Tiếng Việt | English

13/04/2019 - 16:13

Cầu truyền hình nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cầu truyền hình “Nguồn sáng dẫn đường” được tổ chức nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cầu truyền hình tại đầu cầu Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)
Tối 12/4, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức chương trình cầu truyền hình “Nguồn sáng dẫn đường” nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019).

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham dự tại đầu cầu Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu cầu còn lại diễn ra tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên-Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Phát biểu tại đầu cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong Di chúc Bác Hồ kính yêu đã nhắn gửi "Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ trở thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên." Người kỳ vọng và gửi gắm niềm tin rất lớn vào thế hệ trẻ, Bác cho rằng để giúp ích cho xã hội, đòi hỏi con người phải có cả hai mặt: hồng và chuyên, tài và đức.

Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, thanh niên được kỳ vọng là người giữ trọng trách của lực lượng đi đầu trong sự nghiệp cách mạng đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển bền vững. Ngoài việc nắm bắt tri thức, kỹ năng thì việc giáo dục phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ là công việc cấp bách hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh luôn tạo điều kiện bồi dưỡng và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình góp phần xây dựng thành phố và đất nước ngày càng phát triển.


Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa cho giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo và nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Theo giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, qua lời kể của ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời điểm hơn 50 năm trước, ngày 10/5/1965 khi Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật,” đó là bản Di chúc lịch sử, vô giá, chứa đựng những giá trị tư tưởng tình cảm, để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Bản Di chúc đã kết tinh được tất cả trí tuệ, tâm hồn, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho biết việc Đảng có các chỉ thị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ một cách mạnh mẽ, kiên quyết và kiên trì" chính là nối tiếp việc làm theo Di chúc của Bác một cách thiết thực nhất.

Tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh các đại biểu có dịp gặp gỡ và giao lưu với nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn là người đã sáng tác rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng như "Dấu chân phía trước," "Bài ca không quên," "Đất nước," "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ," “Niềm tin.”

Nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn đã nhận được nhiều giải thưởng như Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Các đại biểu còn được thưởng thức nhiều ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh như "Ca ngợi Hồ Chủ tịch," "Nguồn sáng dẫn đường," "Dấu chân phía trước," "Trông cây lại nhớ đến Người"..../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết