Tiếng Việt | English

08/11/2016 - 09:08

Châu Âu mong đợi chiến thắng của bà Hilary Clinton

Báo chí Pháp và châu Âu theo dõi sát các diễn biến vận động tranh cử tại Mỹ và công khai ủng hộ bà Hilary Clinton.

Giống như phần còn lại của thế giới, châu Âu rất quan tâm và nóng lòng chờ xem ai sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ . Thị trường chứng khoán Paris tăng trở lại vào thứ hai đầu tuần 7/11, sau khi FBI tuyên bố “vô tội” cho bà Hilary Clinton, cho thấy “độ nhạy” của thị trường châu Âu đối với cuộc bầu cử cuộc bầu cử Tổng thống.

Báo chí Pháp và châu Âu theo dõi sát các diễn biến vận động tranh cử tại Mỹ và công khai ủng hộ bà Hilary Clinton. Tờ Les Echos của Pháp hôm qua 7/11 đăng bài viết của cố vấn đặc biệt thuộc viện Montaigne ông Dominique Moisi với tựa đề “Chỉ có thể lựa chọn Hilary Clinton”. Bài báo nhấn mạnh: “Thời điểm của sự thật sắp đến. Nước Mỹ sẽ phải lựa chọn một vị Tổng thống hợp lý. Và đó không thể là ông Trump”.

Donal Trump và Hilary Clinton. (Ảnh: AP)
Nhiều lãnh đạo châu Âu cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng kịch bản ông Trump chiến thắng sẽ là cơn ác mộng đối với châu Âu. Phát biểu trên tờ Le Monde, Đại sứ một nước thành viên EU tại Brussels nhận định: “Việc Donald Trump làm Tổng thống Mỹ sẽ là một thảm hoạ và sẽ tạo ra một thách thức mang tính sống còn với Liên minh châu Âu, điều mà chúng tôi e là Liên minh không đủ sức để đối mặt vào thời điểm này”.

Trong một bản nghiên cứu mới đây của Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế, Jeremy Schapiro, chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, tóm tắt các tư tưởng chính về chính sách đối ngoại của Donald Trump thành 3 ý như sau: các đồng minh của Mỹ không chịu gánh vác chi phí trách nhiệm; sẽ dễ dàng thiết lập quan hệ đồng minh với các chế độ độc tài hơn là với châu Âu; các hiệp định tự do thương mại gây tổn hại cho người lao động Mỹ và làm nước Mỹ nghèo đi.

Ông Trump còn bày tỏ quan điểm đi ngược với EU trong những vấn đề “cấm kỵ” như tuyên bố ủng hộ Brexit, hứa sẽ hủy bỏ các thoả thuận về chống biến đổi khí hậu, tuyên bố “không can dự vào Thổ Nhĩ Kỳ” hay công khai thể hiện cảm tình với Tổng thống Nga Vladimir Putin…

Về mặt an ninh, trong NATO, Trump cho rằng các nước thành viên của NATO đã quá dựa dẫm vào sự bảo trợ từ nước Mỹ và nếu ông làm Tổng thống, Mỹ sẽ buộc các thành viên NATO, nhất là các nước lớn ở châu Âu như Anh, Đức, Pháp… phải tăng chi tiêu quân sự lên nhiều lần để tự đảm bảo an ninh cho mình. Hồi tháng 7, ông Trump khiến châu Âu hết sức lo ngại khi tuyên bố nước Mỹ sẽ chỉ giúp đỡ “có điều kiện” nếu một thành viên NATO bị tấn công.

Nước Mỹ trước "giờ G": Thế trận đang ngày càng trở nên gay cấn 

Cập Nhật 07-11-2016

Hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump đã trải qua cuộc đua “song mã” được đánh giá là kịch tính nhất trong lịch sử nền chính trị Mỹ với nhiều vụ bê bối cá nhân.

Ngoài ra, ông Trump tỏ thái độ thù địch công khai với các Hiệp định thương mại tự do và tung hô các chính sách bảo hộ, đồng nghĩa với việc nếu ông nắm quyền, Hiệp định “thế kỷ” Tafta giữa EU và Mỹ nhiều khả năng chết yểu, dù hiện tại thì các vòng đàm phán liên quan đến hiệp định này cũng đang bế tắc.

Cuối cùng, mối quan hệ thân thiết giữa ông Trump với các đảng cánh hữu, thậm chí là cực hữu tại châu Âu khiến nỗi lo ngại của EU với ứng cử viên này là hoàn toàn có cơ sở. Chủ tịch Đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu tại Pháp cũng đã công khai tuyên bố ủng hộ ông Trump.

Về phía bà Hilary Clinton, điều quan trọng nhất mà các nước EU nhìn thấy trong các phát biểu tranh cử của bà, đó là sự chắc chắn và tính tiếp nối trong chính sách từ thời Barack Obama. Bà Clinton từng nhấn mạnh trong cuốn hồi ký của mình rằng “quan hệ đồng minh với châu Âu đáng quý hơn vàng”. Dĩ nhiên, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, trong trường hợp bà Hilary Clinton trúng cử, cũng sẽ phải có những điều chỉnh, nhưng chắc chắn sẽ dễ chấp nhận hơn đối với châu Âu. Và đó là lý do vì sao châu Âu đang nín thở mong đợi chiến thắng đến với ứng cử viên của đảng Dân chủ./.

Thùy Vân/VOV-Paris 

Chia sẻ bài viết