Tiếng Việt | English

02/08/2019 - 19:51

Chất lính giữa đời thường

Trở về từ chiến trường, nhiều cựu chiến binh (CCB) mang trên mình nhiều thương tật. Làm theo gương Bác với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, những người lính năm xưa không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn sáng ngời tinh thần tương thân, tương ái, làm đẹp thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ.

1. Cơn mưa rả rích những ngày cuối tháng 7 không ngăn được tinh thần lao động của thương binh 3/4 Lương Văn Nhỏ, ngụ ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ông là chủ của vườn mai bạc tỉ. 

Ông Lương Văn Nhỏ bên vườn mai của gia đình

Ông chia sẻ, năm 1983, ở lứa tuổi đôi mươi, ông hăng hái lên đường làm nhiệm vụ ở chiến trường biên giới Tây Nam. Sau đó, ông bị thương. Trở về với cuộc sống đời thường, ông được gia đình cho một ít đất sản xuất nông nghiệp để mưu sinh. Ngày ấy, vùng đất “Bo Bo” này được mệnh danh là vùng đất “chết”, điều kiện rất khắc nghiệt. Thế nhưng, những ngày tháng trong quân ngũ đã trui rèn, giúp ông có được tinh thần cầu tiến, nghị lực vượt qua khó khăn. Với phần đất được cha mẹ cho, những ngày đầu, ông trồng lúa, mía,… nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Thời gian đó, ông cứ mãi loay hoay với suy nghĩ nuôi con gì, trồng cây gì để có thu nhập chăm lo gia đình. Một lần tình cờ được hướng dẫn, giới thiệu trồng mai vàng từ người quen, ông mạnh dạn chuyển đổi sang loại cây trồng này. Ông vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và nguồn vốn từ Hội CCB để mở rộng diện tích. Qua hơn 10 năm, từ 5.000m2 ban đầu, đến nay, vườn mai của ông phát triển lên 10ha, trong đó có hơn 6ha đất do ông mướn thêm. Nhiều đoàn khách từ các địa phương khác đến tham quan, tìm hiểu đều trầm trồ khen ngợi vườn mai bạt ngàn của gia đình ông. 

“Cây mai từ lúc trồng đến khi thu hoạch là 3 năm. Trồng mai không khó nhưng mình phải siêng năng, tỉ mỉ và cần nhiều vốn đầu tư. Cây mai ít tốn công chăm khóc, kỹ thuật đơn giản, quan trọng là khâu tỉa cành đòi hỏi phải khéo léo, có như vậy, cây mai bán ra mới có giá trị. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tôi vừa trồng, bán mai thành phẩm, vừa mạnh dạn đầu tư ươm giống để bán mai con, hiệu quả kinh tế không hề nhỏ” - ông nói. 

Theo Hội CCB xã Tân Thành, ông Nhỏ là người đi tiên phong trong việc trồng mai ở mảnh đất này. Nhờ có ông, cây mai từ từ “bén duyên” trên vùng đất khó và ngày càng có nhiều người chọn làm cây trồng để chuyển đổi, phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ làm giàu cho gia đình, vườn mai của gia đình ông còn góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương. Không giấu nghề, ông sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, tỉa cành cho những người có tinh thần học hỏi. Ông còn hỗ trợ cây giống cho những đồng đội, đồng chí năm xưa, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. 

2. “Một ngày trong quân ngũ, cả đời giữ mãi chất lính”, đó là tâm niệm của thương binh 2/4 Đặng Hữu Hiền, ngụ ấp 2, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. 

Một ngày của ông khá bình dị. Ông thức dậy thật sớm, sau chén trà buổi sáng, lúc khỏe, ông ra vườn tỉa mấy nhành cây kiểng trước nhà. Đến khi mỏi chân, ông vào trò chuyện cùng người bạn đời Lê Thị Bé. Ông bà bên nhau hơn 40 năm, có 2 người con gái đã trưởng thành nhưng tình cảm vẫn khắng khít như thuở ban đầu. Trong câu chuyện ông bà kể, chúng tôi hiểu để có được cuộc sống như ngày hôm nay, ông bà phải trải qua nhiều gian khó trong cuộc sống. 

