Tiếng Việt | English

30/12/2020 - 15:38

'Chắp cánh' cho đặc sản

Nếu như gạo Nàng Thơm Chợ đào, gạo Huyết Rồng,... là sản phẩm truyền thống, lâu đời được đánh giá cao thì nay, Long An còn nhiều món ngon khác “chinh phục” được người tiêu dùng. Các sản phẩm này đang được Sở Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng tiêu thụ.

Chuối Fohla được trồng theo hướng hữu cơ (Ảnh: Internet)

“Chắp cánh" thương hiệu chuối Fohla

Thương hiệu chuối Fohla do ông Võ Quang Huy - Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Huy Long An, là người nghiên cứu, trồng và xây dựng thương hiệu trong nhiều năm qua. Hiện chuối được trồng trong trang trại của Cty tại xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ với khoảng 150ha, năng suất bình quân khoảng 4.000 tấn/năm. Tất cả quy trình trồng chuối đều theo hướng hữu cơ. Cty đã ứng dụng nhiều công nghệ trong thu hoạch và bảo quản để tăng chất lượng sản phẩm.

Ông Võ Quan Huy cho biết, trong quá trình trồng trọt và đưa sản phẩm ra thị trường, Cty luôn minh bạch về chất lượng, người dùng có thể truy xuất nguồn gốc khi cần. Hiện chuối được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Đông,... Tại thị trường trong nước, chuối Fohla có mặt trong hầu hết siêu thị, kênh phân phối lớn như Big C, Satra Food, Bách hóa Xanh, Family Mart, Aeon,...

Hiện nay, Cty đang mở rộng diện tích trồng chuối tại Long An nhằm tạo mối liên kết với nông dân để mở rộng nguồn cung ứng sản phẩm cũng như góp phần ổn định đời sống kinh tế của nông dân trên địa bàn huyện và lân cận.

Đậm đà vị mắm cá lia thia (Ảnh: Kim Ngọc)

Đậm đà mắm cá lia thia 

Trong các loại mắm làm từ cá đồng thì mắm lia thia Đức Huệ có hương vị đặc biệt. Đức Huệ là vùng đồng bưng với nguồn nước phèn chua, cây năn mọc um tùm là môi trường lý tưởng cho cá lia thia sinh sống để rồi cho ra đặc sản “độc nhất vô nhị” - mắm cá lia thia. Cá lia thia có quanh năm nhưng từ cuối tháng 11 Âm lịch đến hết tháng Giêng bắt đầu rộ. Ban đầu, đây chỉ là món ăn dân dã, được làm thủ công để dùng trong gia đình nhưng qua thời gian, món ăn dân dã được ưa chuộng bởi hương vị đặc biệt, gây “thương nhớ” cho những người xa quê và cả khách phương xa.

Bây giờ, mắm cá lia thia được chế biến công phu hơn trước đây, có thể muối mặn hoặc làm chua. Tại huyện Đức Huệ, có nhiều cơ sở chế biến, mỗi cơ sở có công thức riêng nhưng tựu trung phải qua các công đoạn: Phân loại, làm sạch cá, ướp muối ủ, trộn thính, cùng nhiều loại gia vị khác như tỏi, ớt, đường,... Sau thời gian, mắm dậy mùi thơm dịu, chua chua, mặn nhẹ vừa ngon lại vừa lạ miệng. Mắm cá lia thia ăn ngon nhất khi trộn với tỏi, ớt, gừng xắt sợi, có thể pha thêm ít đường, vắt thêm ít chanh, dùng kèm với thịt ba rọi luộc cùng các loại rau, quả như khế chua xanh, chuối chát, đậu rồng, đọt xoài, khóm, rau thơm,...

Mắm cá lia thia hiện nay ngoài bán cho dân địa phương còn được hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu vào các chuỗi cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh. Huyện Đức Huệ cũng đã và đang tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm thông qua giữ gìn vùng khai thác cá lia thia, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá xây dựng hình ảnh đặc sản của địa phương.

Ổi Đức Hòa có vị ngọt, giòn, mùi thơm nhè nhẹ (Ảnh: Internet)

Giòn, ngọt ổi Đức Hòa

Những năm gần đây, khi cây mía xuống giá, nhiều hộ nông dân vùng ven sông Vàm Cỏ Đông trên địa bàn huyện Đức Hòa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Trong đó không ít hộ chuyển sang trồng ổi xen với nhiều loại cây trồng khác như chanh để tăng thu nhập. Cây ổi bén rễ xanh cây trên vùng đất này, cho chất lượng quả rất ngon, được người tiêu dùng đón nhận. Ổi khi dùng cho cảm nhận vị ngọt, giòn, mùi thơm cũng nhè nhẹ. Ổi thường dùng cho các món ăn chơi, tráng miệng hay làm nước ép uống khá ngon.

