Tiếng Việt | English

12/05/2020 - 14:45

Chăm sóc người cao tuổi cả về sức khỏe lẫn tinh thần

Người ta thường bảo “người già hóa trẻ con”, khi đã qua tuổi xuân với nhiều cống hiến, người cao tuổi dễ trở nên mặc cảm vì thấy bản thân “thừa thãi”. Người lớn tuổi dễ tổn thương cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Họ cần được quan tâm, chăm sóc từ trong gia đình đến ngoài xã hội.


Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thực sự là trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình và toàn xã hội

Những ngày thời tiết oi nóng, chị Phan Ngọc Hạnh - vợ anh Bùi Văn Hồng (ấp Nhựt Tân, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), chủ yếu nấu hủ tiếu, cháo, bánh canh,… cho gia đình dùng trong bữa tối. Món ăn thay đổi liên tục mỗi ngày chỉ mong cha mẹ chồng được ngon miệng mà ăn thêm một chút. Sống cùng cha mẹ chồng đã lớn tuổi nên anh chị quan tâm từng chút một, từ bữa ăn đến giấc ngủ, lời ăn tiếng nói hàng ngày. Bởi hơn ai hết, anh chị hiểu người lớn tuổi cần sự quan tâm, chăm sóc của con cháu. Anh Hồng chia sẻ: “Người lớn tuổi giống như một đứa bé nên chăm sóc hay nói năng với họ đều phải nhẹ nhàng, chiều chuộng. Hiểu được tâm lý của người lớn tuổi nên vợ chồng tôi luôn cẩn trọng để cha mẹ được thoải mái, vui lòng”. Mỗi sáng sớm, anh khuyến khích cha mẹ đi bộ tập thể dục quanh nhà. Hàng tháng, anh đều đưa cha mẹ đi khám định kỳ, vừa lấy thuốc cho bệnh mạn tính, vừa kiểm tra tổng quát tình trạng sức khỏe. Đó là cách vợ chồng anh Hồng quan tâm đến cha mẹ mình. Sự quan tâm ấy cũng chính là giá trị cốt lõi, nền tảng xây dựng sự gắn kết bền vững của gia đình. 

Người lớn tuổi đóng vai trò quan trọng trong xã hội, đó là lớp người đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự phát triển chung. Khi lớn tuổi, họ cần được quan tâm, chăm sóc từ phía gia đình và xã hội. Đó là truyền thống và đạo lý của dân tộc ta. Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh - Võ Thành Vũ cho biết, địa phương luôn quan tâm công tác chăm lo người cao tuổi. Hàng năm, xã đều vận động mạnh thường quân tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn xã. Việc chúc thọ, thăm hỏi, hỗ trợ người cao tuổi cũng được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Đó là chút quan tâm, động viên dành cho người cao tuổi tại địa phương. 

Ở xã Long Khê, huyện Cần Đước, ngoài nguồn kinh phí địa phương, UBND xã còn vận động kinh phí của mạnh thường quân chăm sóc các cụ già tàn tật trên địa bàn xã. Hiện nay, toàn xã có 15 cụ được hỗ trợ hàng tháng với mức 200.000 đồng/tháng. Số tiền tuy không lớn nhưng làm ấm lòng các cụ và người thân trong gia đình. Phó Chủ tịch UBND xã Long Khê - Nguyễn Thị Nhỉ cho biết, các cụ được chọn thường là những người không đi lại được, ưu tiên những cụ hoàn cảnh gia đình khó khăn. 

Như trường hợp gia đình bà Võ Thị Lệ Hằng (ấp 2, xã Long Khê). Bà Hằng bệnh nằm liệt giường đã nhiều năm, mọi việc chăm sóc trong, ngoài ở gia đình đều do bà Võ Thị Lệ Thương (chị bà Hằng) đảm nhiệm. Hai người phụ nữ ngoài 60 tuổi nương tựa vào nhau. Chút nguồn thu ít ỏi từ huê lợi đất chỉ đủ cho hai người phụ nữ rau cháo qua ngày và gói ghém gửi thêm cho con gái bà Hằng đang học đại học. Vài tháng một lần, UBND xã Long Khê tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà của mạnh thường quân cho gia đình. Cầm tiền trên tay, bà Hằng chỉ gật đầu “ừ” một tiếng và rơm rớm nước mắt. Mời khách ngồi dưới hiên nhà, bà Thương bộc bạch, cuộc sống bà gần như cả cuộc đời vất vả. Giờ đây, được chính quyền quan tâm, bà xúc động, nói lời cảm ơn liên tục. 

Người cao tuổi, ai cũng có một thời tuổi trẻ với nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển xã hội. Đến thời điểm bóng xế tuổi già, người cao tuổi cần được quan tâm, chăm sóc để sống vui, sống khỏe. Với kho kinh nghiệm sống dồi dào, người cao tuổi sẽ là nền tảng gìn giữ giá trị tốt đẹp trong gia đình, giúp cân bằng cuộc sống và là sợi dây gắn kết các thế hệ lại với nhau. Quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thực sự là trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình và toàn xã hội./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết