1. Tôi thường nghe ông nội, cha và bác kể nhiều về chiến tranh. Cũng như ông nội, hai bác và những người bạn cùng trang lứa, năm 1971, cha tôi lên đường, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hành trang cha mang theo đầy ắp ước mong, niềm tin được đóng góp công sức giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau chiến tranh ác liệt, cha và bác trở thành thương binh, còn một người bác (anh trai cha) là liệt sĩ (hy sinh tại Tiền Giang).
“Lúc ấy, đi bộ đội là một niềm tự hào của những trai làng. Lời hiệu triệu của Bác Hồ, lòng căm thù giặc, niềm khát khao độc lập, tự do thôi thúc bao lớp thanh niên lên đường tòng quân, vượt dải Trường Sơn vào Nam mà không hề đắn đo hay sợ gian khổ, hy sinh” - cha vẫn thường kể với tôi như thế.
Những ngày đi dọc Trường Sơn và lúc chiến đấu tại nhiều chiến trường ở miền Nam, cha cùng đồng đội chống chọi với những cơn sốt rét rừng, đối mặt hiểm nguy trong những trận đánh ác liệt. Trong một lần chiến đấu tại Đức Hòa - Đức Huệ (Long An), cha bị địch bắn bị thương ở mạn sườn trái. Sau này, cha được Nhà nước công nhận là thương binh hạng 2/4.
Minh họa: Thiện Mỹ
Mỗi khi kể về thời chiến, cha rơm rớm nước mắt vì nhớ những đồng đội đã ngã xuống, tình đồng chí trong thời khắc sinh tử, hiểm nguy, gian khó. Như lời cha nói, tình cảm đó chân thật, chẳng tính toán thiệt, hơn, được, mất. “Trong trận chống càn của địch, một đồng đội nói với cha những lời như trăn trối: Tao bị thương rất nặng, chắc không qua khỏi. Mày bỏ tao lại ở đây và nhanh chóng rút lui. Nhưng cha vẫn kiên quyết: Sống cùng sống, chết cùng chết và tiếp tục cõng đồng đội mở đường máu” - cha nghẹn ngào kể lại.
Hơn 25 năm sau ngày đất nước thống nhất, một cựu chiến binh từ Nghệ An đến nhà tôi để hỏi thăm, tìm lại “đứa em” từng là đồng đội, chăm sóc cho mình khi bị thương ở chiến trường. Hôm ấy, cha đang công tác xa nhà nên tôi đưa bức ảnh của cha cho ông xem. Thời gian trôi qua rất lâu nhưng ông vẫn nhận ra người đồng đội mình đang tìm kiếm. Kể từ đó, hai người thường xuyên gặp nhau. Những lần uống vài ly rượu bên quán cóc ven đường hay bên tách trà nóng, hai người thương binh lại hàn huyên, kể về chiến tranh, nhắc lại tình đồng chí, đồng đội trong gian khó.
2. Thời bé, 4 anh em trai tôi hay sờ vết sẹo lớn, hõm sâu bên mạn sườn trái của cha để nghịch vì thấy lạ. Lớn lên, chúng tôi mới biết, đó là vết thương do chiến tranh. Anh em chúng tôi thường nói với nhau: Tụi mình được học hành đàng hoàng cũng có máu của cha. Đúng vậy, vì là con thương binh nên chúng tôi được giảm học phí; các kỳ thi tốt nghiệp, đại học, chúng tôi đều được cộng điểm ưu tiên. Và, số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng, cha không mua thuốc cho mình mà để dành mua gạo, thịt, cá, cuốn sách, quyển tập,... cho các con.
Mấy chục năm công tác xa nhà là ngần ấy thời gian cha hy sinh rất nhiều thứ. Tiền lương hàng tháng, cha chi tiêu tiết kiệm, dành dụm gửi về quê cho vợ, con. Có ngôi nhà nhỏ ở thành phố, ông quyết định bán, lấy tiền cho 4 đứa con ăn học. Sau này, cha được Nhà nước cấp miếng đất ở phố nhưng cũng bán, về quê xây dựng căn nhà để vợ, con có nơi ở đàng hoàng. Còn cha thuê một phòng trọ nhỏ gần nơi công tác để tiện đi làm, cuối tuần lại về với gia đình ở quê. Bây giờ, mỗi khi nhớ những lần hè được cha đưa ra thành phố chơi, nhớ hình ảnh cha loay hoay trong phòng trọ nhỏ, nấu cơm, nhường giường cho các con hay nhiều đêm, 2-3 giờ sáng mà cha còn thao thức, nước mắt tôi lại rơi.
Một đời vất vả nhưng cha vẫn thường nói, tài sản lớn nhất của ông là 4 đứa con. Thấy các con được học hành đàng hoàng, có cuộc sống ổn định, cha rất vui. Vì thế, cha chưa bao giờ tiếc những tài sản đã bán để “ưu tiên” cho các con cái chữ, cái nghề.
3. Tôi nhớ mãi lời cha dặn trước ngày tiễn tôi đi làm việc xa nhà. Ông bảo: Cha, mẹ chẳng thể ở bên con suốt cuộc đời nên hãy sống và làm việc sao cho xứng đáng, có đạo đức. Cuộc sống có nhiều hạnh phúc, thành công nhưng đôi khi cũng có cả nỗi buồn, thất bại, quan trọng là con phải biết giữ mình, không lấy thành công để tự mãn, khoác lác; thất bại không được chùn bước mà phải đứng lên. Đừng trông chờ vào may mắn mà bản thân phải tự lực, biết phấn đấu, cố gắng.
Cha dẫn chứng: Có những loài cây sống kiếp tầm gửi, núp bóng nhờ một cây khác nhưng cũng có cây, dù mọc dưới thân cây khác nhưng vẫn vươn ra đón ánh nắng mặt trời. Cũng từ ví dụ đó, cha dặn tôi: Con hãy nhớ, ở đâu cũng phải sống, làm việc cho tử tế, đàng hoàng, không được nản lòng...
Đơn vị tôi công tác gửi lời thăm cha nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, gọi điện về nhà, tôi nghe mẹ nói, cha gầy đi nhiều vì tuổi tác, vết thương vẫn đau nhức mỗi lúc trái gió trở trời nhưng ông chẳng than vãn, cố gắng vượt qua. Nghe vậy, tôi nhói lòng và nước mắt rưng rưng vì bao kỷ niệm thời thơ ấu với cha lại ùa về. Chính lối sống của cha đã truyền dạy cho anh em chúng tôi sự tử tế, mạnh mẽ, tự lập, vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng là lý do ông đặt tên cho 4 đứa con lần lượt là “Lập - Trường - Đức - Hạnh”.
Dù đã lớn khôn, có gia đình riêng và sống xa quê cả ngàn cây số nhưng trong tôi, cha - người thương binh vẫn có sự ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống. Với truyền thống của gia đình, tôi dặn lòng phải cố gắng sống thật xứng đáng dù có những lúc gặp nhiều vất vả, khó khăn./.
Lam Hồng