Ổi có nhiều loại giống như nữ hoàng, ổi lê, ổi ruột đỏ,... Ổi thường được tiêu thụ qua thương lái. Sau khi thu hoạch, ổi được tập kết, trung chuyển về các chợ đầu mối và được phân phối thông qua các tiểu thương để ra thị trường đến tay người dùng. Ngoài bán qua hình thức này, hiện nay có không ít vườn ổi trồng theo hình thức hữu cơ, ít sử dụng phân bón, thuốc hóa học và tiêu thụ thông qua bán hàng online.

Hiện nay, ngoài được trồng tập trung tại huyện Đức Hòa, cây ổi còn phát triển tại nhiều nơi khác của Bến Lức như Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Lương Bình.

“Lừng danh” khóm Bến Lức (Ảnh: Internet)

“Lừng danh" khóm Bến Lức

“Đi ngang Long An, nhớ ghé ăn khóm Bến Lức” là lời nói truyền tai nhau của nhiều người, khẳng định trái khóm Bến Lức nổi tiếng thơm ngon. Ngoài những loại cây trái nổi tiếng khác, cây khóm bén duyên trên vùng đất Bến Lức từ rất lâu. Nhiều người nhận xét, khóm Bến Lức có độ ngọt cao hơn những nơi trồng khác, độ giòn của trái khóm cũng khá đặc biệt. Hiện nay, Bến Lức có diện tích trồng khóm khoảng 400ha, tập trung ở các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi. Đặc biệt hơn, Thạnh Lợi còn tổ chức nông dân sản xuất khóm theo hướng liên kết. Thạnh Lợi hiện có 1 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP tại ấp 4. Thông qua hình thức sản xuất liên kết giúp nông dân thuận lợi hơn trong áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp cây khóm đạt năng suất, chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương.  

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Lợi - Lê Thị Lệ Thanh cho biết: Cây khóm thích ứng tốt trên vùng đất phèn và còn có thể chịu mặn. Để nông dân quay lại với  nghề trồng khóm, địa phương có chủ trương hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, vừa chủ động nhân rộng mô hình. Khóm dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, chăm sóc đơn giản. Sau khi trồng khoảng 14-18 tháng, khóm sẽ cho thu hoạch từ 3-5 năm. Hiện giờ, nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học - kỹ thuật vào trồng khóm, xử lý cho cây ra trái theo ý muốn, thâm canh,... Nhờ đó, khóm đạt năng suất từ 20-25 tấn/ha/năm, thu lợi nhuận khoảng 700-800 triệu đồng/năm.

Sau nhiều năm trải qua những thăng trầm, có lúc cây khóm Bến Lức gần như mai một nhưng sau nhiều nỗ lực từ chính quyền địa phương, nông dân, giờ đây cây khóm Bến Lức đang dần phục hồi và phát huy được thế mạnh, trở thành loại cây mang lại thu nhập cao cho nông dân. Hơn nữa, chính quyền địa phương còn xây dựng đê bao ngăn mặn, triều cường, ngành Nông nghiệp tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người trồng khóm. Huyện Bến Lức đã và đang định hướng, nỗ lực tìm thị trường ổn định cho trái khóm. Hy vọng vị ngọt của khóm cây khóm Bến Lức sẽ trở lại “lừng danh” trên thị trường, góp phần phát triển sản xuất, làm cho nghề trồng khóm còn mãi với thời gian.

Cốm ngò Cần Giuộc ngọt, béo mà không ngán bởi độ xốp và phảng phất hương thơm (Ảnh: Internet)

Cốm ngò Cần Giuộc

Cốm ngò là món ăn có nguồn gốc từ người Hoa đến sinh sống tại huyện Cần Giuộc. Nguyên liệu làm nên cốm ngò là những nguyên liệu giản đơn và gần gũi như bột mì, trứng, đường, mạch nha, gạo nếp và dầu thực vật,... Các công đoạn làm bánh, kỳ công qua nhiều khâu. Nhưng ngày nay, một số máy móc đã hỗ trợ người làm bánh nên đỡ vất vả hơn.

Về cái tên cốm ngò, các chủ cơ sở sản xuất truyền thống cho biết, nó được đặt theo cách trang trí của món ăn này khi người ta thường hay để lên trên nó vài lá ngò. Trước đây, cốm ngò thường được làm để dùng trong gia đình hoặc biếu người thân, xóm giềng. Giờ đây, người ta thường mua cốm ngò để cúng tổ tiên, làm quà tết, bởi giá cả hợp túi tiền và hợp khẩu vị của khách hàng. Hiện nay, vào dịp Tết Nguyên đán, lễ, lò cốm ngò luôn hoạt động hết công suất mà nhiều khi vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Một miếng cốm ngò ngon có nhiều yếu tố, cốm ngọt, béo mà không ngán bởi độ xốp và phảng phất hương thơm. Cốm ngò Cần Giuộc không chỉ được bán tại Cần Giuộc mà còn bán rộng rãi ở miền Tây, TP.HCM, miền Đông, Trung, Bắc./.

Sở Công Thương Long An - Mai Hương

Chia sẻ bài viết