Tiếng Việt | English

11/09/2023 - 14:20

'Cây gậy' của người mù

Những năm qua, Hội Người mù TP.Tân An, tỉnh Long An có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên (HV). Qua đó, giúp họ tự tin, phấn đấu trở thành người sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Chủ tịch Hội Người mù TP.Tân An - Phạm Nhật Duy thăm, tặng quà cho hội viên

Chủ tịch Hội Người mù TP.Tân An - Phạm Nhật Duy chia sẻ: “HV của Hội đều nhận đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho người khuyết tật như thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội hàng tháng,... Ngoài ra, Hội còn làm tốt vai trò “cầu nối” giữa các nhà hảo tâm để tặng quà; hỗ trợ pháp lý; tập huấn, trang bị các kỹ năng cơ bản cho người mù trong sinh hoạt hàng ngày và di chuyển ra đường tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc khi va chạm vật cản phía trước. Bình quân hàng năm, Hội vận động các nhà hảo tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho HV từ 800-900 triệu đồng. Qua đó, đời sống của HV ngày càng nâng lên”.

Vừa qua, Hội vận động Hội Người mù huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) trao tặng 45 cây gậy trắng cho HV người mù trên địa bàn thành phố và tổ chức lớp tập huấn “Định hướng di chuyển, tiếp cận giao thông cho người mù” năm 2023. Ông Lương Trung Tài (SN 1961, ngụ phường Tân Khánh, TP.Tân An) cho biết: “Từ nhỏ, mắt tôi chỉ thấy mờ mờ.

Đến năm 40 tuổi, tôi bị mù hẳn, không còn thấy ánh sáng. Để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình, tôi đi bán vé số nhưng thường bị tai nạn do không nhìn thấy. Khi được tặng cây gậy trắng và tham gia lớp tập huấn, tôi rất mừng. Nhờ có cây gậy trắng này, tôi dò đường thuận tiện hơn, không bị vấp ngã”.

Nội dung lớp tập huấn “Định hướng di chuyển, tiếp cận giao thông cho người mù” gồm lý thuyết và thực hành. Theo đó, với phần lý thuyết, giáo viên truyền đạt cho học viên kỹ năng định hướng (bằng cách cảm nhận thính giác, khứu giác) an toàn dưới, an toàn trên, an toàn ngang và an toàn dọc. HV người mù cũng được hướng dẫn sử dụng gậy dò đường khi di chuyển lên, xuống cầu thang và di chuyển trên lòng, lề đường. Những kiến thức được tập huấn sẽ giúp học viên an toàn trong đi lại, làm việc và sinh hoạt hàng ngày; có thể bảo vệ bản thân khi di chuyển một mình, tự tin hơn trong cuộc sống.

Chị Bùi Thị Thanh Nga (phường Tân Khánh, TP.Tân An) bị mù bẩm sinh. Lớn lên, chị thường bị bạn bè trêu chọc nên ít giao tiếp với mọi người, sống khép kín. Khiếm khuyết của cơ thể khiến chị mặc cảm. Từ khi được tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù TP.Tân An, chị quen được những người cùng cảnh ngộ và có sân chơi lành mạnh, bổ ích để hòa nhập cộng đồng. Sau thời gian, chị nảy ra ý định kinh doanh tạp hóa vì nhà ở phía trước các khu nhà trọ tập trung nhiều công nhân, lao động. Đang loay hoay tìm nguồn vốn, chị được Hội Người mù TP.Tân An hỗ trợ vay 20 triệu đồng để làm vốn.

Chị Nga trải lòng: “Thấy tôi bị khiếm thị mà muốn mở tiệm bán tạp hóa, nhiều người đến giúp đỡ, ủng hộ. Cảm giác lần đầu tiên tự mình làm ra tiền hạnh phúc lắm! Nhờ có nguồn vốn của Hội mà tôi cảm nhận được giá trị của bản thân, cảm nhận hạnh phúc từ những điều giản đơn nhất”.

Hội Người mù TP.Tân An tổ chức tập huấn “Định hướng di chuyển, tiếp cận giao thông cho người mù” và vận động tặng 45 cây gậy trắng cho hội viên

Người mù nói riêng, người khuyết tật nói chung thường hạn chế trong việc di chuyển, sinh hoạt và phát triển kinh tế gia đình, trong đó, một số người còn phụ thuộc hoàn toàn vào người thân, gia đình, chưa có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Việc tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng sống, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất là điều cần thiết, giúp họ mạnh dạn, tự tin tái hòa nhập cộng đồng, phấn đấu trở thành người sống có ích, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, không để tái nghèo hoặc phát sinh nghèo./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết