Hàng năm, Trung tâm Y tế TP.Tân An phối hợp tăng cường tuyên truyền về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/ thanh niên tại các trường học
Lắng nghe và chia sẻ
Hiện nay, tình trạng quan hệ tình dục (QHTD) sớm, tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và nguy cơ lây nhiễm các bệnh tình dục ở lứa tuổi VTN/thanh niên (TN) có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, kiến thức, kỹ năng cơ bản để bảo vệ sức khỏe của lứa tuổi này còn hạn chế. Hơn nữa, khi giáo dục về SKSS cho các em, cha mẹ cũng thường có tâm lý e dè, né tránh, trong khi các em rất cần được hướng dẫn đầy đủ, sâu sắc. Khi có thắc mắc về những vấn đề “thầm kín”, các em sẽ có xu hướng tự lên mạng tìm hiểu hoặc tâm sự với bạn bè hơn là sẻ chia với cha mẹ, thầy cô. Do đó, gia đình, nhà trường cần cung cấp những thông tin chính thống, trang bị cho các em kỹ năng để bảo vệ bản thân.
Nhân viên y tế Trường THCS Lý Tự Trọng - Trần Thị Hồng Trang thông tin: Hàng năm, nhà trường đều phối hợp Trung tâm Y tế (TTYT) TP.Tân An tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về SKSS VTN/TN. Nhờ sự cởi mở, gần gũi cùng kỹ năng tuyên truyền của các báo cáo viên mà các em mạnh dạn đặt câu hỏi, sẵn sàng sẻ chia những điều trăn trở về tâm lý, tình cảm tuổi mới lớn. Với những vấn đề còn e ngại về SKSS, nhất là học sinh nữ, nếu không thể hỏi tại các buổi nói chuyện chuyên đề hay chia sẻ với thầy cô, cha mẹ thì các em cũng tìm đến trò chuyện cùng nhân viên y tế.
Hãy để “hươu” chạy đúng đường!
Ở Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 250-300 ngàn ca nạo phá thai được báo cáo chính thức. Dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây có giảm nhưng tỷ lệ QHTD trước hôn nhân và nạo phá thai ở trẻ VTN/TN lại có dấu hiệu gia tăng. Nạo phá thai, QHTD không an toàn để lại nhiều hậu quả đáng tiếc cho giới trẻ, ảnh hưởng từ tâm lý đến sức khỏe và cả cuộc sống, tương lai về sau. Do đó, việc định hướng, cung cấp kiến thức về SKSS VTN/TN cho các em là rất cần thiết.
Nhà trường, gia đình và xã hội cần có cái nhìn cởi mở hơn, thẳng thắn chia sẻ, đồng hành và định hướng, tuyên truyền để các em có kiến thức, đủ khả năng bảo vệ bản thân
Viên chức Phòng DS - Truyền thông giáo dục sức khỏe, TTYT TP.Tân An - Lê Thị Cẩm Ngọc chia sẻ: “Hàng năm, TTYT TP.Tân An phối hợp tuyên truyền về kiến thức chăm sóc SKSS VTN/TN tại các trường học. Tôi phụ trách tuyên truyền tại 5 trường THPT trên địa bàn với trung bình 4 cuộc/năm/trường, gần đây nhất là buổi nói chuyện chuyên đề tại Trường THPT Chuyên Long An và Trường THPT Lê Quý Đôn. Cấp THCS sẽ do y tế xã, phường thực hiện hoặc có sự hỗ trợ từ TTYT thành phố. Tại buổi truyền thông, các em được cung cấp kiến thức, kỹ năng giải quyết các tình huống về chăm sóc SKSS như tuổi dậy thì và tuổi VTN; những thay đổi về thể chất, tình cảm, tâm lý ở tuổi dậy thì; tình bạn, tình yêu, tình dục an toàn và phòng tránh mang thai ngoài ý muốn; nguyên nhân dẫn đến thực trạng QHTD sớm ở VTN; hậu quả của có thai, phá thai ở tuổi VTN; phòng, chống HIV/AIDS;...
Hoạt động truyền thông, giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS VTN/TN cũng được các địa phương chú trọng, thường xuyên tuyên truyền nhằm giúp các em biết cách tự bảo vệ mình trước những nguy cơ bị xâm hại tình dục, hệ lụy của QHTD không an toàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục,...
Tại huyện Cần Đước, Trưởng phòng Dân số, TTYT huyện - Nguyễn Thị Bích Phượng cho biết, toàn huyện có 5 trường THPT và 10 trường THCS. Hàng năm, chúng tôi tuyên truyền tại mỗi trường từ 2 cuộc trở lên. Tùy từng lứa tuổi, cấp học mà báo cáo viên sẽ thông tin những nội dung phù hợp, cần thiết để các em có những nhận thức đúng đắn về tình bạn, tình yêu trong sáng, có thái độ, hành vi tích cực về SKSS, sức khỏe tình dục.
Em Huỳnh Thị Trúc Linh (học sinh lớp 12SH, Trường THPT Chuyên Long An) chia sẻ: “Tuổi mới lớn có những thay đổi về tâm, sinh lý, em rất ngại khi hỏi cha mẹ nên thường lên mạng tìm hiểu hoặc trao đổi cùng bạn bè. Những buổi nói chuyện chuyên đề về SKSS VTN/TN giúp chúng em có được nguồn thông tin chính thống, có kiến thức, kỹ năng bảo vệ mình, biết cách giải quyết các vấn đề, tình huống xảy ra trong thực tế và xây dựng mối quan hệ tình bạn, tình yêu học đường đúng đắn, trong sáng”.
Với những vấn đề còn e ngại về sức khỏe sinh sản, nhất là học sinh nữ, nếu không thể hỏi tại các buổi nói chuyện chuyên đề hay chia sẻ với thầy cô, cha mẹ thì các em cũng tìm đến trò chuyện cùng nhân viên y tế
Sự cởi mở, thẳng thắn trong các buổi trò chuyện về SKSS VTN/TN giúp các em mạnh dạn, tự tin và hiểu rõ về sự thay đổi của cơ thể mình. Đây là điều rất cần thiết vì nếu QHTD sớm, không an toàn dẫn đến mang thai hay phải nạo phá thai sẽ để lại những tổn thương về tâm lý, sức khỏe. Những chấn động, cú sốc tâm lý sẽ gây ra những hậu quả khôn lường khi các em còn quá trẻ. Ngoài ra, với việc giáo dục giới tính, các bậc cha mẹ không nên né tránh mà cần có sự cảm thông, cởi mở, khéo léo để đồng hành cùng nhà trường và xã hội trong việc “hướng” trẻ có những nhận thức đúng đắn về tình bạn, tình yêu, giúp các em phòng tránh trước những điều bất lợi có thể xảy ra đối với SKSS, nhất là học sinh nữ.
VTN/TN là nguồn nhân lực kế cận nên luôn được xã hội đặc biệt quan tâm, do đó, ngoài việc học tập văn hóa tại trường, trang bị kỹ năng sống, việc chăm sóc SKSS VTN/TN rất cần được chú trọng. Thiếu kiến thức về SKSS có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về sau. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội vì một thế hệ trẻ khỏe mạnh, vì tương lai của đất nước./.
Thu Ngân