Ông Đặng Hữu Hiền cùng vợ kể lại những ngày gian khó

Chỉ cho chúng tôi xem một phần tay bị cụt và những vết thương còn in hằn trên thân thể, ông chậm rãi, năm 1961, khi đó ông vừa tròn 22 tuổi, chứng kiến sự hung hăng, tàn bạo của kẻ thù đối với gia đình và những người xung quanh, ông quyết tâm tham gia cách mạng. Thời gian đầu, ông hoạt động ở khu vực Bến Thủ (Bến Lức - Thủ Thừa ngày nay) và cầm súng chiến đấu. Về sau, do được học qua công tác sơ, cấp cứu nên ông vừa tham gia chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ quân y. Một buổi chiều năm 1969, trong một trận càn, ông bị thương khá nặng và bị địch bắt giam ở Trại giam Biên Hòa. 

Tại đây, ông cùng nhiều đồng đội bị tra tấn man rợ và đối xử vô nhân đạo nhưng không ai khuất phục. Trong tù, cũng có tổ chức Đảng và hoạt động bí mật. Ông sinh hoạt ở Chi bộ B40 và được phân công làm nhiệm vụ dạy học. “Ngày đó, do tôi đã học hết trung học đệ nhị cấp nên được chọn lựa. Đơn vị cũng chỉ đạo người biết chữ nhiều phải chỉ dạy cho những người biết ít, cứ thế, chúng tôi giữ liên lạc với nhau và đấu tranh giữ vững khí tiết cách mạng. Đến năm 1973, cùng với nhiều đồng đội khác, tôi được trả tự do”. 

Ông về công tác tại Tỉnh đội Long An, trợ lý quân báo Bộ đội huyện Bến Lức, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy,… Sau khi đi học tập 2 năm ở Hà Nội, năm 1980, ông trở về và làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đến khi nghỉ hưu vào năm 1992. Sau đó, ông tiếp tục công tác ở Hội CCB huyện Bến Lức, giữ chức vụ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch đến khi nghỉ vào năm 2010. 

Hoạt động cách mạng khi tuổi đời còn khá trẻ, đến nay 80 tuổi đời, ông có hơn 50 năm tuổi Đảng. Hồi tưởng những chuyện đã qua, dù có thương tật nhưng ông vẫn thấy cuộc đời mình còn may mắn. “Lúc đầu, khi mất đi một phần thân thể, tôi cũng bi quan, buồn lắm nhưng nhớ đến đồng đội có người đã hy sinh, tôi thấy mình còn may mắn” - ông chia sẻ. 

Bây giờ nhớ lại những chuyện đã qua, ông nghĩ rằng đó là một phần ký ức hào hùng của một thời tuổi trẻ. Vui với cuộc sống tuổi già, ông cùng vợ làm những chuyện có ích cho cộng đồng: Tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân cùng với Nhà nước làm đường bêtông nông thôn, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng hơn. Đặc biệt, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt ở Chi hội CCB ấp 1 lần/tháng. Tại đây, chi hội của ông thường trò chuyện, ôn lại chuyện xưa, giáo dục con cháu và góp tiền hỗ trợ vốn cho những đồng đội khó khăn,… Gần đây nhất, ông bàn bạc với chi hội bảo lãnh cho một hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay số tiền nhỏ để làm phương tiện sinh kế. Hay đó còn là ý kiến của ông khi đề xuất dành một phần chi phí nhỏ trong số lãi của Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” để hỗ trợ chi hội trưởng làm nhiệm vụ khi Nhà nước cắt trợ cấp. Nhờ đó, chi hội của ông hoạt động khá đều đặn và làm được nhiều việc nghĩa tình. 

Dù trên mặt trận nào, những người lính năm xưa vẫn không hề ngơi nghỉ. Bằng trí tuệ và bản lĩnh được tôi luyện, họ vẫn luôn giữ vẹn chất lính, tỏa sáng giữa đời thường./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết