thanh long bạt ngàn là những ngôi nhà mới xây khang trang)

Huy động sức mạnh tập thể

Ông Đinh Văn Út, nông dân ấp 4, xã Hòa Phú, kể: “Hòa Phú trước đây là xã nghèo, đường sá nhỏ, hẹp. Từ khi XDNTM, đường giao thông được đầu tư, mở rộng, tạo điều kiện trong đi lại, vận chuyển nông sản. Đến nay, xã không còn hộ nghèo, chỉ có 2 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội, đây là điều đáng mừng!”. Ông Út là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp trong XDNTM tại địa phương. Ông vận động người thân xây tặng 1 căn nhà đồng đội trị giá 135 triệu đồng; vận động người dân khoảng 400 triệu đồng nâng cấp, xây dựng 2 giếng nước qua lắng lọc; tham gia tuyên truyền về thực hiện 100ha thanh long ứng dụng công nghệ cao tại xã; phát động trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng vào ban đêm trên các tuyến đường;...

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn, nhờ XDNTM, diện mạo xã có nhiều thay đổi. Người dân đồng tình, ủng hộ, đóng góp thực hiện các công trình tại địa phương. Hòa Phú đang trong lộ trình XDNTM kiểu mẫu, tập trung phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã trên 51 triệu đồng/năm (tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2015). 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 87% hộ sử dụng nước qua lắng lọc,...

Không chỉ Hòa Phú, các xã khác của huyện Châu Thành cũng thay đổi tích cực từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM. Đường giao thông nông thôn được mở rộng, xen giữa những ruộng thanh long bạt ngàn là những ngôi nhà mới khang trang, minh chứng cho sự phát triển của vùng quê này. Bí thư Đảng ủy xã An Lục Long - Hà Minh Tuấn thông tin, gần 6 năm XDNTM, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình này tại xã hơn 185 tỉ đồng (trong đó, người dân đóng góp khoảng 50%) xây dựng các công trình giao thông nông thôn, hệ thống lắng lọc, bồn nước, nạo vét các công trình thủy lợi,... Ngoài ra, người dân còn đóng góp lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng vào ban đêm trên 50km đường, tổng kinh phí 600 triệu đồng; trồng cây xanh trên các trục lộ chính. Đến nay, 100% tuyến đường trục xã, ấp, trục chính nội đồng tại An Lục Long được bêtông hóa, nhựa hóa. 100% hộ dân có điện, nước hợp vệ sinh sử dụng; thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm; an ninh, trật tự được bảo đảm; Đảng bộ, chính quyền xã nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh. Song song đó, Mặt trận, các đoàn thể vận động nhân dân làm 2.000 cột cờ.

Phấn đấu về đích cuối năm 2018

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành - Trương Văn Biết cho biết, năm 2012, huyện bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Qua XDNTM, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Cán bộ, nhân dân nhận thức đầy đủ và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong XDNTM. Đặc biệt, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng nên kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Cây xanh, đèn đường tại huyện Châu Thành được người dân đóng góp thực hiện

Hầu hết các tuyến đường chính, liên ấp, liên xã đều được nhựa hóa, bêtông hóa, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Tất cả hộ dân đều có điện, nước hợp vệ sinh để sử dụng, trong đó, trên 70% hộ dân sử dụng nước sạch đạt theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế. Thu nhập bình quân đầu người của huyện 50 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9%.

Đến nay, Châu Thành đạt 8/9 tiêu chí huyện NTM, còn tiêu chí quy hoạch đang thực hiện. Toàn huyện có 12/12 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Trong đó, có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, còn lại 2 xã Vĩnh Công và Thanh Vĩnh Đông. Riêng xã Thanh Vĩnh Đông đang làm hồ sơ đề nghị tỉnh phúc tra; xã Vĩnh Công dự kiến tháng 9/2018 đạt chuẩn NTM. Huyện sẽ báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tiến hành làm hồ sơ gửi Trung ương phúc tra công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018.

Sắp tới, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện từ 70-80 triệu đồng/năm. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế đạt từ 85% trở lên.

Trước mắt, huyện tiếp tục triển khai một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thanh long, nâng cao giá trị của loại cây trồng này, bảo đảm xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhằm mang hiệu quả cao và bền vững của trái thanh long./.

Qua gần 6 năm xây dựng nông thôn mới, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện hơn 1.500 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 459 tỉ đồng; vốn ngân sách tỉnh 432 tỉ đồng; vốn ngân sách huyện 27 tỉ đồng; vốn ngân sách xã 5 tỉ đồng; vốn doanh nghiệp 200 tỉ đồng; đặc biệt, người dân đóng góp gần 30% tổng số vốn với số tiền 430 tỉ đồng.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết