1. Trong căn nhà tình nghĩa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, giờ đây, gia đình ông Trần Văn Ro, ngụ ấp 4, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An có cuộc sống ổn định hơn xưa. Trò chuyện với chúng tôi, người thương binh vui mừng khi chia sẻ về sự quan tâm của chính quyền địa phương dành cho gia đình mình cũng như các hộ chính sách khác.
Ông nói: “Xã Thạnh An còn nhiều khó khăn hơn các địa phương khác nhưng công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được thực hiện tốt. Vào những ngày lễ, tết, nhiều đoàn đến thăm hỏi, tặng quà gia đình tôi. Không những vậy, mỗi lần đến đợt nhận tiền trợ cấp, tôi và các hộ chính sách thường được cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Thạnh An gọi điện thông báo nhận tiền. Những lúc đau ốm không thể đến nhận được, xã cử người đến tận nhà trao tiền”.
Những đợt phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được tỉnh tổ chức trang trọng
Ở xã Thạnh An luôn là vậy. Người có công không nhiều như các địa phương khác, điều kiện đi lại khó khăn nhưng cán bộ xã luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách, trong đó, phải kể đến vai trò của cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Đồng Thị Hồng Diễm.
Chị Diễm cho biết: “Tôi kính trọng các cô, chú vì họ là những người chịu nhiều mất mát, hy sinh vì nền độc lập của đất nước. Những việc tôi làm chưa là bao so với công lao của các gia đình”.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An - Mai Văn Thảo chia sẻ, Thạnh An là xã vùng sâu của huyện Thạnh Hóa, có 21 gia đình chính sách. Thời gian qua, công tác chăm sóc gia đình chính sách được địa phương quan tâm. Dù điều kiện không bằng những nơi khác nhưng xã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 10 triệu đồng/năm.
2. Năm 2016, bà Huỳnh Thị Điệp, ngụ ấp 5, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng được Tổng Công ty Điện lực miền Nam hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa. Cùng với số tiền từ gia đình dành dụm, bà cất được ngôi nhà khang trang.
Trong mái ấm được xây tặng, bà dành một nơi trang trọng để thờ chồng là liệt sĩ Nguyễn Đắc Quí. Bà mong rằng, không chỉ bà mà các đối tượng chính sách khác đều được quan tâm, tạo điều kiện để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bà Huỳnh Thị Điệp, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An nhận quyết định trao tặng nhà tình nghĩa
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Hưng - Võ Hồng Thái thông tin, toàn huyện có 751 đối tượng có công với nước, trong đó có 102 Mẹ Việt Nam Anh hùng (8 mẹ còn sống).
Nhiều năm nay, công tác chi trả trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng chính sách luôn bảo đảm kịp thời và chính xác. Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 512 triệu đồng; rà soát nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở".
Theo quyết định này, huyện xây mới 5 căn và sửa chữa 23 căn nhà tình nghĩa. Ngoài ra, xã còn vận động xây mới 3 căn và sửa 3 căn nhà tình nghĩa, trị giá 200 triệu đồng.
3. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 124.000 người có công với cách mạng, gồm 4.926 Mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống 259 mẹ), 68 anh hùng lực lượng vũ trang, hơn 30.200 liệt sĩ, 11.050 thương binh, trên 1.800 bệnh binh, 2.689 người tham gia hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 1.667 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học,...
Tất cả người có công được Nhà nước công nhận và thân nhân của các gia đình đều được chi trả chế độ, chính sách kịp thời, đúng quy định, đồng thời được hưởng chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, xây dựng, sửa chữa nhà ở, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm,...
Báo Long An nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hạnh tại huyện Cần Giuộc
Hàng năm, tỉnh vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa khoảng 10 tỉ đồng để xây tặng và sửa chữa nhà ở cho người có công. Đồng thời, tỉnh cũng xuất ngân sách với kinh phí khoảng 10 tỉ đồng thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công với cách mạng nhân các dịp lễ, tết.
Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được triển khai thực hiện hiệu quả, qua 16 năm (từ năm 2001 đến nay), tỉnh quy tập được 2.079 bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia đưa về nước (trong đó, có 159 bộ hài cốt có tên và địa chỉ), công tác quy tập mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh cũng đang được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, theo đề xuất của tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép tỉnh Long An thí điểm rà soát hồ sơ các đối tượng chính sách tồn đọng, UBND tỉnh trình Trung ương xem xét, giải quyết đợt I gồm 8 hồ sơ (6 liệt sĩ và 2 thương binh) và đang chờ Trung ương xét duyệt đợt II.
Những ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng có công. Riêng những Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến cuối đời.
Đó là những việc làm còn rất nhỏ bé, tuy nhiên đền đáp được phần nào sự hy sinh, mất mát của các gia đình, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người có công với nước./.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), UBND tỉnh dự kiến tổ chức nhiều hoạt động. Trong đó, có họp mặt biểu dương người có công (NCC) tiêu biểu (biểu dương và khen thưởng đối với 70 đại biểu NCC với cách mạng và các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích đóng góp trong công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh); tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ đồng loạt tại các nghĩa trang liệt sĩ; phát động vận động, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp; phát động phong trào ủng hộ xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa trước ngày 27/7/2017; tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng với chủ đề “Màu hoa đỏ”; phát động phong trào Mỗi cá nhân, đơn vị làm một việc tốt, giúp đỡ gia đình NCC với cách mạng nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ và NCC với cách mạng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình có công với cách mạng;... |
Thanh Nga