Nhiều công ty vẫn chưa thật sự tin tưởng dữ liệu trên đám mây được an toàn. Ảnh chụp màn hình WSJ
Theo Bloomberg, nhà cung cấp nước uống lớn nhất Veolia Environnement (Pháp) là một ví dụ cụ thể. Trước khi chuyển sang sử dụng phần mềm văn phòng trên nền tảng đám mây của Google, Veolia đã thuê công ty an ninh mạng Atos phụ trách mã hóa dữ liệu của hãng để chuyển đến máy chủ của Google.
Các căng thẳng địa chính trị và chiến tranh thương mại đang khiến các chính trị gia châu Âu thận trọng với các công ty trong nước nhượng quyền kiểm soát dữ liệu của họ cho các nhà cung cấp công nghệ từ Mỹ hoặc Trung Quốc, lo sợ rằng các nhà cung cấp này có thể từ chối truy cập vào thông tin quan trọng về khách hàng hoặc sản xuất.
Agnes Pannier-Runacher, thứ trưởng kinh tế của Pháp, cho biết các doanh nghiệp từ bỏ quyền kiểm soát dữ liệu của họ là “một rủi ro hệ thống” đối với khả năng cạnh tranh và chủ quyền của một nền kinh tế. Ông nhấn mạnh “đối với nhiều công ty, dữ liệu là một dấu hỏi chiến lược. Vẫn chấp nhận được nếu có một số dữ liệu ngoài tầm với trong một hệ thống đa phương; nhưng nó trở thành vấn đề nghiêm trọng trong một hệ thống đơn phương nơi một bên có thể gây áp lực và cắt giảm quyền truy cập”.
Các công ty đang có xu hướng chuyển dữ liệu của họ sang các hệ sinh thái dựa trên đám mây - theo ước tính của Gartner sẽ có giá trị khoảng 214 tỉ USD vào năm 2019, bị chi phối bởi các đại gia của Mỹ và Trung Quốc như Amazon, Microsoft và Alibaba Group Holding.
Ngân hàng trung ương Đức gần đây cũng đã cảnh báo lĩnh vực ngân hàng rằng việc chuyển sang dữ liệu trên đám mây sẽ khiến cho ngành công nghiệp khó theo dõi hơn.
Donald Trump (hoặc có tên gọi khác là Đạo luật về việc sử dụng dữ liệu ở nước ngoài hợp pháp - Clarifying Lawful Overseas Use of Data Act) được ký vào năm ngoái, tất cả các nhà cung cấp đám mây của Mỹ có thể được yêu cầu cung cấp dữ liệu được lưu trữ trên máy chủ của họ, bất kể dữ liệu đó được lưu trữ vật lý ở đâu, cho chính quyền địa phương. Một khái niệm tương tự cũng đã được quy định trong luật pháp Trung Quốc kể từ năm 2017, trong đó thông tin của công dân phải được lưu trữ trong nước và có thể truy cập theo yêu cầu của chính quyền.
Kết quả là, các hãng mã hóa châu Âu như Atos và Thales đã quảng cáo lịch sử dịch vụ “trong nước” của họ như một điểm bán hàng độc nhất khi cạnh tranh với các đối thủ của Mỹ như Salesforce, Amazon… Các nhà cung cấp điện toán đám mây nhỏ hơn được phát triển ở châu Âu như Gigas Hosting SA (Tây Ban Nha) và OVH Groupe SAS (Pháp) - trong khi vẫn còn tương đối nhỏ bé so với các đối thủ của họ - đã không ngần ngại nói rằng tiếng Anh không phải là ngôn ngữ đầu tiên mà họ hướng tới.
Pascal Dalla-Torre, nhân viên an ninh mạng của Atos cho biết “Veolia muốn giữ quyền kiểm soát và chủ quyền đối với dữ liệu của mình, tuy nhiên các giải pháp đám mây an toàn vẫn có thể. Chúng tôi đang xây dựng một nơi trú ẩn, một không gian an toàn. Đó là một giải pháp để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của chúng tôi”.
Chủ quyền dữ liệu là yếu tố cấp thiết của nhiều doanh nghiệp. Ảnh WSJ
Atos hiện nay không đơn độc trong việc khai thác nhu cầu ngày càng tăng đối với những công ty trung gian mã hóa châu Âu. Các công ty châu Âu trị giá hàng tỉ USD như nhà thầu quốc phòng Thales và công ty phần mềm khổng lồ SAP của Đức đều bán các sản phẩm bảo mật nằm “giữa” dữ liệu của công ty khách hàng và nhà cung cấp đám mây. Societe Generale, ngân hàng lớn thứ ba của Pháp theo giá trị thị trường, cho biết họ đã sử dụng dịch vụ của công ty Gemalto có trụ sở tại Hà Lan để bảo mật thông tin trước khi chúng cập bến lên đám mây.
Atos nói rằng đang đàm phán hợp đồng có giá trị lên đến 1 tỉ euro để bảo mật tương tự như hợp đồng đã ký với Veolia. Chủ tịch và giám đốc điều hành Thierry Breton của Atos cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng “các doanh nghiệp của châu Âu muốn công nghệ của Google nhưng với sự bảo vệ đúng đắn. Đó là một trong những nhu cầu phổ biến nhất mà chúng tôi nhận được từ khách hàng hiện nay”.
Châu Âu không phải là khu vực duy nhất tìm cách thúc đẩy các nhà cung cấp địa phương. Nhà cung cấp dịch vụ đám mây và cơ sở dữ liệu PingCAP có trụ sở tại Bắc Kinh đang giành chiến thắng trước các đại gia công nghệ địa phương, các công ty khởi nghiệp và tổ chức tài chính cho phần mềm doanh nghiệp của mình.
Trong khi đó, các công ty Mỹ chưa thấy bất kỳ hiệu ứng nghiêm trọng nào. Tập đoàn Oracle gần đây có mức giá đóng cửa cổ phiếu cao kỷ lục trong bối cảnh chuyển đổi sang điện toán đám mây, trong khi Salesforce đang bận rộn với giao dịch trị giá 15,3 tỉ USD mua lại Tableau.
Các chuyên gia phân tích đám mây của IDC cho biết rằng “tốc độ đổi mới của các đám mây siêu quy mô - hyperscale - cao đến mức các công ty châu Âu phải sử dụng chúng để ở lại cuộc chơi. Nhưng môi trường pháp lý và rủi ro an ninh toàn cầu chắc chắn là một phần của những lo ngại mà người châu Âu đang tính đến”./.
Theo thanhnien.vn