Tiếng Việt | English

22/06/2018 - 12:15

Chấn chỉnh tình trạng chim trời bị vặt lông, treo bán gây phản cảm

Chợ nông sản Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An bày bán nhiều mặt hàng nông sản như khoai mỡ, khoai mì,... những năm qua, chợ bị “biến tướng”, trở thành nơi “sát sinh” chim trời có “tiếng” trong và ngoài tỉnh. Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa đối thoại với các hộ buôn bán nhằm chấn chỉnh tình trạng thui, treo bán chim trời gây phản cảm.

Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các hộ buôn bán tuyệt đối không được nhổ lông, thui, treo ngược các loài chim để bày bán gây phản cảm

Chợ chim lớn nhất miền Tây

Những năm qua, chợ nông sản tại thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa (bên Quốc lộ 62), được biết đến là nơi bày bán chim trời. Mỗi khi khách ghé vào, người bán giới thiệu rất hấp dẫn: Có đầy đủ các loài như chim cu, vịt trời, cò trắng, cúm núm,... Mỗi loài có giá khác nhau, từ 180.000 đồng đến trên 300.000 đồng/kg.

Tại chợ chim trời lớn nhất miền Tây này, nhiều loài chim bị nhốt trong lồng hoặc treo thành từng chùm trước sạp, có nhiều chùm bị nhổ trụi lông trông rất phản cảm. Không những vậy, khi khách hàng yêu cầu, chim còn được thui sống. Có lúc, chợ này bị phát hiện bán một số loài động vật hoang dã, quý hiếm nằm trong danh sách bảo tồn như Culi (loài động vật thuộc danh mục quý hiếm nhóm IB và bị cấm buôn bán thương mại). Tháng 7/2015, ngành chức năng phát hiện và giải cứu 4 con culi bán tại chợ nông sản thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa.

Tình trạng này kéo dài nhiều năm, báo chí trong và ngoài tỉnh phản ánh rất nhiều. Chính quyền địa phương nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng các hộ buôn bán vẫn chưa chấp hành tốt.

Không được treo, thui chim trời để bán gây phản cảm

Qua phản ánh của báo chí, mới đây, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo thông tin về việc chấn chỉnh tình trạng bày bán chim trời, thú hoang tại khu chợ ven đường này. Theo ông Nguyễn Văn Tạo, ngày 05/4/2018, UBND huyện tổ chức đối thoại với các hộ dân về việc sắp xếp lại trật tự buôn bán tại điểm bán hàng nông sản thị trấn Thạnh Hóa.

UBND huyện yêu cầu các ngành chuyên môn tập trung tuyên truyền, vận động và triển khai các quy định của pháp luật đến các hộ buôn bán, nghiêm cấm các hành vi vận chuyển, mua bán các loại động vật hoang dã có tên trong danh sách động vật hoang dã, quý hiếm cần được bảo tồn như Nghị định 157/2013-CP của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Nghị định 160/2013-CP của Chính phủ quy định về xác định loài, chế độ quản lý loài thuộc danh mục động vật quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ,...

Thông qua đối thoại, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các hộ buôn bán tuyệt đối không được nhổ lông, thui, treo ngược các loài chim để bày bán gây phản cảm. Đồng thời, yêu cầu các hộ bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự và an toàn giao thông tại khu vực buôn bán.

“UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng huyện tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm” - ông Nguyễn Văn Tạo thông tin.

Sau cuộc đối thoại, ngành chức năng huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra tại chợ; qua đó, còn một vài hộ buôn bán gây phản cảm, ảnh hưởng an toàn giao thông nên bị xử lý. Theo báo cáo của UBND huyện Thạnh Hóa, tình trạng này có chuyển biến tích cực. Từ đầu tháng 5/2018 đến nay, chưa phát hiện trường hợp hộ tiểu thương nào buôn bán gây phản cảm như nhổ lông, thui và treo ngược các loài động vật hoang dã. Về việc có thông tin phản ánh, ở chợ bày bán các loài động vật quý như khỉ, voọc, ngành chức năng tổ chức kiểm tra nhưng chưa phát hiện.

Những năm qua, chợ nông sản Thạnh Hóa thường xuyên xuất hiện những chùm chim treo ngược gây phản cảm

Bên cạnh đó, huyện Thạnh Hóa hoàn thành việc cắm mốc quy định các hộ tiểu thương để hàng hóa buôn bán không lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ; thành lập tổ tự quản, xây dựng nội quy, quy chế hoạt động tại chợ. Huyện công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh về buôn bán lấn chiếm lề đường, bày bán động vật quý hiếm. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định pháp luật của các hộ buôn bán.

UBND huyện Thạnh Hóa cũng có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng tỉnh, kiến nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý việc buôn bán các loài động vật quý hiếm. Đồng thời, hỗ trợ huyện điều tra đường dây vận chuyển, mua bán các động vật cấm theo quy định./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết